Thái Nguyên: Đẩy mạnh giao thông trong chương trình xây dựng NTM

Chu Hồng Đông - VP Sở GTVT Thái Nguyên.| 19/12/2018 07:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong xây dựng NTM, Thái Nguyên xác định, hệ thống đường giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí hết sức quan trọng cho việc phát triển kinh tế nông thôn, tăng cường giao thương và giao lưu văn hóa.

Thái Nguyên là tỉnh Trung du miền núi phía Bắc. Trong nhiều năm, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ban, ngành Trung ương cũng như sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt của nhiều xóm, bản trong tỉnh đã từng bước khởi sắc tạo điều kiện thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh.

Trong xây dựng NTM, hệ thống đường giao thông nông thôn được xác định là một trong những tiêu chí hết sức quan trọng cho việc phát triển kinh tế nông thôn, tăng cường giao thương và giao lưu văn hóa. Thời gian qua, hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư đã và đang phát huy hiệu quả trên khắp địa bàn tỉnh, phát huy được vai trò: “Tạo điều kiện tiền đề thuận lợi cho người nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giầu; các dịch vụ xã hội được mở rộng; việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, tiếp cận tinh hoa văn hóa nhân loại cũng ngày một được nâng cao”. Tuy số lượng xã đã hoàn thành tiêu chí xây dựng đường giao thông còn thấp trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, nhưng hạ tầng giao thông nông thôn của tỉnh đã có bước tiến vượt bậc, đột phá.

Thái Nguyên: Đẩy mạnh giao thông trong chương trình xây dựng NTM

Hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư   (Ảnh: Nguyễn Cúc)

Cụ thể tại thời điểm năm 2011, toàn tỉnh mới có 01/143 xã đạt tiêu chí NTM về giao thông theo bộ tiêu chí NTM (đạt tỷ lệ 0,7% tổng số xã). Mục tiêu của toàn tỉnh là đến hết năm 2015 có 35% số xã (khoảng 50 xã) đạt chuẩn về giao thông nông thôn theo bộ tiêu tiêu chí NTM. Như vậy, nhiệm vụ xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn để nâng tỷ lệ từ 0,7% lên 35% trong vòng bốn năm là rất nặng nề, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực địa phương còn nhiều hạn chế, chính sách thắt chặt đầu tư công và bố trí kinh phí cho xây dựng hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng gặp nhiều khó khăn, nhu cầu đầu tư cứng hóa, bê tông hóa giao thông toàn tỉnh là rất lớn.

Sau khi tiếp thu các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông thôn. Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên đã tổ chức quán triệt học tập và nghiên cứu Nghị quyết; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị triển khai thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra.

Để tổ chức triển khai thực hiện tiêu chí Giao thông thuộc Chương trình xây dựng NTM tại địa phương, Sở Giao thông vận tải đã thành lập tổ công tác của Sở; chủ động tham mưu một số văn bản hướng dẫn của ngành, liên ngành và tổ chức tập huấn bồi dưỡng về công tác quy hoạch, thiết kế thi công đường giao thông nông thôn. Cụ thể: năm 2015 tổ chức 6 khóa tập huấn, năm 2016 tổ chức 3 khóa tập huấn, năm 2017 tổ chức 4 khóa tập huấn, năm 2018 dự kiến tổ chức 2 khóa về công tác xây dựng đường giao thông nông thôn cho cán bộ các địa phương trong tỉnh.

Theo số liệu thống kê năm 2012, toàn tỉnh có 10.693km đường giao thông nông thôn (Đường thôn xóm, ngõ xóm, giao thông nội đồng), hiện trạng phần lớn các tuyến đường chưa được đầu tư vào cấp, chủ yếu là đường mòn, đường đất. Kết quả thực hiện đến hết tháng 9 năm 2018, toàn tỉnh có 82/139 xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông nông thôn theo Bộ tiêu chí Quốc gia, đạt 59%, mục tiêu đến năm 2020 có 70% số xã. Tuy nhiên số xã đạt tiêu chí xã nông thôn kiểu mẫu về giao thông đến nay hầu như chưa có.

Có được kết quả ấy là nhờ các địa phương trong tỉnh đã chủ động ban hành cơ chế hỗ trợ linh hoạt, phù hợp điều kiện cụ thể để huy động nhiều nguồn lực đầu tư. Ngoài nhà nước và nhân dân cùng làm, Thái Nguyên còn nhận được sự chung tay, vào cuộc của cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sự đóng góp của các đơn vị doanh nghiệp thể hiện rõ nhất trong việc chung tay với tỉnh thực hiện đề án Đề án 2037:“Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020” được các ngành, các cấp và nhân dân đồng thuận nhiệt tình tham gia đóng góp công sức xây dựng 47km đường giao thông vào xóm, bản người Mông sinh sống. Đề án đã huy động đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo được trên 10 tỷ đồng phục vụ thi công đường bê tông xi măng.

Đa số các địa phương triển khai thực hiện nguyên tắc: Nhà nước hỗ trợ xi măng để làm mặt đường, nhân dân đóng góp vật liệu, hiến đất, tự giải toả cây cối, hoa màu (mặt bằng sạch); đồng thời đóng góp ngày công lao động, máy móc phục vụ thi công và tự tổ chức thi công, giám sát công trình. Bên cạnh đó, trong phong trào xây dựng NTM, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được tiếp nhận những nguồn lực và thực hiện tốt lồng ghép các nguồn vốn (vốn 135, ATK,…) và ngân sách địa phương; một số huyện giao Phòng Kinh tế - Hạ tầng (Phòng Quản lý đô thị) giúp các xã lập thiết kế, báo cáo kinh tế - kỹ thuật và dự toán công trình như huyện: Đại Từ, Định Hóa, Sông Công,...

Về xây dựng cầu dân sinh trên đường giao thông nông thôn: là một tỉnh trung du miền núi phía Bắc giao thông nông thôn còn yếu và thiếu về số lượng. Tại nhiều địa phương, giao thông bị chia cắt do thiếu công trình vượt sông, suối...Do đó, đời sống dân sinh kinh tế xã hội của đồng bào khu vực này gặp rất nhiều khó khăn. Trong những năm qua, nhu cầu đầu tư xây dựng cầu treo, cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Với sự vào cuộc, kêu gọi tích cực đầu tư của ngành Giao thông vận tải, hiện nay, tỉnh đang được hưởng lợi từ các Đề án của Trung ương như: Đề án đầu tư xây dựng cầu dân sinh đảm bảo ATGT vùng dân tộc thiểu số (186 cầu dân sinh) và dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (dự án LRAMP). Cụ thể, trên địa bàn toàn tỉnh đã hoàn thành đầu tư 07 cầu treo dân sinh trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công (Cầu treo Bình Định), huyện Phú Lương (Cầu treo Hái Hoa, Phấn Mễ), Định Hóa (Cầu treo Làng Héo), Đồng Hỷ (Cầu treo Thác Nhật, Tân Yên, Liên Phương) và thị xã Phổ Yên (Cầu treo Chã); 37 cầu dân sinh của dự án LRAMP đã hoàn thành 3 cầu, đang triển khai xây lắp 13 cầu; đang khảo sát, thiết kế, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật 21 cầu.

Sau 08 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM, bộ mặt giao thông của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 có 70% số xã và năm 2030 có 100% xã đạt chuẩn về giao thông nông thôn theo Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM. Nhu cầu đầu tư cho hạ tầng giao thông nông thôn của tỉnh theo Bộ tiêu chí NTM trên toàn tỉnh là tương đối lớn. Đến nay toàn tỉnh còn 57 xã chưa đạt chuẩn về giao thông, vẫn còn hàng nghìn km đường giao thông nông thôn cần được đầu tư nâng cấp, cải tạo và cứng hóa, hàng trăm cầu dân sinh cần được đầu tư xây mới và hầu như các xã đều chưa đạt tiêu chí giao thông nông thôn kiểu mẫu. Sở Giao Thông vận tải xác định rõ nhiệm vụ của ngành và các địa phương là rất lớn. Để hoàn thành được mục tiêu đề ra, các địa phương cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng, tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân, việc xây dựng NTM là lấy sức dân để lo cho dân, phát triển sản xuất nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân. Bên cạnh chỉ dẫn về kỹ thuật chuyên ngành, ngành sẽ tiếp tục cùng với các cấp ngành, địa phương kêu gọi vốn đầu tư để có nguồn lực hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Đẩy mạnh giao thông trong chương trình xây dựng NTM