Theo ghi nhận của PV Báo Công lý, do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi), từ 7 giờ ngày 7/9, tại Thái Bình, Nam Định mưa bắt đầu lớn hơn, gió giật mạnh hơn.
Bão số 3 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, trong khoảng chiều nay sẽ có khả năng đi vào đất liền, bão sẽ gây ra gió mạnh cấp 10, 11, 12 ở khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình và Nam Định.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, đến 9 giờ sáng 7/9, bão số 3 vẫn ở cấp 14. Khoảng cách từ tâm bão đến khu vực đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng còn khoảng 130km.
Về tác động của bão, khu vực Thái Bình, Nam Định từ sáng cho đến khoảng 20 giờ ngày hôm nay (7/9), trong đó thời điểm mạnh nhất từ 11 giờ đến 14 giờ. Cường độ gió bão mạnh nhất cấp 11, cấp 12, giật cấp 15.
Theo ghi nhận của PV Báo Công lý, do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi), từ 7 giờ ngày 7/9, tại Thái Bình, Nam Định mưa bắt đầu lớn hơn, gió giật mạnh hơn. Lực lượng chức năng tại 2 tỉnh này khuyến cáo người dân nên ở trong nhà, nơi kiên cố an toàn, không đi ra ngoài khi bão đổ bộ. Nếu buộc phải đi ra ngoài, nên mang theo các vật dụng cần thiết như đèn pin, áo phao, còi, điện thoại khi có sự cố.
Tại Thái Bình, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh, đến sáng 7/9, toàn bộ số lao động tại các chòi canh coi ngao, ao đầm nuôi trồng thủy, hải sản ở trong và ngoài đê đã được di dời vào nơi an toàn.
Với cường độ rất mạnh, cơ quan chức năng tỉnh khuyến cáo người dân không nên ra khỏi nhà trong thời gian bão đổ bộ. Hiện các lực lượng phòng, chống thiên tai của các địa phương, đơn vị đang ứng trực 100% quân số, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Các đồn biên phòng đóng trên địa bàn huyện Tiền Hải đã liên lạc được 100% phương tiện tàu, thuyền về nơi tránh trú bão an toàn. Trong đó, có 483 phương tiện với 1.121 lao động đã vào neo đậu tại các bến trong tỉnh; 18 phương tiện với 32 lao động neo đậu tại các bến ngoài tỉnh.
Người dân cũng chủ động các phương án gia cố, chằng chống nhà cửa. Tại 37 trọng điểm xung yếu đê, kè và cống của tỉnh; trong đó, có 8 trọng điểm trên các tuyến đê cửa sông và đê biển, các phương án bảo vệ đã được lập, phê duyệt và giao cho các địa phương chủ động chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng triển khai xử lý khi có lệnh yêu cầu hoặc khi có sự cố xảy ra.
Tại huyện Thái Thụy, đến sáng 7/9, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện, Thái Thụy đã hoàn thành công tác di dời 169 lao động ở các chòi coi ngao; hơn 1.000 người dân sinh sống ngoài đê; hơn 2.000 người dân trong đê sống ở ngôi nhà yếu đến nơi an toàn. Tất cả tàu, thuyền của huyện đã về nơi neo đậu, tránh trú.
Tại Nam Định, sáng nay (7/9), vùng biển tỉnh Nam Định có gió mạnh cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12 - 13, giật cấp 15 -16, biển động dữ dội.
Theo dự báo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Nam Định, toàn bộ tàu thuyền, khu neo đậu, khu nuôi trồng thủy sản, đê kè biển và các hoạt động khác tại vùng biển tỉnh Nam Định đều có nguy cơ rất cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Trên địa bàn huyện Hải Hậu đã có gió cấp 5, cấp 6, vùng ven biển gió cấp 7, cấp 8 kết hợp mưa vừa đến mưa to. Đến 7 giờ 30 phút, toàn bộ 615 tàu cá và phương tiện khai thác thủy sản của huyện đã vào nơi tránh trú an toàn.
100% lao động ngoài đê, tại các chòi, lều canh coi ao, đầm, bãi nuôi thủy sản đã di chuyển vào phía trong đê. 198 hộ dân gần đê gồm 42 hộ xã Hải Xuân, 57 hộ xã Hải Hòa và 90 hộ ở thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu) đã được chính quyền các địa phương bố trí di chuyển vào nơi tránh trú an toàn. Tiếp tục tổ chức rút nước sâu trên toàn bộ hệ thống kênh mương nội đồng; các ao, đầm...
Tỉnh Nam Định yêu cầu các huyện cần tổ chức tốt lực lượng ứng trực, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, báo cáo các cơ quan chức năng kịp thời chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện xử lý các tình huống có thể xảy ra ngay từ giờ đầu. Lực lượng tiền phương ứng trực tại các trọng điểm xung yếu, trên tuyến đê biển cần chú ý bảo đảm an toàn.
Tổ chức vận hành các phương án phòng, chống thiên tai đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhất là phương án di dời dân nếu có yêu cầu. Kiên quyết không để người dân, nhất là ngư dân ra các bến bãi. Thường xuyên cập nhật thông tin tình hình bão, báo cáo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để chỉ đạo công tác ứng phó bão số 3 kịp thời.