Chính trị

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp chỉ đạo phòng chống bão số 3

Duy Uyên 07/09/2024 10:32

Sáng 7/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã họp chỉ đạo về công tác dự báo, phòng chống bão số 3 tại Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Người dân các vùng ảnh hưởng trực tiếp không ra ngoài lúc mưa bão

Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 7 giờ ngày 7/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển vịnh Bắc Bộ; cách Quảng Ninh-Thái Bình khoảng 150km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.

W_ptt2.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà họp công tác phòng chống bão số 3 tại Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia

Dự báo đến 19h ngày 7/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20km/h và đi vào đất liền phía Đông Bắc Bộ; cường độ cấp 9, giật cấp 12; cấp độ rủi ro thiên tai Cấp 4 ở khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng, Cấp 3 ở khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa.

Đến 7 giờ ngày 8/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20km/h và đi sâu vào đất liền các các tỉnh Tây Bắc, sau đó quy yếu và tan dần; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3 ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa.

Vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.

Về tác động của bão, khu vực Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định từ nay đến khoảng 20 giờ ngày hôm nay (7/9), trong đó thời điểm mạnh nhất từ 11 giờ đến 14 giờ. Cường độ gió bão mạnh nhất cấp 11, cấp 12, giật cấp 15.

Khu vực Nam Định, Thái Bình dự báo cấp 10, giật cấp 14, Thanh Hóa cấp 8, cấp 10. Các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nam, Hưng Yên gió mạnh từ 11 giờ đến 19 giờ, thời điểm mạnh nhất từ 14 giờ đến 19 giờ. Cường độ mạnh nhất cấp 8, cấp 11. Khu vực Hà Nội có gió cấp 6, gió giật mạnh.

Về mưa lớn, khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, khu vực đồng bằng Bắc Bộ trong đó có Thủ đô Hà Nội và Thanh Hóa xuất hiện mưa lớn với lượng mưa dự báo 150-350mm, có nơi trên 500mm.

Từ chiều 7/9 đến sáng 8/9, trên khu vực phía Tây Bắc Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, riêng các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La 150-250, cục bộ có nơi trên 350mm.

Về nguy cơ nước dâng, sóng lớn, ở khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 3,0- 5,0m, vùng gần tâm bão đi qua 6,0-8,0m. Vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá sóng cao 2,0-3,0m, sau tăng lên 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão 3,0-5,0m.

Người dân ở các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình - những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 3, tuyệt đối không ra ngoài lúc mưa to gió lớn khi hoàn lưu bão ảnh hưởng trực tiếp.

Đối với các tỉnh, thành phố vùng núi, trung du Bắc Bộ, khu vực Thanh Hóa - những nơi đối mặt với nguy cơ ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là nhà ở, các công trình (nhà tạm, nhà cạnh các khai trường, hạ lưu hồ chứa...) và tổ chức di dời ngay người dân và tài sản khi thấy không đảm bảo an toàn; kiên quyết di dời người dân đến nơi đảm bảo an toàn.

Sau khi bão qua, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vẫn còn hiện hữu những ngày sau đó nên cần hết sức đề phòng.

Công tác dự báo cần ngắn gọn, chi tiết và sớm hơn

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đã trực tiếp cập nhật bão tại đảo Bạch Long Vĩ, huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), đồng thời động viên cán bộ tại các Đài khí tượng địa phương.

W_phott-1-.jpg
Phó Thủ tướng trực tiếp cập nhật thông tin về cơn bão tại đảo Bạch Long Vĩ, huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), đồng thời động viên cán bộ tại các Đài khí tượng địa phương

Phó Thủ tướng ghi nhận và đánh giá công tác dự báo bão số 3 về phạm vi, hướng đi, cường độ, tính phức tạp, diễn biến của bão chính xác, kịp thời. Tuy nhiên Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Tổng cục Khí tượng thủy văn thông tin ngắn gọn, chính xác và đánh giá tình hình hiện nay khi cơn bão này chính thức đổ bộ; dự báo thời điểm tác động trực tiếp đến các vùng ven biển và đất liền (từ 11h tới 17h, ngày 7/9); đưa ra các khuyến cáo, dự báo tình huống cụ thể ở các địa phương và vùng đất liền, từ đó đưa ra phương hướng xử lý khẩn trương, kịp thời.

Phó Thủ tướng đề nghị Tổng cục Khí tượng thủy văn theo dõi sát sao công tác dự báo tình hình, mức độ vượt lên so với dự báo để đưa thông tin chính xác nhất có thể tại các vùng ven biển, vùng đất liền.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu công tác dự báo phải theo sát diễn biến, cập nhật liên tục, nhất là từng thời điểm khi hoàn lưu bão vào, bão đổ bộ, hoàn lưu sau bão, để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành nhanh chóng, kịp thời, để người dân nắm được tình hình để chủ động phòng tránh theo hướng dẫn của lực lượng chức năng.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu các Đài Khí tượng thủy văn địa phương, cơ quan Khí tượng thủy văn khu vực, đặc biệt là các đài quan trắc cụ thể, tập trung dự báo sớm, "một vài tiếng, thậm chí ba mươi phút đều rất có ý nghĩa" trong phòng, chống bão; duy trì cường độ làm việc, cung cấp thông tin kịp thời hơn, cập nhật hơn và đầy đủ hơn, nhất là vào những thời điểm cơn bão tác động trực tiếp vào bờ.

Với lượng mưa lớn do bão số 3 gây ra, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị dự báo thủy văn, hải văn phải cung cấp thông tin dự báo hàng giờ và nhanh hơn nữa, đi cùng với dự báo bão.

Bộ TN&MT phải kiểm tra công tác vận hành của các hồ điều tiết bằng hệ thống van thuộc quản lý của Cục Quản lý tài nguyên nước, bảo đảm an toàn, phòng ngừa lũ chồng lũ.

W_ptt.jpg
W_ptt3.jpg

Nhấn mạnh, cường độ bão số 3 rất mạnh, đã bắt đầu ảnh hưởng lớn đến các thông tin liên lạc, công tác dự báo tại các đảo ven bờ, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, có các biện pháp duy trì thông tin liên lạc, điều hành thông suốt.

Ngay sau khi làm việc tại Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Phó Thủ tướng và đoàn công tác di chuyển đến Bộ Chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 3 đặt tại TP. Hải Phòng.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, các hồ chứa ở Bắc bộ đã được đưa về mức nước tích lũ. Hệ thống đê biển, đê ven sông có khả năng bị tràn, khi có sóng lớn, lũ dâng và các địa phương đã có phương án ứng phó.

"Đến nay, Bộ Quốc phòng đã bố trí gần 100.000 cán bộ, chiến sĩ, hàng trăm phương tiện đặc chủng, sẵn sàng ứng phó bão số 3 trong mọi tình huống", Trung Tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp chỉ đạo phòng chống bão số 3