Thả muỗi phòng sốt xuất huyết ở Bình Dương

Chí Tâm| 24/03/2022 18:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để phòng ngừa sự lây lan của sốt xuất huyết ở khu vực phía Nam, ngày 24/3, Viện Pasteur TP.HCM cùng Chương trình Muỗi thế giới (World Mosquito Program - WMP) đã tổ chức lễ triển khai thả muỗi vằn mang Wolbachia tại TP Thủ Dầu Một (Bình Dương.

Đây là lần đầu tiên muỗi vằn mang Wolbachia được thả tại 2 đô thị khu vực miền Nam là TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) và TP Mỹ Tho (Tiền Giang), là hai "điểm nóng" dịch sốt xuất huyết trong nhiều năm qua.

tha-muoi.png
"Hộp thả muỗi" được treo trên cây nhà người dân ở đường Nguyễn Đình Chiểu, TP Thủ Dầu Một. Ảnh: K.V

Wolbachia là dự án thả trứng muỗi hoặc muỗi vằn mang Wolbachia để kiểm soát bệnh sốt xuất huyết. Wolbachia là vi khuẩn tự nhiên hiện diện ở khoảng 60% các loài côn trùng như chuồn chuồn, ruồi giấm, bươm bướm và muỗi; không có biến đổi gene muỗi, an toàn cho người, động vật và môi trường.

Các nghiên cứu đến nay cho thấy khi muỗi vằn có mang vi khuẩn Wolbachia sẽ giúp làm giảm lây truyền các mầm bệnh như sốt xuất huyết, bệnh do virus Zika, virus Chikungunya và sốt vàng da ở người.

Sau khi được thả ra, muỗi vằn mang Wolbachia sẽ giao phối với muỗi hoang dã tại địa phương và giúp truyền Wolbachia trong đàn muỗi. Bằng cách này, dần dần nhóm muỗi vằn mang Wolbachia trong tự nhiên sẽ được nhân lên ngày càng nhiều; từ đó, sẽ giúp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh sốt xuất huyết và các bệnh nguy hiểm do muỗi vằn.

Bình Dương thực hiện thả muỗi trong khoảng 20 tuần, mỗi tuần thả 1,5 triệu trứng, kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8/2022 tại 2.707 điểm thuộc 5 phường của TP Thủ Dầu Một là: Phú Cường, Phú Hòa, Phú Lợi, Hiệp Thành và Chánh Nghĩa.

TS Claudia Surjadjaja - Giám đốc Chương trình Muỗi Thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho biết, sốt xuất huyết là bệnh nhiệt đới có tốc độ lây lan nhanh nhất với 40% dân số thế giới có khả năng bị ảnh hưởng. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng Wolbachia là một phương pháp hiệu quả trong việc giảm số ca mắc sốt xuất huyết.

"Một thử nghiệm ngẫu nhiên theo tiêu chuẩn vàng được thực hiện ở Yogyakarta, Indonesia gần đây cho thấy tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết ở các khu vực được thả muỗi vằn mang Wolbachia giảm 77% so với các khu vực không thả muỗi", bà Claudia nói.

Theo ông Huỳnh Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, địa phương là vùng lưu hành bệnh sốt xuất huyết và bùng phát dịch theo chu kỳ với số ca mắc tăng hằng năm (từ 4.370 ca mắc/5 ca tử vong năm 2020 tăng lên 5.636 ca mắc/2 ca tử vong năm 2021). Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vắc xin phòng bệnh. Trong khi đó, các biện pháp truyền thống chưa giải quyết triệt để vấn đề phòng, chống bệnh này một cách lâu dài. Vì vậy, việc ứng dụng một phương pháp mới để phòng, chống bệnh là điều hết sức cần thiết, nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân, xã hội và nền kinh tế nói chung.

Tính đến ngày 31/12/2021, Chương trình muỗi thế giới đã triển khai thả muỗi Wolbachia tại 11 quốc gia của 3 châu lục với tổng dân số hơn 8,5 triệu người và tổng diện tích bao phủ là 1.416km2.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thả muỗi phòng sốt xuất huyết ở Bình Dương