Tết là khoảng thời gian đặc biệt mang ý nghĩa của sự đoàn viên, thế nhưng với không ít gia đình thì Tết lại trở thành những ngày đầy bi kịch.
Từ ngày 29 tháng Chạp (14/2) tới sáng ngày mùng 5 Tết (20/2), cả nước xảy ra 231 vụ tai nạn giao thông, làm chết 179 người, 186 người bị thương.
Các cơ sở y tế trên cả nước tiếp nhận 2.800 ca cấp cứu do đánh nhau. Khoảng 1.500 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú, trong đó 8 người tử vong. Đã có đến 600 ca ngộ độc rượu, thực phẩm. 190 người bị tai nạn do pháo nổ.
Những con số thống kê ở dạng ước chừng và chưa đầy đủ này cho thấy những ngày Tết cổ truyền dân tộc vừa trôi qua chưa thật sự an toàn.
Bệnh nhân ùn ùn nhập viện do rượu, tai nạn giao thông và đánh nhau (Ảnh: Zing.vn)
Cứ như đến hẹn lại lên, sau những ngày nghỉ lễ dài là xuất hiện những dãy số đầy ám ảnh. Trong hàng trăm nỗi đau, hàng ngàn sự bất an như thống kê ở trên thì có những sự việc không phải tự nhiên mà đến, không phải hoàn toàn do lỗi khách quan.
Hàng trăm mạng người chết trong dịp Tết vì tai nạn giao thông đồng nghĩa với việc hàng trăm gia đình, hàng ngàn người mất Tết. Đó là một nỗi đau đớn thực sự.
Tết là thời gian sum vầy bên gia đình, là khoảnh khắc hưởng không khí hạnh phúc, vui vẻ bên người thân. Thế nhưng đối với nhiều gia đình thì Tết là sự bất hạnh, là sự mất mát, chia ly. Và trong số đó, có những gia đình đã mất đi không chỉ là một thành viên, nỗi đau tăng lên gấp bội phần.
Tết nặng nỗi lo về rượu. Rượu từ lâu đã không còn là thứ văn hóa của người Việt. Chúng ta luôn có thừa lý do để uống say và không có cái cớ nào hợp lý hơn ngày Tết. Say rượu điều khiển xe là khởi đầu của những tang tóc.
Nhiều bác sĩ trực cấp cứu tại bệnh viện thực sự kinh hãi, không phải vì máu, không phải vì những nỗi ám ảnh kinh hoàng của các vụ tai nạn giao thông mà là sự nồng nặc của mùi rượu. Những bệnh nhân nằm thoi thóp trên băng ca, tính mạng treo sợi tóc vẫn mê man trong men rượu ngày xuân.
Rồi không chỉ dừng lại ở những vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Gần 3.000 trận ẩu đả và chắc chắn không dưới nửa con số ấy là những vụ choảng nhau của những ma men.
Vì rượu mà huynh đệ tương tàn, phụ tử xung khắc. Những thảm án "nồi da nấu thịt" ngay trong ngày Tết cho thấy một góc nhìn khác về đạo đức con người, tình cảm gia đình. Ít nhiều trong sự phai nhạt ấy có nguyên nhân từ rượu.
Tết là thời gian để mọi người cùng hướng đến những giá trị tốt đẹp, trao cho nhau những lời hay, ý đẹp, biết nhường nhịn, yêu thương lẫn nhau, bỏ qua những mâu thuẫn, bất đồng. Tiền nhân nói "giận đến chết đến Tết cũng thôi". Vậy mà...
Mỗi người hãy bỏ ra vài phút ngẫm ngợi về cái Tết đã qua và chiêm nghiệm xem, nó thực sự có phải là Tết?