Mẹ bảo em chưa về nhà mình làm sao có Tết. Gia đình chỉ sang nhà ngoại chơi rồi về. Đây là cái Tết thứ 2 em ở trại giam…”.
Tôi về hai trại giam Phước Hòa (Tiền Giang) và Long Hòa (Long An). Ban đầu, tôi định bụng sẽ gặp những phạm nhân trong những đại án lớn đang được dư luận quan tâm nhưng rồi chợt nghĩ, những con người lầm lỡ bước vào đây ai chẳng có một câu chuyện để kể.
Nếu độc giả muốn biết thông tin của những phạm nhân đang chờ án tử, của những kẻ giết người man rợ thảm sát cả gia đình, tôi e tôi không làm được.
Tôi chỉ kể về những con người tôi tình cờ được gặp. Đó là người đàn ông đã ngoài 60 tuổi với 15 năm đằng đẵng trong tù, lần nào gọi điện về cho cha, ông cũng phải nói dối “cha ơi con sắp được về rồi”, cha ông đã 90 tuổi.
Đó là thằng bé ôm mãi chiếc áo ấm của mẹ suốt hai năm vào trại, em bảo ngày đó từ phòng xét xử đi về bao người soi mói, mẹ cởi áo khoác mẹ che còng. Đó là ánh mắt thăm thẳm, nụ cười buồn của những phạm nhân khi tôi hỏi: “Tết này, ở trại có gì vui không em”, họ bảo: “Tết đồ ăn nhiều hơn, có trò chơi nhưng Tết ở ngoài kia mới vui!”
Em là H.T.Q quê ở Tiền Giang, năm nay em 17 tuổi. Em vào trại Long Hòa (Long An) vì tội giết người, năm nay cũng là cái Tết thứ hai đứa con nhỏ xa nhà.
Thượng úy Nguyễn Xuân Trung, Cán bộ giáo dục đang trò chuyện, động viên phạm nhân trẻ. Ảnh: Nguyễn Trà
Mẹ lấy áo khoác mẹ che còng
Q. là một trong hơn 500 phạm nhân ở độ tuổi vị thành niên đang thi hành án tại trại giam Long Hòa (thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an). Do mâu thuẫn với bạn học, trong lúc nóng nảy nhất thời, Q. đã cướp đi tính mạng của bạn. Cho đến hôm nay, cậu bé vẫn không biết tại sao lại làm vậy.
“Chỉ là mâu thuẫn nhỏ ngày em còn đi học. Hôm đó em đi đón anh họ về thì bốn bạn trong nhóm đó chặn đường vây đánh em. Sẵn mang dao trong người em mới làm vậy! Em biết bạn không đáng chết!”, Q nói, những ngón tay xoắn chặt.
Gây án xong em ngơ ngác rồi hốt hoảng chạy thục mạng suốt 2 tiếng đồng hồ. Em chạy về gần nhà nhưng chỉ dám trốn thu lu một góc, không dám trở về nhìn ba mẹ. Em không biết phải đi đâu về đâu, hình ảnh bạn gục xuống trong vũng máu vẫn khiến em ám ảnh. Rồi em quyết định ra đầu thú.
“Lúc biết em gây án, mẹ khóc rồi ngất xỉu. Tối mẹ xuống trụ sở công an gặp cán bộ xin vào thăm em. Ngày em ra tòa rồi lên xe công an đưa đi, người ta đứng xem đông lắm. Mẹ khóc, mẹ cởi áo khoác, mẹ che còng lại”.
Hơn một năm đã trôi qua, nhưng cái áo khoác mẹ dùng che còng cho em ngày ấy, em vẫn giữ bên người. Em vào trại vào một ngày cuối năm, ngày 4/12/2015, năm đó nhà em mất Tết. Cái áo khoác của mẹ như lời nhắc nhở em phải cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về. “Mức án của em là 9 năm tù. Mẹ bảo 9 năm hay 19 năm, ba mẹ vẫn đợi em về”.
“Con đã về đâu mà có Tết”
Hơn 4h chiều phòng thăm gặp ở trại giam Long Hòa vắng tanh. Tiếng xe máy từ xa vọng lại, thấp thoáng có cặp vợ chồng nhỏ thó gầy đen xuất hiện. Khi còn cách cổng thăm gặp tầm 100m, chiếc xe dừng lại, người phụ nữ bước xuống mương nước bên cạnh rửa tay rồi lau vội vào gấu áo mới bước lên xe vào tiếp. Như đã quá quen thuộc, chị bước nhanh vào phòng thăm gặp, chào cán bộ. Khi biết con đã chuyển sang phân trại số hai, chị vội vã chào để đi cho kịp. Nom cái dáng tất bật, lam lũ mà thương. Hỏi, đã gần Tết rồi sao không chuẩn bị còn lên đây, chị lắc đầu cười buồn: “Con đã về đâu mà có Tết”.
Chiều dần tàn. Con cub lùn giở chứng. Người chồng gò cổ hì hục đạp đạp mấy cái mãi chiếc xe mới chịu nổ máy chạy, tiếng pạch pạch vang vọng cả con đường nhỏ. Hai vợ chồng lắc lư trên chiếc xe cub cà tàng sang phân trại số 2. Trên cây cột điện, mấy con chim chiền chiện vắt vẻo, chẳng con nào buồn hót. Người vợ ngồi sau ôm cái làn như muốn tuột trên con đường xóc nảy.
Chỉ còn mấy ngày nữa thôi là đến Tết. Tết năm nay con anh chị vẫn chưa về!