Không chỉ có Tết Nguyên đán, người Việt còn có nhiều dịp Tết khác nhau, mỗi cái Tết lại có ý nghĩa riêng, nhưng tất cả đều mang đậm nét của văn hóa phương Đông.
Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa đa dạng, lâu đời với nhiều phong tục, tập quán và lễ, Tết truyền thống. Không chỉ có Tết Nguyên đán, người Việt còn có nhiều dịp Tết khác nhau, mỗi cái Tết lại có ý nghĩa riêng, nhưng tất cả đều mang đậm nét của văn hóa phương Đông.
1. Tết Nguyên đán
Từ xưa đến nay, Tết Nguyên đán thỏa mãn được nhiều nhu cầu nhất của người Việt, về vật chất, về tâm linh, về nếp sống với mọi lứa tuổi, so với mọi dịp lễ trong năm. Trước hết, đây là lễ mở đầu một năm mới. Nguyên có nghĩa là đầu tiên; đán nghĩa là sớm. Tết Nguyên đán được hiểu là buổi sớm ngày đầu năm. Tết Nguyên đán người ta cũng gọi là “Tết cả” - Tết lớn nhất, kết thúc một vòng thời gian 4 mùa chu chuyển, chào đón một chu kỳ mới. Đây là thời điểm kết thúc mùa màng, mọi người rảnh rỗi nghỉ ngơi vui chơi, thăm viếng lẫn nhau... và cũng là lúc giao thời của đông tàn, xuân tới.
Người Việt cho rằng, Tết Nguyên đán là cơ hội để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” một cách sâu sắc, cụ thể nhất. Giá trị này đã trở thành nếp sống truyền thống tốt đẹp, bền vững. Người ta tin rằng, vào dịp Tết Nguyên đán, tổ tiên cũng sẽ hiện diện trên bàn thờ gia tiên, ở nhà thờ họ để chứng kiến lòng thành của con cháu, và từ đó sẽ phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, làm ăn ổn định và sống hạnh phúc trong tình yêu thương giữa ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng.
2. Tết Khai hạ (Lễ hạ câu nêu)
Buổi chiều ngày mùng 7 Tết Nguyên đán, người Việt thường làm lễ hạ cây nêu, còn gọi là lễ Khai hạ để kết thúc dịp Tết Nguyên đán đồng thời cũng mở ra một mùa xuân nhộn nhịp với vô vàn các lễ hội trên mọi miền đất nước. Thường sau ngày lễ này, mọi công việc thường xuyên mới được bắt đầu trở lại.
Tết khai hạ bản chất là ngày lễ hạ cây nêu. Tại miền Bắc Việt Nam, cây nêu thường được người Kinh dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, là ngày Táo quân về trời, với quan niệm rằng từ ngày này cho tới đêm giao thừa, vắng mặt Táo công, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu. Đến nay, cây nêu không còn quá phổ biến nhưng người Việt vẫn tiến hành làm lễ này như một phần của văn hóa tâm linh.
Cùng với lễ Khai hạ, là tục "Hoá vàng" đốt các đồ "vàng mã" mà người ta bày cúng trên bàn thờ gia tiên trong dịp Tết. Người ta tin rằng nếu đốt các đồ vàng mã này đi thì người chết ở thế giới bên kia mới nhận được những lễ vật của mình dâng cúng.
Ngày hoá vàng không nhất định mà tùy theo từng cảnh. Thường thì người ta hoá vàng vào ngày mồng 3 Tết, có nhà để đến mồng 7 hay mồng 10. Sau ngày lễ này thì xem như hết Tết, mọi sinh hoạt trong nhà dần dần trở lại bình thường.
3. Tết Thượng nguyên (Tết Nguyên Tiêu - Rằm tháng Giêng)
Theo người xưa, thì cái tên Nguyên Tiêu được giải thích là đêm trăng tròn đầu tiên của một năm, “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Các cụ ngày xưa có câu: “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng”, đây là thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm.
Trọng tâm của ngày Tết Nguyên Tiêu 15 tháng Giêng theo lịch âm là lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng và phát triển cho bá tánh và đất nước. Vào ngày này, mọi người thường lên chùa, lễ Phật, điều này trở thành văn hóa truyền thống dân tộc thể hiện ý thức tìm về cội nguồn của người dân Việt Nam nói chung, các Phật tử nói riêng.
4. Tết Hàn thực (mùng 3/3 Âm lịch)
Theo nghĩa chữ Hán "Hàn" là lạnh, "thực" là ăn, "Tết Hàn thực" là tết ăn đồ lạnh. Phong tục cổ truyền này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn thực của người Việt vẫn mang những sắc thái riêng, mang đậm chất Việt. Vào ngày mùng 3/3 Âm lịch hằng năm, người dân đều ăn đồ nấu chín để nguội với tấm lòng thành kính nhất nhằm tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất.
Khác với Tết Hàn thực ở Trung Quốc, vào ngày này người Việt không kiêng lửa, vẫn nấu nướng bình thường. Điều đặc biệt, người Việt còn sáng tạo nên bánh trôi, bánh chay với ý nghĩa tượng trưng đó là những thức ăn nguội - hàn thực.
5. Tết Thanh Minh
"Thanh Minh" có nghĩa là trời trong sáng. Vào tiết Thanh minh người dân thường đi tảo mộ (cắt cỏ, đắp thêm đất lên mộ) rồi về nhà làm cỗ cúng gia tiên để tưởng nhớ tổ tiên, người thân đã khuất. Theo cách tính từ xưa, tiết thanh minh là khoảng thời gian bắt đầu từ khoảng ngày 4 hay 5 tháng 4 khi kết thúc tiết xuân phân và kết thúc vào khoảng ngày 20 hay 21 tháng 4 dương lịch.
6. Tết Đoan ngọ
Tết Đoan Ngọ là một trong những ngày lễ Tết truyền thống ở Việt Nam. Tết Đoan Ngọ được tổ chức vào ngày mùng 5/5 âm lịch. Ở Việt Nam, Tết Đoan ngọ còn được dân gian gọi là bằng cái tên dân dã hơn là “Tết giết sâu bọ”. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống có nội hàm văn hóa phong phú. Không chỉ riêng ở Việt Nam hay Trung Quốc mà ở Triều Tiên, Hàn Quốc cũng có Tết Đoan ngọ. Vì vậy, Tết Đoan ngọ thực chất là một phong tục lễ tết Á Đông gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.
7. Tết Trung nguyên (Rằm tháng bảy, Vu Lan báo hiếu, ngày xá tội vong nhân)
Tháng 7 âm lịch, người Việt có một ngày lễ mà giới tăng ni Phật tử thường gọi là ngày lễ Vu Lan. Đây là một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất, một tập tục đáng quý, đáng trọng của người Việt, thể hiện đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Rằm tháng 7 Âm lịch cũng là ngày xá tội vong nhân mà dân gian gọi nôm na là ngày cúng những linh hồn vật vờ lang thang không nơi nương tựa, không còn người thân ở trần gian để thờ phụng hoặc thất lạc, hoặc vì một oan khiên nào đó...
Tết Trung nguyên vào Rằm tháng Bảy. Người xưa tin theo sách Phật, coi hôm ấy là ngày báo hiếu cha mẹ... nên tại các chùa thường làm chay chẩn tế và cầu kinh Vu lan. Trong những năm gần đây, ngày lễ Vu lan còn có tục "Bông Hồng cài áo" thể hiện lòng hiếu thảo của con đối với cha mẹ.
8. Tết Trung thu
Tết Trung thu vào Rằm tháng Tám còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết hoa đăng. Trẻ em rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, tò he,... và được ăn bánh nướng, bánh dẻo. Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Ở một số nơi người ta còn tổ chức múa lân, múa sư tử, múa rồng để các em vui chơi thoả thích.
9. Tết Trùng cửu (Tết Trùng Dương, Tết người cao tuổi, Tết người già)
Tết Trùng cửu diễn ra vào ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch hàng năm. Con số 9 được coi là số dương, sự lặp lại hai lần số 9 nên gọi Trùng Cửu, Trùng Dương là vì vậy.
Tết Trùng Cửu là cơ hội đi chơi, thưởng ngoạn sau cùng của mọi người khi thời tiết sang đông. Nhân dịp tết Trùng Cửu, nhiều người thường đến vùng ngoại thành để leo núi, thưởng ngoạn phong cảnh, hít thở bầu không khí trong lành.
10. Tết Trùng thập (Tết Trùng Thập hay Tết Song thập, diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 10 hoặc 15 tháng 10 Âm lịch) còn gọi là tết của các thầy thuốc.
Theo sách Dược lễ thì ngày 10 tháng 10 Âm lịch, là ngày lành, tháng tốt cây thuốc mới tụ được khí âm dương, kết được sắc tứ thời (Xuân, Hạ, Thu, Đông) trở nên tốt nhất. Vì vậy, các thầy thuốc rất coi trọng tết này. Ở nông thôn Việt Nam, đến ngày đó người ta thường làm bánh dày, nấu chè kho để cúng gia tiên rồi đem biếu những người thân thuộc chứ không quan tâm mấy đến chuyện cây thuốc, thầy thuốc.
11. Tết Hạ nguyên (Tết Cơm mới vào Rằm hay mùng Một tháng Mười)
Ở nông thôn, Tết này được tổ chức rất lớn vì đây là dịp nấu cơm gạo mới - trước để cúng tổ tiên, sau để tự thưởng công cày cấy.
12. Tết Táo quân (vào ngày 23 tháng Chạp)
Người Việt quan niệm ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Bàn thờ thường đặt gần bếp, trên có bài vị thờ viết bằng chữ Hán. Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Công lên chầu trời nên có nơi gọi ngày này là "Tết ông Công", lễ cúng có cá chép vì người Việt cho rằng, ông Táo cưỡi cá chép lên trời.
Ngoài ra người Việt Nam còn quan niệm Táo Quân sẽ lên trời và thưa với Ngọc Hoàng Thượng đế những sự kiện xảy ra trong năm vừa qua ở dưới trần gian. Vì thế, người Việt Nam làm lễ tiễn ông Công ông Táo rất thịnh soạn với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng, và những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi, việc làm này có thể là do Văn hóa và thói quen từ xa xưa truyền lại.