Năm nào cũng vậy, sau những cuộc trở về rầm rộ, phấn chấn của người quê, sẽ có những người “mắc kẹt” lại thành phố. Tết ở Sài Gòn, trên những đường phố thênh thang luôn lẩn khuất đâu đó một thân phận người ở lại, ngậm ngùi nhớ Tết quê.
Với sinh viên và công nhân, ngoài những cuộc mưu sinh cơm gạo áo tiền, họ cũng dành riêng quỹ thời gian để tụ họp, đầm ấm bên nhau, như để vỗ về, bù đắp cho nhau nỗi nhớ mênh mông.
Khó có thể có con số thống kê cụ thể về sinh viên ăn tết ở Sài Gòn, nhưng thực tế không hề ít. Bạn trẻ ở lại ăn tết, nhiều khi vì điều kiện tài chính, cũng có nhiều sinh viên xem Tết là mùa “làm ra ăn đặng”, ở lại Sài Gòn để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Sinh viên làm thêm, công nhân “cày”
Khánh Chi, sinh viên năm cuối ĐH Văn Hóa năm nay quyết định không về quê. Chi quê ở Thanh Hóa, ở trọ với hai em tại quận Tân Bình. Năm nay Chi quyết định nhường “suất” về quê cho hai em mình. Nếu ba chị em cùng về thì tiền vé xe ra vô cũng mất mấy triệu đồng. Cô quyết định ở lại để giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ. “Các em mới vô Sài Gòn chưa quen xa gia đình, ở lại sợ buồn chịu không nổi. Mình ở đây lâu cũng quen dần rồi. Tết sẽ qua nhanh mà”-Chi nói.
Tương tự Chi là bạn cô, Trần Thị Bích, người Quảng Trị, đang học năm thứ hai trường Cao đẳng Công thương. Bích là chị cả của ba đứa em. Năm nay, Bích quyết định ở lại Sài Gòn đón Tết để tranh thủ làm thêm kiếm tiền trang trải học phí. Em trai của Bích đang học năm nhất trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Thương em còn nhỏ, nhớ nhà nên Trâm đi mua vé xe cho em về quê với cha mẹ. “Vé xe đắt quá. Tết này em ở lại đi làm thêm rồi từ từ qua Tết sẽ về. Đợi vé xe hạ xuống, về ăn Tết muộn một chút sẽ ngon hơn”- Trâm vui vẻ.
Ngoài lý do kinh tế, ăn Tết Sài Gòn là quyết định của rất nhiều sinh viên “cao thủ” kiếm việc cải thiện cuộc sống. Rất nhiều bạn trẻ chọn ở lại Sài Gòn để săn việc kiếm tiền. “Từ hồi đi học đại học đến giờ em không về quê ăn Tết. Năm nào cũng về quê nhưng là dịp lễ hoặc kỵ giỗ. Tết cũng nhớ nhà nhưng làm việc nhiều thành quen”- Thành, một sinh viên Cao đẳng GTVT nói.
Năm nào Thành cũng tìm đến Trung tâm giới thiệu việc làm sinh viên để “săn việc”. Mọi năm, Thành thường nhận việc đi phát tờ rơi cho các siêu thị, công việc khá vất vả, nhưng tùy theo mức khoán, Thành có thể kiếm đến gần 300 nghìn đồng/ngày, một thu nhập mơ ước cho bất cứ sinh viên nào.
Luân, quê Phú Yên, sinh viên Đại học Nông Lâm, cũng không về quê Tết. Luân sinh ra trong một gia đình có 6 anh em, bố mẹ làm nông, nên cuộc sống gia đình khá khó khăn. Bố em cũng vừa qua đời, một mình mẹ nuôi 5 anh em ăn học. Thương mẹ, ngoài thời gian học, Luân bắt đầu kiếm việc làm thêm để trang trải học hành. Những công việc Luân thường làm là gia sư, phục vụ nhà hàng, cưới hỏi, làm bánh kẹo thủ công… Ở lại thành phố, vừa là một cách tiết kiệm, vừa là cơ hội để kiếm tiền giúp mẹ. “Nếu cả đi và về để ăn Tết với mẹ thì ít nhất cũng phải tốn gần 2 triệu đồng tiền tàu xe. Rồi còn tiền vui chơi với bạn bè, lì xì mấy đứa em nữa”- Luân kể, tết nào cũng xin làm ở Khu du lịch Suối Tiên bảo vệ, phục vụ nhà hàng, soát vé… Tổng cộng cả mùa Tết, Luân kiếm được gần 3 triệu đồng để lo cho việc học.
Tết thường là mùa “hốt bạc” của sinh viên, ai cũng dễ dàng tìm kiếm cơ hội có việc làm. Từ bảo vệ đến hướng dẫn viên du lịch, từ hoạt náo viên đến bưng bê nhà hàng sang trọng.. ., ở đâu cũng có bóng dáng của những sinh viên lặng lẽ cần mẫn. Với họ, Tết là một cuộc mưu sinh vất vả xen lẫn buồn vui.
Tương tự sinh viên, Tết Sài Gòn thường là mùa “cày ải” của công nhân. Những đơn hàng cuối năm tới tấp, các nhà xưởng tăng ca nhiều hơn, nhiều công nhân chọn ở lại để vừa tiết kiệm chi phí, vừa cải thiện thu nhập. Chị Nguyễn Thị Tâm quê Hà Tĩnh, đang là công nhân tại khu công nghệ cao (quận 9), hai năm rồi, không về quê ăn Tết, chồng chị cũng làm công nhân, đứa con gái 4 tuổi gửi ngoài quê cho ngoại.
“Tết nào cũng nhớ con xé lòng. Ngày tăng ca, đêm về điện thoại hôn con lấy động lực hôm sau cày tiếp”- chị ngậm ngùi. Thương con, nhớ con nhưng phải kìm nén để lao mình vào công việc. Chị bảo, lớn lên sẽ bù đắp cho cháu. Anh chị ráng “cày” kiếm miếng đất nhỏ ở Đồng Nai.
“Ở lại riết quen rồi, cũng buồn nhưng biết sao, dặn nhau cố gắng thôi hà”- chị Huệ, công nhân một công ty Nhật ở khu công nghệ cao nói. Đi làm mà Tết vừa buồn, vừa cực. Có khi tăng ca đến giữa đêm mới về nhà, nhưng khoản nhận lại, cũng xứng đáng. Tiền tăng ca tết được tính gấp đôi, gấp ba bình thường. Mỗi mùa tết, vợ chồng anh chị kiếm được hơn chục triệu đồng. Có tiền trang trải cho cuộc sống.
Tết xóm trọ, ký túc xá
Từ giữa tháng 12 âm lịch, công nhân Sài Gòn đã nôn nao. Trước ngày tết ông Công ông Táo, đã có người về quê rồi. Tuy nhiên, những khu trọ công nhân sẽ thật sự vắng vẻ từ ngày 25 Âm lịch trở đi. Dạo quanh những làng công nhân ở Bình Chánh, Thủ Đức, Dĩ An… những xóm trọ mất hẳn cảnh tất bật chen chúc, thậm chí vắng tiếng nói cười. Những cánh cửa sắt đóng im ỉm, vài ánh đèn le lói hắt ra từ những ô cửa nhỏ dọc những dãy xóm trọ chạy dài.
“Cũng có nhiều người ở lại, nhưng bận cày tối mịt mới về”- chị Huệ nói. Công nhân bận ở lại, có khi phải tăng ca đến ngày 27 Âm lịch, lúc đó mới thật sự được nghỉ. Ăn cái tết ngắn ngủi xong mùng 5 tháng giêng đã vô nhà máy làm lại. Thậm chí, nhiều nhà xưởng, mùng 3 tết đã chạy dây chuyền. Tết với người công nhân ở lại Sài Gòn, rất chóng qua.
Anh Trần Văn Khoa, nhiều năm dành dụm, mua được nhà ở Long Thành, Đồng Nai. Hằng ngày anh phải dậy 4 giờ sáng, chở vợ đi làm ở khu công nghệ cao, rồi anh quành về nhà máy gỗ Alexander ở KCN Linh Trung. Ngày 27 tết, anh chị mới được đi chợ. Thường sẽ mua một cành mai nhỏ về cắm giữa nhà cho có không khí Tết. Một thùng bia, một thùng nước ngọt để anh chị em đồng nghiệp đến chơi. Không quên vài cân thịt và vài chục hột vịt mang về làm món thịt kho Tàu.
“Anh chị em thích món này lắm. Thường ngày không có thời gian làm. Tết công nhân vậy thôi”- anh tâm sự. Thường, công nhân sẽ ăn Tết “chạy tua”. Hôm nay nhà người này, ngày mai phòng trọ người kia. Nhóm thường được phân ra theo đồng hương hoặc làm chung công ty. Có việc xúm vô làm, làm xong cùng dọn. Anh bảo, để giúp nhau có không khí ấm cúng, đỡ nhớ nhà.
Một vài ngày Tết ít ỏi, người công nhân như anh Khoa sẽ đưa vợ con đến các công ty, dự buổi lễ do công ty tổ chức. Với người công nhân, đó là những ngày hội thực thụ. Nhiều doanh nghiệp mướn ca sĩ nổi tiếng về phục vụ công nhân. Họ nghe say mê những bài về Tết, về quê hương. Tranh thủ được, anh Khoa sẽ đưa gia đình vào trung tâm thành phố. “Có xa xôi gì đâu, nhưng Tết mới được vô coi thành phố. Ngày thường bận tối mặt, có đi đâu được”- anh kể.
Địa điểm mà công nhân như anh yêu thích nhất là đường hoa Nguyễn Huệ. Năm nào anh chị cũng đến, chụp hình gửi về quê khoe với mọi người. Nếu hứng khởi, họ sẽ nán lại xem lễ bắn pháo hoa, len giữa dòng người để tận hưởng không khí Tết. “Chỉ vài ngày ngắn ngủi vậy cũng đủ rồi em. Tết công nhân không dài nên phải tranh thủ. Cũng là một cách lấy sức qua năm mần mạn, bớt vất vả”-anh trải lòng.
So với Tết ở xóm trọ của công nhân, Tết của sinh viên trong ký túc xá còn đơn giản hơn nhiều. Bữa “tiệc” tất niên hoặc giao thừa, có khi chỉ là vài tờ báo trải xuống nền gạch. Vài lon bia, món nhắm. “Sinh viên lười dọn lắm. Đơn giản càng tốt” - Đông, một sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM nói.
Để cái Tết thêm ấm áp, nhiều sinh viên chọn cách quy tụ những bạn đồng cảnh ngộ để ở cùng nhau và tổ chức những bữa tiệc giản dị, ấm áp. Năm nào, Đông cũng tụ hội với các các bạn là sinh viên ở nhiều tỉnh thành cùng nhau chuẩn bị thức ăn, nước uống để đón giao thừa. Thời gian chuẩn bị cho tiệc tất niên cũng là thời gian các bạn trẻ cảm thấy lòng ấm lại vì cảm nhận được không khí rộn ràng của mùa xuân.
“Mỗi người một nơi cùng nhau họp mặt ở ký túc xá. Cả nhóm cùng chuẩn bị thức ăn rồi ngồi lại với nhau kể chuyện. Những câu chuyện dịp tết khiến mọi người nhớ lại không khí ăn tết ở quê nhà. Tiếng cười, tiếng nói của các bạn cũng khiến nỗi nhớ quê vơi đi”- Nga, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM tâm sự.
Cả 4 năm học đại học Nga chưa một lần có dịp về quê đón tết cùng gia đình ở Thanh Hóa. Vậy nên vào giao thừa mỗi năm, Nga đều chọn cách tự tạo cho mình những niềm vui nhỏ với các người bạn cùng ở lại. Tương tự, sinh viên Nguyễn Ngọc Phương cũng tiếp tục ăn tết xa quê lần thứ 2. “Lần đầu tiên ở lại còn thấy bỡ ngỡ và buồn lắm nhưng năm nay thì tự tìm cho mình niềm vui”- Phương kể. Với Phương, việc đến thăm bạn bè, thầy cô dịp tết cũng là cách chia sẻ và đón nhận những niềm vui.
Phương kể, với sinh viên có người yêu thì Tết sẽ nhẹ nhàng và thú vị hơn nhiều. Họ thường chọn đi chơi khắp thành phố, ở những sự kiện miễn phí. Vừa tiết kiệm vừa có những trải nghiệm vui. “Cực nhất là sinh viên “mồ côi”, không có người yêu. Ngoài việc chọn làm thêm thì cũng có đi chơi loanh quanh đâu đó. Xong về… ngủ nướng" - Phương cười khì. Tết, với sinh viên cũng là dịp thư giãn, tạm xa những áp lực bài vở hoặc suy tính tương lai.
Một mùa xuân mới đến, trên những con phố Sài Gòn hoa lệ ngợp sắc màu, có những cái Tết của người xa xứ với đủ dư vị, buồn vui trăn trở…