Đến hẹn lại lên, cứ dịp Quốc khánh 2/9 hàng năm, đồng bào dân tộc, đặc biệt là dân tộc Mông ở Lai Châu lại tưng bừng mở hội để mừng ngày Tết Độc lập.
Nhớ ngày độc lập
Theo phong tục xưa, đồng bào Mông chỉ ăn tết một lần vào cuối năm. Nhưng kể từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2/9/1945), người Mông đã trân trọng và coi đây như ngày Tết thứ hai của dân tộc mình. Và cứ đến dịp 2/9 hàng năm, đồng bào dân tộc Lai Châu lại tụ hội về các khu trung tâm để vui tết Độc lập.
Đến giờ, người già trong các bản làng ở Lai Châu vẫn truyền cho con cháu rằng: Ngày 2/9/1945, tuy nước nhà đã độc lập, giải phóng, nhưng ở những vùng núi cao, xa trung tâm, người Mông cũng như các đồng bào khác vẫn bị kìm kẹp, cai trị dưới ách thực dân và bè lũ tay sai. Có người đã ví Cách mạng mùa Thu năm 1945 đến với tỉnh Lai Châu (khi đó bao gồm hai tỉnh Lai Châu, Điện Biên và huyện Quỳnh Nhai của tỉnh Sơn La ngày nay) cũng giống như “Thu muộn”. Việc này lý do có nhiều, song cơ bản vì Lai Châu là tỉnh miền núi, giao thông cách biệt với miền xuôi, đi lại rất khó khăn, lại bị chế độ thực dân phong kiến quản chế chặt chẽ, kìm hãm nặng nề, nên ảnh hưởng của cách mạng và của Đảng đến với đồng bào các dân tộc nơi đây chưa nhiều.
Khi cuộc Cách mạng tháng Tám diễn ra và đã thành công trên hầu khắp cả nước, nhưng chỉ đến khi tỉnh Sơn La giành được chính quyền (ngày 26/8/1945), thì tin về sự kiện này mới được truyền đến tỉnh Lai Châu. Đồng bào các dân tộc như được đón nhận một luồng sinh khí mới của cách mạng và sự lãnh đạo của Chính phủ do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Và phải đến tận ngày 17-18/10/1945, việc khởi nghĩa giành chính quyền ở châu Quỳnh Nhai mới diễn ra.
Bà Lía khâu váy mới để đi hội
Đúng 8 giờ ngày 18/10/1945, một cuộc mít tinh được tổ chức tại sân vận động, trước cửa nhà Tri châu Quỳnh Nhai Đèo Văn Túm. Dưới cờ đỏ sao vàng, ông Điêu Chính Chân (quê ở xã Mường Chiên) thay mặt lực lượng khởi nghĩa đọc lại Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, công bố danh sách Ủy ban lâm thời của châu do ông làm Chủ tịch, tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, yêu cầu nhân dân phải tuyệt đối tuân theo sự lãnh đạo của Ủy ban lâm thời châu cho đến khi có bầu cử chính thức. Sau buổi mít tinh, Ủy ban lâm thời châu họp thông qua kế hoạch củng cố lực lượng phòng thủ, bảo vệ chính quyền và phân công tiến hành một số công việc khác cho các thành viên Ủy ban.
Mặc dù việc giành được chính quyền thành công ở châu Quỳnh Nhai muộn hơn so với các địa phương khác trong cả nước, song lại có ý nghĩa rất lớn. Điều đó đã khẳng định ở Lai Châu khi đó có Cách mạng tháng Tám và việc giành chính quyền về tay nhân dân đã thành công. “Lúc bấy giờ, xóm bản nào cũng nô nức tham gia cách mạng. Người thì vào đội quân du kích, người thì làm giao liên liên lạc. Những ngày tháng đó là những ngày vui nhất trong cuộc đời tôi”, cụ Giàng A Sài (87 tuổi, quê gốc Quỳnh Nhai, giờ ở Sùng Phài, Tam Đường, Lai Châu) nhớ lại.
Vàng A Chu: “Phải học khèn để đi hội còn thổi gọi bạn chứ!”
Cũng theo lời cụ Sài thì vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước, trong đời sống của người Mông bắt đầu hình thành nên một cái tết mới – Đó là tết Độc lập mừng ngày Quốc khánh. Ngày hội lúc đầu chỉ là “Những đêm gặp gỡ của những người Mông từ các nơi đổ về trung tâm huyện”, nghĩa là ngày hội này chỉ của riêng người Mông. Nhưng dần dần đã thu hút đông đảo bà con các dân tộc khác. Và ngày nay gọi chung là Ngày hội văn hóa các dân tộc. Khắp các xó làng góc bản đều treo giăng đầy cờ hoa, biểu ngữ chào mừng. Niềm vui độc lập lan tỏa khắp nơi, ai nấy đều hân hoan, rạng rỡ.
“Suốt mấy chục năm nay, mặc dù được tham dự nhiều lễ kỷ niệm mừng ngày Tết Độc lập, được nghe lại nhiều lần bản Tuyên ngôn độc lập qua đài phát thanh, truyền hình, song mỗi lần nghe, tôi vẫn luôn cảm thấy xúc động, như thấy mình được sống lại trong những giờ phút thiêng liêng, lịch sử nhất của cả dân tộc”, cụ Sài tâm sự.
Mừng thoát cùm gông
Những ngày này, trên khắp các trung tâm, huyện lị cũng như thành phố Lai Châu như khoác lên mình một tấm áo mới với đủ màu rực rỡ của cờ hoa. Băng rôn, khẩu hiệu treo dọc hai bên đường, cờ Tổ quốc tung bay trên mỗi nóc nhà, niềm vui ánh lên trong mắt mỗi người. Đồng bào bảo: “Năm nay có mưa lũ nhiều, nhưng Tết Độc lập cũng không bớt vui đâu”! Trong các bản Mông, bản Thái, từ người già cho đến trẻ con đều diện những bộ trang phục đẹp nhất, khuôn mặt rạng rỡ, nụ cười thường trực trên môi.
Không chỉ là một ngày lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước, với mỗi người dân Lai Châu, ngày 2/9 còn là ngày Tết độc lập mang đầy ý nghĩa. Thế nên trong mấy năm gần đây, các cấp, ngành trong tỉnh cũng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, tạo sân chơi cho đồng bào, vừa vui chơi, vừa củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, khuyến khích đồng bào bỏ dần những hủ tục lạc hậu để xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
Múa hát mừng Tết Độc lập
Ở một số huyện, người ta còn tổ chức “Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc” với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông như giới thiệu lễ hội dân gian, trình diễn trang phục dân tộc, các trò chơi dân gian như ném pao, đánh cầu lồng gà, tù lu, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều hấp dẫn, thú vị.
Ngay như ở Than Uyên, một huyện xa tỉnh lị, thế nhưng năm nào cũng vậy, Tết Độc lập cũng diễn ra hết sức tưng bừng. Tùy theo mỗi năm, nhưng thường thì ngay từ sáng 1/9, đoàn người đã đổ về các khu vui chơi, giải trí. Các chàng trai trên đầu quấn khăn, vai vác khèn, những cô gái với bộ áo váy sặc sỡ, khuôn mặt rạng rỡ. Người ta chào hỏi nhau, uống với nhau vài chén rượu, chia nhau bát thắng cố. Người già thì tìm gặp nhau để tâm sự, kể chuyện vui buồn và uống rượu, còn lớp trẻ thì vui đùa, hò hẹn, tìm kiếm bạn tình.
“Để chuẩn bị cho ngày Tết Độc lập, mình đã cất công học thổi khèn từ những người già trong bản. Học cũng khó lắm, nhưng thích thì cố học thôi. Nhiều bạn cùng tuổi với mình ở bản này cũng thích. Vì biết thổi khèn thì dễ lấy vợ hơn mà”, cậu bé Vàng A Chu, 16 tuổi, ở Mường Than chia sẻ.
Khi màn đêm buông xuống, khi hơi lạnh se se từ các khe núi tràn xuống vướng vít con người và cảnh vật, không gian được dành lại cho phần nhiều là lớp trẻ. Tiếng sáo, tiếng khèn bắt đầu vang vọng, đó là lúc những nam thanh, nữ tú bắt đầu màn múa hát, kết bạn, giao duyên. Đối với những đôi trai gái người Mông, đây là một dịp lý tưởng để hò hẹn, tìm kiếm bạn đời. Những cặp đôi nào ưng thuận sẽ tự tách riêng rồi tìm đến một chỗ vắng vẻ để tâm sự, hẹn hò, đính ước.
Cũng ở chính những dịp lễ hội mừng Tết Độc lập, có nhiều đôi bạn trẻ dù ở cách xa nhau cả trăm cây số, gặp nhau rồi nảy sinh tình cảm, rồi nên vợ thành chồng. Nhưng cũng có những mối tình dang dở, không dẫn đến hôn nhân, người ta vẫn giữ mối quan hệ bạn bè, thỉnh thoảng gặp lại nhau, gửi cho nhau lời thăm hỏi động viên trên bước đường đời. Cũng chính vì những dang dở ấy mà trong mỗi dịp lễ hội mừng Tết Độc lập, ngoài tiếng khèn, tiếng sáo véo von gọi bạn, người ta còn nghe được những tiếng đàn môi và những lời hát đối đầy da diết và khắc khoải.
Thậm chí ở cả những xã xa trung tâm như Phúc Than, cách thị trấn Than Uyên đến 12 cây số, nhưng không khí Tết Độc lập cũng lan tỏa về từng lối ngõ. Xã có 6 bản người Mông, với khoảng hơn 2000 nhân khẩu, hầu như nhà nào cũng treo cờ Tổ quốc. Người già thì tất bật chuẩn bị chuyện cỗ bàn, trẻ con cười tíu tít với váy áo truyền thống. “Ơn Đảng, ơn Chính phủ, đồng bào dân tộc Mông ở đây mới bước sang một trang mới, mới có ngày hôm nay. Không phải chịu cảnh tù đày, áp bức nữa. Để mừng ngày đất nước độc lập, thoát khỏi cùm gông thì phải vui chứ”, ông Giàng A Bua ở bản Noong Thăng, xã Phúc Than quả quyết.
Còn bà Giàng Thị Lía, hàng xóm của ông Bua, hồ hởi khoe: “Từ khi nghe theo Đảng, Nhà nước, bỏ cuộc sống du canh, du cư phá rừng làm nương rẫy, về lập làng lập bản, cuộc sống của nhà mình thay đổi nhiều rồi, không còn đói khổ như ngày xưa nữa. Để chuẩn bị lễ hội năm nay, mình đã chuẩn bị trang phục cho gia đình trước cả năm. Bởi làm ra một bộ áo, váy của người Mông tốn khá nhiều thời gian, mình vui lắm vì đã hoàn thành trước ngày hội để cả nhà có đồ mới xuống phố. Năm nay mưa lũ nhiều, cũng may là vẫn đủ ăn, không lo bị đói. Kể từ ngày Nhà nước làm thêm cho cái đường, đi xuống huyện cũng dễ dàng, tết lại càng vui”.
Theo năm tháng, việc tổ chức ăn Tết Độc lập dần trở thành một sinh hoạt văn hóa, không chỉ của riêng đồng bào Mông, mà còn có sự tham gia của nhiều dân tộc anh em, như Thái, Dao, Tày, Giáy... Đến với Lai Châu vào những ngày này, ngoài việc được khám phá, cảnh vật thiên nhiên, người ta còn được thưởng thức một cái tết với đầy đủ những đơn sơ, mộc mạc tự nhiên như núi, như rừng của đồng bào.