Hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế, doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển bền vững "Tây Ninh xanh", du lịch, kinh tế dịch vụ là 7 đột phá chiến lược để phát triển Tây Ninh.
Nhiều định hướng chiến lược
Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, Tây Ninh xác định 7 đột phá phát triển của tỉnh, gồm: Hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế, doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển bền vững "Tây Ninh xanh", du lịch, kinh tế dịch vụ.
Về phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, tỉnh tập trung phát triển 20 vùng sản xuất tập trung nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện: Tân Châu, Dương Minh Châu, Tân Biên, Gò Dầu, Châu Thành và thị xã Trảng Bàng.
Về phát triển hệ thống khu công nghiệp, định hướng bố trí, phát triển các khu công nghiệp phân bố chủ yếu theo các trục: Quốc lộ 22, Quốc lộ 22B, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đường Hồ Chí Minh, các trục Đường tỉnh 784, Đường tỉnh 789, Đường tỉnh 782 - hướng kết nối với trung tâm kinh tế của vùng là TP.HCM, Bình Dương và kết nối Bình Dương - Tây Ninh - Long An.
Cạnh đó, phát triển thêm 3 khu công nghiệp mới và mở rộng 1 khu công nghiệp hiện hữu với diện tích khoảng 4.400 ha.
Tiếp tục phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát theo định hướng và động lực mới, tạo đột phá góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của Vùng Đông Nam Bộ.
Trong đó phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ, phát triển xanh và bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh để thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước.
Về du lịch, tỉnh sẽ phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh, coi trọng tính chất sinh thái và tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ các dự án theo các phân khu chức năng thuộc Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành khu du lịch đặc sắc, đẳng cấp quốc tế.
Phát triển hạ tầng giao thông kết nối hướng Đông - Tây với Bình Dương, Bình Phước, Long An và kết nối phía Nam với TP.HCM, tỉnh tập trung huy động nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát.
Phát triển 4 trung tâm logistics tại cửa khẩu Mộc Bài, cửa khẩu Xa Mát, xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng và xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu.
Phát triển hệ thống đô thị hướng tới đô thị xanh, thành phố thông minh. Đến năm 2023, tỉnh có 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại III, 5 đô thị loại IV và 7 đô thị mới loại V, trong đó, TP Tây Ninh đạt tiêu chuẩn đô thị loại II và sẽ tiếp tục phấn đấu đầu tư xây dựng hoàn thiện đạt cơ bản các tiêu chí của đô thị loại I.
“3 vùng phát triển, 4 trục động lực, 1 vành đai an sinh xã hội”
Theo quy hoạch, vùng 1 gồm: Thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và một phần phía Nam huyện Dương Minh Châu, là vùng phát triển công nghiệp, đô thị dịch vụ có tính lan toả kết nối với hồ Dầu Tiếng và nông nghiệp công nghệ cao với trung tâm phát triển của tỉnh là tam giác Trảng Bàng – Phước Đông – Gò Dầu.
Vùng 2 gồm: TP Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, vùng phía tây huyện Dương Minh Châu và một phần phía Đông huyện Châu Thành là trung tâm hành chính, văn hoá, giáo dục, y tế, du lịch, lấy dịch vụ làm chủ đạo, tiếp đến là công nghiệp hỗ trợ và chế biến, nông nghiệp công nghệ cao.
Vùng 3 gồm: Huyện Tân Biên, huyện Tân Châu, phía tây huyện Châu Thành và phía bắc huyện Bến Cầu là vùng phát triển nông nghiệp, từng bước phát triển dịch vụ hướng đến an sinh xã hội và du lịch sinh thái ở các khu vực Lò Gò - Xa Mát, rừng Hoà Hội, sông Vàm Cỏ Đông.
“4 trục động lực”, gồm: Trục số 1 gắn với cao tốc Gò Dầu - Xa Mát và Quốc lộ 22, 22B, là hành lang phát triển Bắc - Nam chính của tỉnh Tây Ninh.
Trục số 2 gắn với tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 22, là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và vương quốc Campuchia theo hướng Đông Tây cho vùng phía Nam, kết nối với Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 tới sân bay Long Thành.
Trục số 3 gắn với tuyến Đất Sét - Bến Củi là tuyến vành đai trung chuyển hàng hoá giữa các khu công nghiệp Bến Củi, Thạnh Đức, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đi Campuchia, kết nối với TP.HCM thông qua các nút giao với đường cao tốc CT31, CT32 và kết nối về phía Đông đi Bình Dương và Tây Nguyên.
Trục số 4 gắn với đường tỉnh 781, là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và Vương quốc Campuchia theo hướng Đông Tây cho vùng trung tâm.
“Vành đai an sinh xã hội” gắn với cao tốc dọc biên giới, kết nối liên vùng với Đồng Bằng sông Cửu Long qua Long An và Tây Nguyên qua Bình Phước, là hành lang hỗ trợ quốc phòng - an ninh và an sinh cho vùng phía Bắc.
Ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1736/QĐ-TTg.
Trong đó, quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu phát triển tổng quát đến năm 2030, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Tây Ninh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Đến năm 2030, Tây Ninh phấn đấu trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.
Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao; thương mại, du lịch phát triển và là cửa ngõ thương mại quốc tế của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Là tỉnh có hệ thống quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn dựa trên một hệ sinh thái bền vững và đa dạng.