Như vậy, tính đến thời điểm này, Hải quân Việt Nam đã có 6 tàu ngầm hiện đại.
Ngày 20/1, tàu vận tải hạng nặng Rolldock Storm (Hà Lan) chở chiếc tàu ngầm lớp Kilo cuối cùng trong sê ri 6 chiếc tàu mà Việt Nam đặt mua của Nga, đã về đến vịnh Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) an toàn, kết thúc chuyến hải trình kéo dài hơn 40 ngày, xuất phát từ Nga.
Sau khi vào vịnh Cam Ranh, tàu Rolldock Storm đã neo đậu để trong vài ngày tới các chuyên gia tiến hành các biện pháp kỹ thuật đưa chiếc tàu ngầm ra bên ngoài và lai dắt về Quân cảng Cam Ranh.
Tàu ngầm 187 Bà Rịa - Vũng Tàu là chiếc cuối cùng trong tổng số 6 chiếc tàu ngầm lớp Varshavyanka 636.1 (NATO gọi là Kilo) mà Việt Nam đặt Nga đóng.
Trước đó, trong hai năm 2014 và 2015, Nga đã bàn giao cho Việt Nam 4 chiếc tàu ngầm tương tự, được đặt tên HQ - 182 Hà Nội, HQ - 183 Thành phố Hồ Chí Minh, HQ - 184 Hải Phòng và HQ 185 - Khánh Hòa. Sau đó Quân chủng Hải quân đã lần lượt tiến hành lễ thượng cờ cho từng đôi tàu và cả 4 tàu chính thức được đưa vào biên chế của Lữ đoàn tàu ngầm 189 thuộc Hải quân Việt Nam. Đến đầu tháng 2/2016, tàu ngầm thứ 5 cũng đã được Nga bàn giao cho Việt Nam tại Quân cảng Cam Ranh, dự kiến được đặt tên là HQ – 186 Đà Nẵng. Chiếc tàu cuối cùng này sẽ được đặt tên HQ – 187 Bà Rịa - Vũng Tàu và cả hai tàu sẽ được thượng cờ trong thời gian tới.
Như vậy, đến nay Hải quân Việt Nam đã có 6 tàu ngầm hiện đại.
Tàu ngầm Dự án 636 lớp Varshavyanka Nga đóng cho Việt Nam có lượng choán nước 3100 tấn, tốc độ tối đa 20 hải lý/giờ, có thể lặn sâu 300m với thủy thủ đoàn 52 người. Khả năng chạy êm của tàu khiến các chuyên gia NATO gọi nó là "hố đen" trong lòng đại dương.
Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm cùng với tổ hợp tên lửa tấn công Club. Loại tên lửa này có tầm bắn 300 km sau khi được phóng bay với tốc độ cận âm. Khi tiếp cận mục tiêu, đầu đạn chứa 400 kg thuốc nổ tách ra từ động cơ chính và tăng tốc đến 1 km/giây, tức là gấp ba lần tốc độ của âm thanh. Tên lửa tiếp cận mục tiêu ở độ cao 5-10 mét, khiến cho nó trở thành bất khả xâm phạm đối với các hệ thống chống tên lửa của đối phương.
Trước đó, tại buổi lễ thượng cờ cho hai tàu ngầm HQ – 184 Hải Phòng và HQ – 185 Khánh Hòa diễn ra hồi tháng 8/2015, Chuẩn đô đốc Phạm Hoài Nam – Tư lệnh Hải quân nhấn mạnh: Việc xây dựng và phát triển các lực lượng bảo vệ biển nói chung, lực lượng tàu ngầm hiện đại của Hải quân Việt Nam nói riêng là việc làm bình thường của quốc gia có biển, không phải là chạy đua vũ trang, mà để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong mọi tình huống, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.