Tập trung khắc phục nước thấm ở thủy điện Sông Tranh 2

congly.com.vn| 13/04/2012 11:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 26-3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có thông báo chính thức về hiện tượng thấm nước tại đập Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2.

Rò rỉ nước tại đập thủy điện sông Tranh 2

Theo EVN, đập dâng thủy điện Sông Tranh 2 là loại đập bê tông trọng lực công nghệ đầm lăn (RCC), có chiều cao 96m, chiều dài 640m được chia thành các blok. Các blok rộng 20 mét được ngăn cách nhau bằng các khe nhiệt (toàn bộ đập có 30 khe) xuyên suốt từ phía thượng lưu về hạ lưu. Mục đích bố trí các khe nhiệt này là nhằm triệt tiêu ứng suất nhiệt trong bê tông trong quá trình thi công và vận hành công trình. Trong đập có 3 hành lang thu nước thấm trong thân đập và nằm dọc theo chiều dài đập tại các cao trình 152m, 124m và 95m. Các hành lang này được liên thông với nhau bằng các ống thu nước.

Đập dâng đã được Hội đồng nghiệm thu các cấp nghiệm thu theo từng giai đoạn và phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước. Hồ Sông Tranh 2 đã tích nước đến mức nước dâng bình thường (cao độ 175m) theo thiết kế vào ngày 3/11/2011. Hiện tại, đập dâng vẫn đang được thi công hoàn thiện.


Theo quy trình kỹ thuật và vận hành công trình thủy điện, trong quá trình tích nước hồ chứa, Ban quản lý dự án và Công ty thủy điện Sông Tranh, nhà thầu thi công phải tiếp tục tổ chức quan trắc thường xuyên, cập nhật và xử lý các số liệu đo đạc để phân tích đánh giá. Đến đầu tháng 2/2012 khi thấy xuất hiện thấm nước trong các hành lang thu nước và thấm ra hạ lưu đập, các đơn vị trên công trường đã tiến hành xử lý thấm nhưng chưa có hiệu quả. Vì vậy, nước vẫn còn chảy ra hạ lưu đập như báo chí đã nêu.

Đoàn công tác của EVN từ ngày 18-20/3 đã trực tiếp kiểm tra toàn bộ thân đập, các hành lang thu nước. Hiện tượng nước chảy từ thân đập ra phía hạ lưu là nước thấm tại 4 vị trí khe nhiệt K18, K21, K24, K28 và hai bên tường cánh của đập tràn (K11 và K16) tại các cao độ từ 138m đến 168m. Nguyên nhân là do nước thấm không được thu gom hết về các hành lang thu nước trong thân đập để dẫn ra hạ lưu. Tổng lưu lượng thấm của toàn công trình theo quan trắc vào thời điểm kiểm tra đo được vào khoảng 30 lít/s. Sau đó, EVN đã có văn bản số 850/EVN-QLXD gửi Bộ Công Thương, UBND tỉnh Quảng Nam, Cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu nhà nước (HĐNTNN) báo cáo vấn đề trên và chủ động chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung khắc phục.

Đánh giá của Đoàn công tác và các chuyên gia hàng đầu của Hội đồng NTNN các công trình xây dựng sau khi đi kiểm tra, làm việc tại hiện trường công trình cho thấy: Hiện tượng thấm nước ra hạ lưu đập theo các khe nhiệt là chưa đúng với sơ đồ thấm và thoát nước theo thiết kế. Hiện tượng này đã gây phản cảm trong dư luận xã hội. Nước thấm qua khe nhiệt chứ không phải thấm qua các khe nứt của đập như báo chí đã đưa tin. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do hệ thống các ống thu nước bố trí trong các hành lang thu nước trong thân đập chưa đáp ứng tốt nhiệm vụ thu nước thấm trong thân đập, một số ống thu nước giữa các tầng hành lang bị tắc, nước bị ứ đọng nhiều trong các hành lang, không thoát hết về hố thu nước. Đập thủy điện Sông Tranh 2 chưa xuất hiện các vết nứt trong bê tông.

Với mức độ thấm như hiện nay chưa ảnh hưởng đến an toàn đập. Mặt khác, việc xuất hiện động đất kích thích trong thời gian gần đây tại khu vực công trình có cường độ thấp hơn cường độ tính toán trong thiết kế, không ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn của đập. Theo quy luật tự nhiên, các dư chấn của động đất kích thích có cường độ thấp hơn nhiều và sẽ giảm dần theo thời gian.

Các Đoàn công tác đã yêu cầu Chủ đầu tư, Tổng thầu và cơ quan tư vấn thực hiện một số giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình như: Khẩn trương thông rửa các ống thu thoát nước, sửa chữa, bổ sung các rãnh thoát nước trong các hành lang để thu hết nước về hố thu theo thiết kế; hoàn thiện hệ thống quan trắc và tiến hành đo đạc, phân tích số liệu, đánh giá kết quả một cách hệ thống; phối hợp với Viện Vật lý địa cầu tiếp tục nghiên cứu về diễn biến động đất và có đánh giá cụ thể hơn về ảnh hưởng của động đất trong khu vực đến công trình; tiếp tục kiểm tra bề mặt phía thượng lưu đập khi hạ thấp mực nước hồ và đề ra các giải pháp xử lý thấm bổ sung.

Hiện EVN đã chỉ đạo Ban QLDA, Tổng thầu và Tư vấn thiết kế cho thông rửa các lỗ khoan bị tắc, đục rãnh thoát nước để thu nước về hố thu trong thân đập, đến nay đã có hiệu quả và hiện tượng thấm về hạ lưu đập đã giảm khoảng 80%; đã đưa 2 máy khoan tay vào các khe nhiệt để thu nước vào hành lang thoát nước và phần lớn lượng nước thấm tại các khe nhiệt này đã chảy vào hành lang.

EVN đã chỉ đạo Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (Ao), Công ty thủy điện Sông Tranh huy động tối đa công suất của Nhà máy để hạ mực nước hồ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xử lý thấm đạt hiệu quả; đồng thời giao Ban QLDA thực hiện ngay việc quan trắc chu kỳ I để đánh giá toàn diện về ổn định công trình, cũng như cung cấp đầy đủ thông tin có liên quan để chính quyền địa phương tuyên truyền và giải thích cho nhân dân vùng lân cận công trình yên tâm sản xuất và sinh hoạt, lưu ý không ảnh hưởng đến hoạt động của người dân đang sinh sống ở khu vực hạ lưu công trình. EVN tiếp tục mời các chuyên gia có kinh nghiệm đến kiểm tra, khảo sát, đề ra các giải pháp xử lý tổng thể và sẽ hoàn thành trước mùa lũ năm 2012.


Dự án Thủy điện Sông Tranh 2 do EVN làm chủ đầu tư (đại diện là Ban QLDA Thủy điện 3), tư vấn thiết kế chính là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1, tổng thầu thi công là Tổng công ty xây dựng Thủy lợi 4. Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 có công suất lắp đặt 190 MW đã được đưa vào vận hành năm 2011.

Mai Phương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung khắc phục nước thấm ở thủy điện Sông Tranh 2