Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam và Tập đoàn Microsoft ký Biên bản ghi nhớ việc triển khai công nghệ thông tin cho các Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.
Tập đoàn Microsoft và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chính thức ký Biên bản ghi nhớ cùng nhau hợp tác trong các lĩnh vực trọng tâm bao gồm Xây dựng nhận thức cho khối Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam về ứng dụng, triển khai CNTT, đặc biệt là về thiết bị và công nghệ điện toán đám mây nhằm tối ưu hóa tiềm năng của các doanh nghiệp. Microsoft sẽ cùng VCCI triển khai các chương trình hỗ trợ thiết thực để giúp các DNNVV, doanh nhân nữ phát huy tối đa các tiềm năng của mình, giúp họ biến những ý tưởng của mình thành hiện thực, đồng thời hỗ trợ DNNVV tạo giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị nông nghiệp thông qua ứng dụng CNTT. Ngoài ra, Microsoft sẽ hợp tác chặt chẽ với VCCI để nghiên cứu, đề xuất lộ trình nâng cao ứng dụng CNTT và công nghệ điện toán đám mây nhằm nâng cao hiệu suất công việc của VCCI.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ đã được tổ chức tại Hà Nội với sự có mặt của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI và ông Vũ Minh Trí , Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, đại diện chính phủ, đại diện các doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí Việt Nam.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho biết “Lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác ngày hôm nay với Microsoft đánh dấu một bước phát triển mới của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong việc mang đến những hỗ trợ hiệu quả và thiết thực hơn cho cộng đồng DNVVN tại Việt Nam. Chúng tôi mong muốn, thông qua sự hợp tác này, sẽ ngày càng có nhiều DNVVN thành công và phát triển hơn nữa, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước”.
Chiếm đa số (96%) trong tổng số các doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Khối DNNVV Việt Nam đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Có thể nói, DNNVV là mạch máu của nền kinh tế, là khu vực đang gánh nhiều trọng trách cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của khối DNNVV Việt Nam.
Ứng dụng CNTT trong các hoạt động của các DNNVV tại Việt Nam hiện còn chưa thực sự hiệu quả khi các doanh nghiệp chủ yếu vẫn chỉ dùng những ứng dụng phần mềm quản lý đơn giản. Một nguyên nhân cũng khiến cho các DNNVV khó tiếp cận được với CNTT cũng do xuất phát từ phía các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng, giải pháp CNTT. Các công ty này thường nhắm đến doanh nghiệp lớn – những khách hàng tiềm năng có khả năng chi trả cho các dịch vụ CNTT phức tạp, thiếu các giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế của các DNNVV.
Thấu hiểu những hạn chế này, trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ hợp tác với VCCI, Microsoft nhấn mạnh đến việc hợp tác cùng VCCI để cung cấp, đề xuất những giải pháp công nghệ điện toán đám mây phù hợp nhất để hỗ trợ các DNNVV tối ưu hóa hoạt động của mình và phù hợp với điều kiện kinh tế của các doanh nghiệp.
Chia sẻ tại lễ ký kết, ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam nhấn mạnh: “Microsoft Việt Nam rất tự hào được cùng đồng hành với VCCI trong việc thúc đẩy ứng dụng CNTT trong cộng đồng DNNVV Việt Nam thông qua các giải pháp công nghệ và dịch vụ tối ưu, đặc biệt là trong lĩnh vực điện toán đám mây. Với danh mục hơn 200 dịch vụ điện toán đám mây, bao gồm Bing, MSN, Outlook.com, Office 365, OneDrive, Skype, Xbox Live và nền tảng Windows Azure, hiện nay hơn 1 tỷ khách hàng và 20 triệu doanh nghiệp tại 88 thị trường trên toàn cầu đang sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của Microsoft và đạt được những lợi ích vượt trội. Vì vậy, chúng tôi tin rằng, các giải pháp điện toán đám mây của Microsoft chắc chắn sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho cộng đồng DNNVV tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt được những cơ hội thành công trong tương lai.”
Thông qua hợp tác với VCCI, nhiệm vụ tối ưu hóa tiềm năng phát triển của các DNNVV một lần nữa thể hiện cam kết mạnh mẽ hơn từ phía Microsoft trong việc hỗ trợ chính phủ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành một nước mạnh về CNTT vào năm 2020.