Theo đại diện của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, việc chưa xem xét tăng tuổi nghỉ hưu không ảnh hưởng đến quỹ BHXH bởi việc này chỉ là một trong những giải pháp để đảm bảo tính bền vững, lâu dài của quỹ BHXH và quỹ hưu trí.
Chưa xem xét đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong năm 2017
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nằm trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động và theo dự kiến ban đầu sẽ trình và Quốc hội cho ý kiến trong năm 2017. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 379/2017/UBTVQH14 về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đưa ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 các dự án gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện.
Như vậy, một số nội dung như tăng tuổi nghỉ hưu; tăng thời giờ làm thêm giờ của người lao động... (quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động) sẽ chưa được Quốc hội bàn thảo, xem xét thông qua trong năm 2017.
Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, hàng tháng đã có gần 3 triệu người cao tuổi được hưởng lương hưu và BHXH
Tại Hội nghị được tổ chức mới đây của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trả lời câu hỏi của báo chí về việc Quốc hội chưa thông qua việc tăng tuổi hưu liệu có ảnh hưởng đến việc mất cân đối quỹ BHXH, ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết dự kiến ban đầu Quốc hội sẽ cho ý kiến về luật sửa đổi bổ sung một số điều bộ luật Lao động trong năm nay, nhưng khi Chính phủ trình Quốc hội trong nội dung sửa đổi có rất nhiều nội dung và sửa cả về mặt kết cấu luật nên Chính phủ đề nghị không sửa đổi một số điều mà sẽ sửa đổi tổng thể bộ luật Lao động.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nói rõ thêm, thực chất đối với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Quốc hội chỉ tạm hoãn và sẽ trình ra trong kỳ họp thích hợp hơn. Ông Sơn cũng khẳng định “Việc tăng tuổi hưu chỉ là một trong những giải pháp để đảm bảo tính bền vững, lâu dài của quỹ BHXH và quỹ hưu trí chứ không phải là “phao cứu sinh” cân đối quỹ BHXH”.
Đề xuất tuổi nghỉ hưu có thể tăng từ năm 2021
Theo BHXH Việt Nam, đến hết 30/4/2017, ước số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 13,15 triệu người; bảo hiểm thất nghiệp là 11,23 triệu người, BHXH tự nguyện là 237 nghìn người và bảo hiểm y tế là 76,27 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 82,01% dân số.
Hàng năm, có khoảng 4 - 5 triệu người được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn và khoảng 150 nghìn người hưởng các chế độ BHXH dài hạn. Đã có gần 3 triệu người cao tuổi được hưởng lương hưu và BHXH hàng tháng, chiếm trên 50% người cao tuổi ở Việt Nam được hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.
Theo Luật BHXH, từ ngày 1/1/2018, ngoài những đối tượng tham gia BHXH truyền thống, sẽ bổ sung thì đối tượng tham gia BHXH là lao động có hợp đồng lao động 1 tháng trở lên, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng có cơ hội tham gia BHXH tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng đã đặt mục tiêu, đến năm 2020 có 50% số người tham gia vào lực lượng lao động trong xã hội thì tham gia bảo hiểm xã hội. Vì vậy, đối tượng tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH sẽ ngày càng gia tăng. Để đảm bảo an toàn cho quỹ BHXH, hàng loạt các giải pháp, các chính sách căn cơ hơn đã được đề ra như mở rộng đối tượng tham gia BHXH; tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo việc người sử dụng lao động có thể đóng đúng, đóng đủ, đóng hết bảo hiểm xã hội cho người lao động; tăng tuổi nghỉ hưu…
Liên quan đến vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, theo dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến lần 2, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đưa ra 2 phương án, trong đó có phương án tiếp tục giữ nguyên tuổi nghỉ hưu hiện nay (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi). Đối với phương án tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất chỉ áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu từ ngày 1/1/2021. Cụ thể, từ năm 2021, với lao động trong điều kiện bình thường, mỗi năm tăng tuổi nghỉ hưu thêm 6 tháng cho tới khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định trên (nam có thể làm việc tới 67 tuổi, nữ tới 65 tuổi mới nghỉ hưu).
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc, nghề nghiệp đặc thù có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi trên.
Theo tính toán của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nếu không có điều chỉnh về chính sách thì quỹ hưu trí ở nước ta có thể mất cân đối vào năm 2034. Cụ thể, ILO khuyến cáo hiện nay, chính sách BHXH đã bao phủ khoảng 20% lực lượng lao động ở Việt Nam. Tuy nhiên, độ tuổi nghỉ hưu của Việt Nam đang quá thấp, đặc biệt là đối với nữ. Một số nhóm lao động lại được phép về hưu sớm cộng với dân số đang già hóa, tuổi thọ người dân tăng cao và tỷ suất sinh giảm khiến tỷ lệ lao động trên số người hưởng lương hưu thấp. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có chế độ trả lương hưu cao với mức đóng 32,5% mà trong đó đã bao gồm cả bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hưu trí. Hiện mức hưu trí của Việt Nam đang là 26% nhưng mức lương hưu được hưởng là 75%, bao gồm cả tử tuất, đóng không hết thời gian hưởng thì người thừa kế vẫn được hưởng. Điều này tạo áp lực nặng nề lên quỹ BHXH do vậy việc cân đối quỹ là tất yếu.