Tăng trưởng đa giá trị trong ngành nông nghiệp bằng cú hích chuyển đổi số

Kim Truyền| 05/07/2021 15:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dịch Covid-19 tràn đến, không chỉ gây ảnh hưởng nặng nề tới việc sản xuất, tiêu thụ truyền thống trong ngành nông nghiệp mà còn buộc người nông dân phải thay đổi phương thức sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm bằng cách tích hợp đa giá trị trong sản phẩm và phát triển thị trường, phát triển sản xuất theo công nghệ 4.0.

Kết tinh cả truyền thống lịch sử, văn hóa bản địa vào sản phẩm

Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, ngành nông nghiệp vẫn luôn giành được nhiều thành tựu to lớn cho đất nước. Từ một nền nông nghiệp tự cung, tự cấp, ngành đã bước sang một nền kinh tế hàng hóa hội nhập toàn cầu. Bài toán khó khăn từ dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nông nghiệp nhưng cũng mở ra những lời giải vượt khó để người nông dân buộc phải thực hiện theo xu hướng thời đại công nghiệp 4.0, thay đổi hoàn toàn tư duy, chủ động và tích cực trong cách làm nông nghiệp.

9 triệu hộ nông dân, giá trị xuất khẩu trên 40 tỷ USD mỗi năm và được duy trì trong nhiều năm qua, nhưng ngành nông nghiêp đang đứng trước đòi hỏi cấp bách, cần minh bạch thông tin, cần chuyển đổi số. Ông Lê Minh Hoan (Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) khẳng định: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ bắt đầu một cuộc hành trình chuyển đổi số và dứt khoát không để lỡ một nhịp tàu và nếu chúng ta lỡ thì tôi nghĩ rằng chúng ta có tội”.

anh1(1).jpg

Trong bối cảnh đại dịch, ngành nông nghiệp vẫn vươn lên mạnh mẽ

Nhưng trước khi nghĩ đến việc chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp thì trước tiên những người nông dân cần phải thay đổi cách tư duy trong sản xuất. Để minh chứng cho điều này, trong hội nghị trực tuyến về việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (ngày 18/6/2021), Bộ trưởng đã trích lời của Giáo sư Phan Văn Trường khi Giáo sư được nghe nhiều người nước ngoài nói rằng: “Người việt nam là người làm nhanh nhất thế giới. Mới đầu, tôi tưởng họ khen mình nhưng thật sự là họ chê mình. Bởi vì tư duy làm cho nhanh, làm cho rồi, làm cho xong là tư duy của người thất bại. Cũng chính vì lẽ đó mà một ngàn năm nay dân tộc Việt Nam mình làm nông nghiệp rồi bán nông sản thô, bởi bán cho xong, bán cho rồi nên không tạo ra đươc giá trị”.

Trong bối cảnh dịch bệnh, tình hình nông nghiệp nói chung rất khó khăn nhưng nếu có sự điều chỉnh quy mô sản xuất cho phù hợp và việc nâng cao giá trị sản phẩm, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng đa giá trị là việc làm tất yếu, cần thiết. “Vì chúng ta vẫn còn theo đuổi mục tiêu sản lượng thay bằng chúng ta tìm một mục tiêu khác, nếu chúng ta xác định được mục tiêu thì chất lượng sẽ cao. Còn mục tiêu tích hợp đa giá trị, chúng ta bán sản phẩm với một giá trị gồm cả trời, cả nước, cả mây, cả không khí, cả gió, cả lịch sử truyền thống, văn hóa bản địa kết tinh vào sản phẩm”. – Bộ trưởng cho biết.

Chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng đa giá trị và chuyển đổi số chính là cú hích có thể tạo ra một giá trị cho nông sản và phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không phải là cơn gió nữa, mà là bão nổi lên, thế giới đang thay đổi từng ngày và chúng ta không thể tự giẫm chân tại chỗ. Chuyến tàu chuyển đổi số không chỉ tạo ra niềm vui trong công việc mà còn đòi hỏi sự tìm tòi để thấy ra giá trị trong sản phẩm, biến công việc thành niềm vui.

Tạo cốt nhưng phải giữ hồn

Trước bối cảnh tri thức nhân loại phủ hết trên những cánh đồng thì nền nông nghiệp nước ta đang đứng trước đòi hỏi cấp bách phải thay đổi để phù hợp với thời đại. Cuộc cách mạng công nghiệp chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức để ngành nông nghiệp bước sang một căn nhà mới khang trang hơn, đòi hỏi sự mạnh mẽ và táo bạo để vượt qua trong giai đoạn này.

Nông nghiệp chuyển đổi số là nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững. Các công nghệ mới được tích hợp ứng dụng trong nông nghiệp bao gồm: Tự động hóa, cơ giới hóa các khâu sản xuất trong nông nghiệp, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học; giống cây trồng vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao…; Quy trình canh tác tiên tiến, canh tác hữu cơ… có hiệu quả kinh tế cao cho đơn vị sản xuất.

anh2.jpg

Những con số ấn tượng của ngành nông nghiệp trong năm 2020

Nói là như vậy, nhưng để thực hiện cuộc cách mạng nền nông nghiệp chuyển đổi số không phải đơn giản và đòi hỏi chúng ta phải hành động thực tế. Ông Lê Minh Hoan (Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thẳng thắn nhìn nhận: “ Mọi người chúng ta thường thường muốn đứng lại, muốn tìm được sự an toàn thì nhà bác học Anhxtanh có một câu rất là hay: Cuộc sống như là đi xe đạp vậy, chỉ thăng bằng khi chúng ta chuyển động và khi chúng ta đứng lại thì xe đạp sẽ không chạy nữa. Vậy thì chúng ta chuyển động, vận đông hay là chúng ta sẽ đứng lại?”. Đó không chỉ là một câu hỏi lửng lơ của Bộ trưởng mà còn thôi thúc chúng ta phải hành động để chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp nói riêng và cuộc cách mạng công nghiêp 4.0 trên tất cả các lĩnh vực khác về kinh tế- xã hội nói chung của đất nước.

Mặt khác Bộ trưởng cũng bày tỏ sự lo ngại của mình về một số mô hình phát triển nông thôn mới đang chạy theo đô thị hóa, cứng hóa mà đánh mất “phần hồn”, đó là những giá trị vô hình, là bản sắc của nền nông nghiệp đất nước. Tạo cốt nhưng phải giữ hồn và phải chăm chút phần hồn, ở trong đó chính là văn hóa của người nông dân, văn hóa nông thôn.

“Chúng ta bán sản phẩm với một giá trị gồm cả trời, cả nước, cả mây, cả không khí, cả gió, cả lịch sử truyền thống, văn hóa bản địa kết tinh vào sản phẩm” – “Tạo cốt nhưng phải giữ hồn”.

Dịch Covid gây ra những khó khăn và thách thức chưa có tiền lệ những cũng tạo ra cơ hội chưa có tiền lệ cho ngành nông nghiệp. Chỉ cần chuyển đổi số thành công, ngành nông nghiệp sẽ đạt được những thành công vô cùng to lớn, hoàn thành mục tiêu kép của chính phủ “vừa chống dịch vừa phát triển sản xuất”.


(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng trưởng đa giá trị trong ngành nông nghiệp bằng cú hích chuyển đổi số