Tăng trách nhiệm của UBND các cấp trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất

Quang Trung| 03/03/2023 14:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 3/3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Báo Công lý ghi lại những ý kiến đóng góp của ông Phùng Văn Hải, Phó Chánh án TAND TP.HCM về những vướng mắc trong quá trình thực tế xét xử của Tòa án.

Phó Chánh án TAND TP.HCM Phùng Văn Hải cho biết, Luật Đất đai 2013 ban hành đã tạo điều kiện cho kinh tế xã hội phát triển rất lớn nhưng sau 10 năm thực thi đã phát sinh việc áp dụng pháp luật còn mâu thuẫn, có những quy định chưa phù hợp nên lần sửa đổi này nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế và những chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, hài hòa quyền và lợi ích, thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, phát huy nguồn lực đất đai tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả.

Với gốc độ của Tòa án, ông Phùng Văn Hải cho biết, Luật Đất đai sửa đổi lần này theo hướng Tòa án sẽ giải quyết mọi tranh chấp, đây là xu hướng chung của thế giới khi chúng ta hội nhập.

Tuy nhiên, người dân cho rằng quy trình giải quyết của Tòa án khá lâu, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc cung cấp, hồ sơ, tài liệu của cơ quan quản lý đất đai cho Tòa án chậm.

Dự thảo lần này đã đưa vào nội dung xác định trách nhiệm cung cấp hồ sơ, giấy tờ cho Tòa án xét xử theo điều theo Điều 125. Tuy nhiên, Dự thảo đã xác định trách nhiệm nhưng chưa có chế tài xử lý khi các cơ quan không cung cấp hoặc cung cấp không kịp thời theo yêu cầu của Tòa án.   

Tăng trách nhiệm của UBND các cấp trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất

  Ông Phùng Văn Hải, Phó Chánh án TAND TP.HCM phát biểu tại Hội nghị

Ông Hải đề nghị tăng trách nhiệm của UBND các cấp trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho TAND giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu.

Luật cần quy định, Tòa án được yêu cầu UBND cung cấp hồ sơ, tại liệu từ thời điểm nào? Sau khi thụ lý vụ án hay từ khi thực hiện thủ tục hòa giải tại Tòa án theo pháp luật về hòa giải, đối thoại tại Tòa án (hòa giải tiền tố tụng)? Thời hạn để UBND các cấp cung cấp hồ sơ, tài liệu chứng cứ cho Tòa án? Nếu UBND các cấp không cung cấp hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Tòa án thì giải quyết như thế nào?

Mặt khác, theo khoản 2 Điều 225 Dự thảo Luật: “2. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do TAND giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do Trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại.”.

Tuy nhiên, căn cứ vào khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005: “2. Hàng hóa bao gồm: a) Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; b) Những vật gắn liền với đất đai”. Điều 2 Luật Trọng tài thương mại quy định thẩm quyền của trọng tài thương mại liên quan đến các tranh chấp thương mại.

Như vậy, để phù hợp với quy định về tranh chấp trong Luật Thương mại và Luật Trọng tài thương mại, đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 225 Dự thảo Luật như sau: “2. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do TAND giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến tài sản gắn liền với đất đai do Trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại”.

Tăng trách nhiệm của UBND các cấp trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất

Toàn cảnh Hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Về thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai, theo điểm a khoản 2 Điều 224 Dự thảo quy định “Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải” nhưng Điều 225 Dự thảo về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai lại không có quy định “Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì…” như Luật Đất đai năm 2013. Vậy theo Dự thảo việc “gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải” có phải là thủ tục tiền tố tụng không?

Nếu là thủ tục bắt buộc thì theo khoản 5 Điều 224 Dự thảo “Đối với địa bàn không thành lập đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc UBND cấp huyện thì không thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều này”, trường hợp này phải xử lý như thế nào?

Thứ hai, theo khoản 2 Điều 224 Dự thảo quy định “Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với UBMTTQ Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác.

Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai”. Đề nghị quy định rõ về cơ chế phối hợp giữa Chủ tịch UBND cấp xã với UBMTTQ Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác.

UBMTTQ Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác có phải là thành phần bắt buộc trong Hội đồng hòa giải? Các tổ chức xã hội khác là tổ chức nào vì ở cấp cơ sở có rất nhiều tổ chức xã hội. Đây là những vấn đề luật cần quy định rõ để Tòa án dễ dàng áp dụng vào công tác giải quyết các tranh chấp liên quan đến đất đai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng trách nhiệm của UBND các cấp trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất