Bất động sản

Tăng tốc xóa chung cư cũ: Cần công khai, minh bạch

Trang Nhi 09/10/2023 - 08:50

Để tăng tốc xóa chung cư cũ, theo các chuyên gia, cần minh bạch phương án tài chính, đảm bảo công bằng và công khai dự án với cả người dân.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994 (tương đương hơn 3 triệu m2 sàn) với hơn 100 nghìn hộ dân sinh sống. Một số địa phương có nhiều quỹ nhà chung cư cũ như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa... Trong đó quỹ chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội là nhiều nhất.

chug-cu-cu-ha-noi.jpg
Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ xóa bỏ chung cư cũ.

Kế hoạch cải tạo chung cư cũ của Hà Nội được đưa ra từ năm 1999, đến năm 2005 Hà Nội bắt đầu cải tạo các khu chung cư cũ. Nhưng đến nay mới có 19 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn đã hoàn thành, đưa vào sử dụng (chiếm 1,2% tổng số nhà ở chung cư cũ) và 14 dự án đang triển khai.

Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ, bao gồm 4 khu chung cư có nhà cấp D - cấp độ nguy hiểm, nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân, gồm: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, nhà của Bộ Tư pháp; và 6 khu có tính khả thi để cải tạo là: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân. Mặc dù đã có chủ trương đầu tư, thậm chí có quy hoạch chi tiết nhưng để thực hiện cải tạo, xây mới những tòa nhà này là không đơn giản.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng thành phố vẫn quyết liệt, tăng tốc cải tạo chung cư cũ. Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ kiểm định trên 1.000 nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Đây là cơ sở để Hà Nội đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ vốn rất chậm chạp thời gian vừa qua.

Đề xuất giải pháp tăng tốc xóa chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: Cần minh bạch phương án tài chính, lợi ích, nếu cho nâng lên 40 tầng thì chủ đầu tư được hưởng bao nhiêu lợi ích, cư dân tại chỗ được hưởng bao nhiêu lợi ích. Mọi việc cần công khai.

Đặc biệt, xác định việc tham gia của người dân. Cần có cơ chế bảo đảm minh bạch để cộng đồng dân cư và từng chủ sử dụng đất, chủ sở hữu các công trình xây dựng trong phạm vi dự án được tham gia với tinh thần trách nhiệm và được hưởng quyền lợi chính đáng của mình trong quá trình cải tạo, xây dựng lại khu chung cư cũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng tốc xóa chung cư cũ: Cần công khai, minh bạch