Tăng tốc, bứt phá
Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, chúng ta vừa phản ứng linh hoạt, hiệu quả trước những biến động bên ngoài; vừa phải khắc phục những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều nhiệm kỳ và phải dành nhiều thời gian, nguồn lực giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh, nhất là chính sách tiền tệ, tài khóa, ứng phó, khắc phục thiên tai gây hậu quả nặng nề, kéo dài tại nhiều địa phương.
Triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã bám sát tình hình thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của người dân, tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm…
Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được chỉ đạo quyết liệt với tư duy đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, thông thoáng hơn, đúng thẩm quyền hơn; đồng thời tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn từ thực tiễn.
Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt kết quả rõ nét. An sinh xã hội được tập trung bảo đảm; đời sống người dân được cải thiện. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,93%.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt kết quả tích cực; quản lý thu, chi ngân sách nhà nước hiệu quả hơn, tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, dành nguồn lực tăng chi cho phát triển con người, bảo đảm an sinh xã hội và chi đầu tư phát triển…
Trong thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp quan trọng của ngành Tòa án. Năm 2024, các Tòa án phải triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với việc quán triệt và tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp căn cơ hiệu quả nên kết quả đạt được trên các mặt công tác cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Do đó, năm 2025, chúng ta vừa phải "tăng tốc, bứt phá", tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KTXH của cả nhiệm kỳ 2021 - 2025; vừa phải thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Bối cảnh đó đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành, các địa phương phải có tư duy đổi mới, đột phá với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung"; "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Đối với ngành Tòa án, các Tòa án tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực đổi mới, sáng tạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp đột phá, hiệu quả, sát với thực tế nhằm nâng cao hiệu quả các mặt công tác để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống Tòa án nhân dân và những ngày lễ lớn của đất nước.
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng của năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế phát triển, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, phải đổi mới tư duy, phải “cởi trói”, phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình.
Tổng Bí thư yêu cầu cần tiếp tục tạo đột phá hơn nữa về thể chế, tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển...
Đây sẽ là một trong những yếu tố cơ bản giúp kinh tế-xã hội Việt Nam có thể tăng tốc, bứt phá trong thời gian tới, tạo tiền đề để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh.
Ban Biên tập