Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến 30/9/2017, số đối tượng tham gia BHYT của 6 tỉnh vùng Tây Bắc là hơn 4,4 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT hơn 96% so với dân số vùng.
Ngày 21/10, tại tỉnh Điện Biên, BHXH Việt Nam phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo “Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc Tây Bắc tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình”. Gần 20 tham luận được trình bày tại Hội thảo đã tập trung vào các nội dung đề cao vai trò, lợi ích, tính nhân văn của bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình đối với đồng bào thiểu số Tây Bắc, đảm bảo an sinh xã hội; đẩy mạnh hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật về thực hiện BHXH, BHYT tự nguyện vùng Tây Bắc.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: BHXH Việt Nam
4,4 triệu người tham gia BHYT
Vùng Tây Bắc gồm 6 tỉnh, chiếm 1/3 diện tích cả nước với trên 10 triệu dân, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của Việt Nam; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ; có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, thuỷ điện, khoáng sản, du lịch,…; là vùng có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, gắn bó lâu đời. Giải quyết vấn đề an sinh xã hội tại vùng Tây Bắc sẽ là điểm tựa cần thiết để giúp Tây Bắc phát triển theo hướng bền vững.
Trong những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, công tác thực hiện chế độ chính sách BHXH, BHYT, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, người lao động đã được các tỉnh Tây Bắc thực hiện và triển khai tích cực.
Tuy nhiên, trên thực tế, vùng Tây Bắc vẫn còn nhiều khó khăn, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém, nhất là hệ thống giao thông, thuỷ lợi, hạ tầng y tế, giáo dục; kinh tế của đồng bào dân tộc đa phần không ổn định, trông chờ vào mùa vụ, thiên tai lại thường xuyên xảy ra;… Đây là những nguyên nhân dẫn tới số NLĐ và người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình khu vực Tây Bắc còn thấp so với tiềm năng chung của toàn vùng.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến 30/9/2017, số đối tượng tham gia BHYT của 6 tỉnh vùng Tây Bắc là hơn 4,4 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế hơn 96% so với dân số vùng, tăng gần 200.000 người (tương ứng tăng 4,56% so với năm 2016); chiếm tỷ trọng gần 5,6% so với tổng số người tham gia bảo hiểm y tế trên toàn quốc. Trong đó phần lớn các tỉnh Tây Bắc đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế so với Quyết định 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong 9 tháng năm 2017, số người tham gia BHXH tự nguyện là hơn 10.200 người, tăng 12% so với năm 2016.
Đẩy mạnh việc tuyên truyền
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận, đưa ra các khó khăn, bất cập còn gặp phải trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình nói chung và công tác tuyên truyền về các chính sách này nói riêng, nhằm hướng tới việc tìm ra những giải pháp hiệu quả đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại khu vực Tây Bắc, để người dân trong khu vực có được nhận thức đầy đủ hơn về tính ưu việt, nhân văn, sự thiết thực của việc tham gia BHXH, BHYT; qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, thực hiện mục tiêu phát triển công bằng và hoà nhập.
Nhiều đại biểu đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc và giải pháp thiết thực, căn cơ, những mô hình hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù vùng đồng bào thiểu số trong việc nâng chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm tự nguyện ở cơ sở; mở rộng, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tại địa phương…
Đặc biệt trong bối cảnh, Tây Bắc đến nay vẫn còn là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao (kết quả điều tra năm 2017 của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, số hộ nghèo thuộc khu vực miền núi Tây Bắc có tỷ lệ cao nhất, khoảng trên 31%). Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của vùng Tây Bắc cao, dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT có tăng (do đối tượng hộ nghèo và cận nghèo đều được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT) nhưng không bền vững. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT tại khu vực này không bền vững do sau khi thoát nghèo, những người dân này không thuộc diện đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT, họ lại không tiếp tục tham gia do phải tự bỏ tiền túi để mua BHYT.
Trước thực tế đặt ra, các chuyên gia cho rằng để thu hút được nhiều hơn đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình thì cần có các giải pháp tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể... tuyên truyền với các hình thức, nội dung đa dạng, giúp người dân hiểu, nắm rõ bản chất, vai trò, ý nghĩa và tính ưu việt của chính sách bảo hiểm y tế cũng như các quy định cơ bản của pháp luật. Vai trò của mạng lưới đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn cũng rất quan trọng nên cần rà soát, tổ chức tập huấn, củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống đại lý thu hiện tại, kết hợp tăng cường công tác mở rộng, quản lý chặt chẽ đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Về cơ chế, chính sách cần nâng mức hỗ trợ mức đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, mở rộng đối tượng không thuộc hộ nghèo, cận nghèo; linh hoạt hơn về mức hỗ trợ, cần quy định mức hỗ trợ tối thiểu để địa phương nào có điều kiện kinh tế, phát triển kinh tế thì có cơ chế để hỗ trợ thêm một phần mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn nhấn mạnh, để chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đi vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc khu vực Tây Bắc, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT, thực hiện tốt mục tiêu an sinh xã hội thì việc tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến đồng bào dân tộc, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để bà con dân tộc thấy được quyền lợi như có được sự giúp đỡ, hỗ trợ khi chẳng may gặp phải những rủi ro về sức khỏe, hoặc có tiềm lực kinh tế để ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động là hết sức quan trọng.
Thay mặt lãnh đạo BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn đã trao tặng số tiền 100 triệu đồng mua thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Điện Biên, với sự chứng kiến của Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Văn Quý. |