Tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp

Ngọc Mai| 13/03/2020 17:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong năm 2020 sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đề xuất xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, Kế hoạch hoạt động năm 2020 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ nêu rõ.

Tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp


Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa ký ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2020 của Ban Chỉ đạo.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 của các bộ, ngành, địa phương bảo đảm hoàn thành các mục tiêu cải cách hành chính của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ.

Đồng thời, nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành của các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ trong công tác cải cách hành chính. Gắn kết công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương với việc xây dựng Chính phủ điện tử; tăng cường trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính; nâng cao chất lượng, hiệu quả của cải cách hành chính.

Theo kế hoạch, trong năm 2020, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại các bộ, ngành, địa phương.

Các thành viên Ban chỉ đạo, các bộ, ngành địa phương phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của Chính phủ; đề cao trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách hành chính đối với các thành viên được giao chủ trì chương trình cải cách hành chính theo phân công của Chính phủ.

Cũng trong năm 2020, Tổ Kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đề xuất xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính.

Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng hợp, đề xuất việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện cải cách hành chính.

Về xây dựng thể chế, chính sách, Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án "Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật" giai đoạn 2018-2022; rà soát, sớm pháp hiện và có biện pháp khắc phục các quy định pháp luật chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển.

Các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tư pháp nâng cao chất lượng thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đồng bộ, khả thi; ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết; xử lý dứt điểm các văn bản quy định trái luật do các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương ban hành đã được phát hiện qua công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong các năm 2017, 2018 và 2019.

Về cải thiện môi trường đầu tư, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.

Các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tư pháp đẩy mạnh công tác theo dõi thi hành pháp luật với công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, tập trung vào các lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận và lĩnh vực được xác định trọng tâm theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 như hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức đối thoại với doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; cho ý kiến về phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành do các bộ, ngành đề xuất; khảo sát, đánh giá và công bố thường niên Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp