Tại phiên họp chất vấn sáng 22/8, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện chủ động hơn nữa trong xây dựng luật, pháp lệnh.
Trước khi kết thúc phiên chất vấn sáng nay, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày báo cáo làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Quy định cụ thể về phí và lệ phí
Liên quan đến phí và lệ phí trong giám định, Phó Thủ tướng cho biết, hiện theo pháp lệnh về chi phí tố tụng đã trình UBTVQH, TANDTC là cơ quan chủ trì, và Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến về nội dung này. Nếu UBTVQH xem xét, thông qua, quy định cụ thể về chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng được rõ hơn thì sẽ có cơ sở về mặt thể chế để xử lý.
Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, năm 2024, trình ban đầu 16 dự án Luật, nếu được Quốc hội chấp thuận thì tăng lên 34 dự án Luật.
Theo Phó Thủ tướng, "số liệu như vậy cho thấy số lượng thay đổi rất lớn". Tuy nhiên các đề xuất, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh rất sát với Kỳ họp.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, có 2 nguyên nhân của tình trạng này là do tình hình kinh tế - xã hội thay đổi nhanh chóng và khả năng dự đoán, nắm bắt trước tình hình của chúng ta có hạn, trong một số trường hợp, khả năng nhận biết còn lúng túng.
Để khắc phục, Phó Thủ tướng khẳng định sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện chủ động hơn nữa. Các Bộ trưởng phải trực tiếp phụ trách công tác pháp chế. Đồng thời cần tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, đây là vấn đề cơ bản.
Xử lý nghiêm buôn lậu, gian lận thương mại
Về quản lý thị trường hàng hoá, Phó Thủ tướng cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với các đơn vị, lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra trên 190.000 vụ; phát hiện, xử lý trên 130.000 vụ.
Chuyển cơ quan điều tra 406 vụ việc có dấu hiệu tội phạm; đồng thời đã có 102 công chức bị kỷ luật; 23 công chức bị khởi tố...
Để đấu tranh có hiệu quả, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Bao gồm tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm các vi phạm, bao che, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.