Chính trị

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tư pháp

P.Nam 01/01/2025 - 11:42

Trong giai đoạn hiện nay, đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tư pháp là để góp phần phòng, chống tham nhũng, thiết lập trật tự, kỷ cương, nâng cao hiệu lực của bộ máy nhà nước.

“Kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn pha"

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, khi bàn về cách lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ, kiểm tra, giám sát là một trong ba nội dung cơ bản trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Theo Người: "Lãnh đạo đúng nghĩa là: Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng...;Phải tổ chức sự thi hành cho đúng...; Phải tổ chức sự kiểm soát...".

doi-moi-tang-cuong-cong-tac-kiem-tra-giam-sat-hoat-dong-tu-phap(2).jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian viết một bài báo hết sức súc tích về công tác kiểm tra, yêu cầu các cơ quan lãnh đạo của Đảng cần thực hành ngay việc kiểm tra.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi. Song từ nguồn gốc đi đến thắng lợi thực sự, còn phải tổ chức, phải đấu tranh. Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”.

Đây là sự vận dụng sáng tạo quan điểm của Lênin rằng: khi mục đích, nhiệm vụ chính trị đã được xác định đúng, thì nhiệm vụ tổ chức thực hiện phải đặt lên hàng đầu. Điều chủ chốt là chuyển trọng tâm từ việc soạn thảo các chỉ thị, nghị quyết sang việc lựa chọn cán bộ và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền, công tác kiểm tra, giám sát càng quan trọng.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ: "Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn "pha". Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm".

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều là của dân…”. Quyền giám sát của nhân dân đối với bộ máy nhà nước nói chung, cơ quan tư pháp nói riêng giữ vị trí quan trọng trong cơ chế bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Đảng lãnh đạo, nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động tư pháp theo thiết chế đại diện (thông qua cơ quan dân cử, các tổ chức đoàn thể nhân dân) và trực tiếp.

Kiểm tra, giám sát là cách thức để thực thi sự lãnh đạo của Đảng; bổ sung, kiểm định, hoàn chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tăng cường giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

"Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn "pha". Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm".

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đối với hoạt động tư pháp, Đảng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thông qua tổ chức đảng và cơ quan kiểm tra của Đảng; đồng thời, lãnh đạo các cơ quan dân cử, tổ chức xã hội và người dân tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động tư pháp.

Đảng lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tư pháp để ngăn chặn sự lạm quyền trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, vi phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

Trong giai đoạn hiện nay, đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tư pháp là để góp phần phòng, chống tham nhũng, thiết lập trật tự, kỷ cương, nâng cao hiệu lực của bộ máy nhà nước.

Đổi mới công tác kiểm tra giám sát

Nghị quyết 28- NQ/TW về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đặt ra yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.

Theo đó, tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Đổi mới phương pháp, quy trình, nâng cao kỹ năng kiểm tra, giám sát, bảo đảm khách quan, dân chủ, khoa học, đồng bộ, thống nhất, thận trọng, chặt chẽ.

Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những nơi dễ xảy ra vi phạm, nơi có nhiều bức xúc, dư luận quan tâm, các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm. Xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời tổ chức đảng, đảng viên sai phạm.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp gồm các nội dung: Xây dựng quy chế, quy trình làm việc và mối quan hệ lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và thủ trưởng đơn vị.

Quy định cụ thể mối quan hệ giữa tổ chức đảng với chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong công tác kiểm tra, giám sát; tránh chồng chéo, gây phiền phức cho cá nhân, tổ chức được kiểm tra; Đưa nội dung kiểm tra, giám sát hoạt động tư pháp đối với tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan tư pháp vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm của cấp ủy để hoạt động này được thực hiện định kỳ, thường xuyên, có hệ thống;

Kiểm tra toàn diện và kiểm tra chuyên đề đối với việc thực hiện các nghị quyết của Đảng và từng mặt công tác; Kiểm tra trực tiếp, xem xét, đánh giá tại chỗ hoặc kiểm tra gián tiếp qua báo cáo, kiến nghị và phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng;

Kiểm tra, giám sát trách nhiệm người đứng đầu tổ chức đảng và lãnh đạo các cơ quan tư pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

Đánh giá phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng và ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở việc khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra sau kiểm tra, giám sát.

Hoạt động kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan tư pháp được thực hiện thông qua các thủ tục tố tụng, có mối quan hệ chế ước lẫn nhau theo nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan tư pháp và các giai đoạn tố tụng.

Đảng lãnh đạo các cơ quan tư pháp kiểm tra, giám sát lẫn nhau bằng việc đổi mới, hoàn thiện cơ cấu, tổ chức, hoạt động; bảo đảm cho các cơ quan này thực thi đúng, đầy đủ quyền năng pháp lý của mình nhằm xây dựng cơ chế khách quan để phòng ngừa lạm quyền, dẫn đến vi phạm Hiến pháp và pháp luật, xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.

Để công tác kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan tư pháp có hiệu quả, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng tư pháp tạo cơ sở pháp lý kiểm soát quyền lực trong nội bộ cũng như kiểm soát từ bên ngoài của từng hệ thống cơ quan tư pháp theo nguyên tắc: hoạt động tố tụng của giai đoạn trước là tiền đề cho hoạt động tố tụng của giai đoạn sau; hoạt động tố tụng của giai đoạn sau kiểm tra, đánh giá hoạt động tố tụng của giai đoạn trước…

Xây dựng cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ, bảo đảm ngăn chặn tình trạng lợi dụng “kẽ hở” của pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, gây phiền hà, phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ. Cơ quan cấp trên phải kiểm soát có hiệu quả việc thực hiện quyền lực của cơ quan cấp dưới.

Người đứng đầu các cơ quan tư pháp phải tăng cường thực hiện kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước của nhân viên, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Bảo đảm đầy đủ các điều kiện để tòa án thực hiện quyền tư pháp.

Kiểm soát việc thực hiện quyền lực của các cơ quan tư pháp bằng cơ chế tranh tụng, xét xử nhiều cấp, công khai, minh bạch. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp để thực thi nhiệm vụ chuyên môn cũng chính là thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động tư pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tư pháp