Đời sống

Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

Minh Lý 24/11/2023 - 17:59

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 576 ổ dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại 44 tỉnh, thành phố; số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 24.218 con, giảm 62,53% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đang có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi lợn và bảo đảm nguồn cung thực phẩm.

Dịch tả lợn Châu Phi có chiều hướng gia tăng

Cục Thú y cho biết, DTLCP có chiều hướng gia tăng từ đầu tháng 8 đến nay và dự kiến gia tăng trong thời gian tới.

Tại tỉnh Bắc Kạn, theo báo cáo của UBND xã Trần Phú, huyện Na Rì, từ ngày 5 - 25/7, trên địa bàn thôn Nà Coóc, xã Trần Phú đã có 100 con lợn chết vì dịch bệnh nhưng người dân không thông báo cho chính quyền xã, thôn được biết. Từ ngày 26/7 - 2/8, trên địa bàn các thôn Nà Coóc, Khuổi Mý và Phiêng Pụt tiếp tục có thêm 17 con lợn bị chết với tổng trọng lượng 195 kg. Ngoài ra, một số con lợn thuộc các dự án hỗ trợ tại xã Trần Phú cũng bị chết do dịch bệnh.

Từ cuối tháng 10/2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, DTLCP đã và đang bùng phát trở lại và có chiều hướng lây lan nhanh ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 23/11, DTLCP đã tái phát và lây lan rộng ra 22 xã, thị trấn thuộc 5 huyện, thị ở tỉnh Quảng Trị với số lợn bệnh, tiêu hủy gần 880 con có tổng trọng lượng trên 41 tấn.

Nguyên nhân DTLCP tái bùng phát và lây lan nhanh là do người chăn nuôi có tâm lý chủ quan, chưa tổ chức tốt biện pháp phòng chống, còn tình trạng giấu dịch, bán lợn bệnh, phát hiện lợn bị bệnh nhưng không báo cáo cơ quan chức năng. Đợt mưa lũ tháng 10 và giữa tháng 11/2023 tạo môi trường thuận lợi cho mầm bệnh phát tán và lây lan nhanh, nhất là xuất hiện tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường...

Theo Cục Thú y, các ổ dịch vừa qua chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, vệ sinh chuồng trại kém. Hệ thống thú y cấp tỉnh và cấp huyện hiện rất lỏng lẻo, không bảo đảm nguồn lực triển khai phòng, chống dịch bệnh do các địa phương sáp nhập vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp. Có hiện tượng giấu dịch, chậm báo cáo dịch, bán chạy, giết mổ lợn bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác lợn chết.

chu-dong-phong-chong-dich-ta-lon-chau-phi..png
Chủ động phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi.

Nhiều địa phương, người chăn nuôi chưa quan tâm, sử dụng vaccine dịch tả lợn Châu Phi cho đàn lợn thịt. Nguyên nhân do mới được phép sử dụng rộng rãi từ tháng 7/2023, các địa phương chưa có kế hoạch; vaccine dịch tả lợn châu Phi chưa nằm trong Danh mục phải tiêm phòng bắt buộc. Giá thành vaccine còn tương đối cao...

Để phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh DTLCP kịp thời, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ngày 16/11/2023, Thủ tướng chính phủ đã ký ban hành Công điện số 1097/CĐ-TTg "về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi" chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Bộ ngành liên quan và các thành viên BCĐ QG phòng, chống dịch bệnh DTLCP chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm phòng, chống bệnh DTLCP.

Phòng, chống hiệu quả bệnh DTLCP

Các chuyên gia cho rằng: Để phòng, chống hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, giảm thiệt hại về kinh tế, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, các địa phương cần chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định.

Bố trí nguồn lực thực hiện ngay việc rà soát, tổ chức tiêm vắc-xin phòng các bệnh cho vật nuôi ở những địa phương đã, đang có dịch, có nguy cơ cao, bảo đảm tỷ lệ đạt hơn 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm.

Chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã; đặc biệt chú trọng khắc phục những bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh theo đúng quy định; tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng, buôn bán các loại vắc-xin không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Hướng dẫn chủ vật nuôi áp dụng nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, có cách thức ngăn chặn các loài véc-tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc-tơ truyền bệnh.

Chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh động vật nguy hiểm để kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ổ dịch mới phát sinh. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới.

xu-ly-triet-de-o-dich-khong-de-dich-benh-lay-lan-dien-rong..png
Xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Chủ động phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp từng đối tượng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

Để xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng, Cục Thú y đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 1097/CĐ-TTg ngày 16/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, hỗ trợ địa phương phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

Nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, các địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, phải chủ động ngăn chặn từ sớm, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi