Ủy ban quốc gia về trẻ em vừa ban hành Công văn hỏa tốc về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em.
Sau khi xảy ra vụ tai nạn vào chiều ngày 28/2 khiến bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư ở Hà Nội may mắn không nguy hiểm đến tính mạng, ngày 01/3/2021, Ủy ban quốc gia về trẻ em đã ban hành Công văn hỏa tốc số 533/UBQGVTE-VP gửi các Bộ: Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Công an; Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.
Công văn nêu rõ, trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc trẻ em bị rơi, ngã từ các khu chung cư, nhà cao tầng dẫn đến tai nạn, thương tích nghiêm trọng và tử vong. Ngày 28/02/2021, cháu bé N.P.H (sinh năm 2018) bị ngã từ tòa nhà chung cư thuộc phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội và được người dân kịp thời cứu sống.
Trước tình hình trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về trẻ em yêu cầu các bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã, cụ thể như sau:
Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em, phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng.
Rà soát các quy định và việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và các công trình xây dựng, khu chung cư, nhà cao tầng. Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc khiến trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục về phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ, hộ gia đình, thôn, bản, xóm, ấp, tổ dân phố, khu dân cư, trường học, lớp học để bảo đảm an toàn cho trẻ em và thực hiện việc cải tạo, sửa chữa các vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích trẻ em. Tích cực triển khai xây dựng ngôi nhà an toàn theo Quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành tiêu chí Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã tại các khu chung cư, nhà cao tầng; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh báo, gia cố các khu vực có nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em.
Tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam (QCXDVN 05:2008/BXD) về nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe đã quy định rõ: Nhà cao tầng phải có lan can chắn các cạnh trống của sàn, ban công, lôgia, mái (bao gồm cả giếng trời và các lỗ mở khác) và các nơi khác có người đi lại. Quy chuẩn cũng nêu rõ lan can phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang quy định trong Quy chuẩn liên quan; không làm lan can có mặt trên rộng để tránh người ngồi hoặc nằm. Nếu sử dụng kính ở các lan can, cần tuân thủ quy chuẩn về an toàn sử dụng kính quy định Quy chuẩn này.
Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng, lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua, tức là không nên bố trí các thanh ngang để trẻ tựa chân trèo qua lan can và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm. Trên thực tế, lan can cũng là nơi thoát hiểm nếu xảy ra sự cố như hỏa hoạn. Việc điều chỉnh tăng thêm chiều cao lan cao nhưng vẫn phải đảm bảo khoảng cách trống phù hợp với phương án thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn.
Kinh nghiệm từ các gia đình sinh sống tại chung cư cho thấy, cho dù gia đình có hay không có trẻ em sinh sống tại căn hộ cũng nên thêm giải pháp an toàn cho lôgia hay cửa sổ bằng cách căng lưới mềm. Đây là loại cáp mỏng được căng theo tỷ lệ khoảng cách tầm 5cm, có đan ngang để hạn chế xô lệch.
Tại Thông tư 21/2019/TT-BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành cũng quy định chi tiết, ngay cả cửa sổ nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp, cửa sổ chỉ được làm cửa lật hoặc cửa trượt có cữ an toàn khi mở. Vị trí của các bộ phận điều khiển đóng mở cửa phải tuân thủ các quy định tại QCXDVN 05:2008/BXD. Hệ thống Văn bản quy chuẩn của Bộ Xây dựng về thiết kế, xây dựng chung cư, nhà cao tầng, vấn đề đảm bảo an toàn khá đầy đủ, nhưng thực tế thời gian qua vẫn xảy ra nhiều sự cố, tai nạn thương tâm, nhất là với trẻ nhỏ.
Để tránh các tai nạn thương tích đối với trẻ em tại các chung cư cao tâng, các chuyên gia khuyến cáo các bậc cha mẹ mấy vấn đề sau:
Cha mẹ, người lớn phải thường xuyên theo sát hoạt động của trẻ nhỏ, tuyệt đối không để trẻ tự chơi một mình trong nhà;
Chú trọng gia cố thêm lưới an toàn tại các ban công, cửa sổ căn hộ;
Không bày biện các chậu hoa, ghế đẩu, bàn nước sát với lan can ban công, đề phòng trẻ có thể trèo lên đó để leo ra ngoài.
Cho dù đã có nhiều quy định, quy chuẩn về xây dựng nhà chung cư, nhưng vấn đề quan trọng nhất để bảo vệ, phòng chống tai nạn thương tích đối với trẻ em, theo các chuyên gia chính là ý thức cẩn trọng của các bậc cha mẹ đối với mọi hoạt động hàng ngày của các cháu bé tại các chung cư cao tầng./.