Sáng nay 11/11, tại Hà Nội, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa đã hội đàm với Đoàn đại biểu cấp cao TANDTC Trung Quốc do bà Hạ Vinh, Phó Chánh án TANDTC Trung Quốc, Quan tòa cấp cao làm Trưởng đoàn.
Hội đàm giữa Phó Chánh án Thường trực TANDTC Việt Nam Bùi Ngọc Hòa và Phó Chánh án TANDTC Trung Quốc Hạ Vinh
Thay mặt TANDTC Việt Nam và nhân danh cá nhân, Phó Chánh án Thường trực Bùi Ngọc Hòa chân thành cảm ơn Phó Chánh án TANDTC Trung Quốc Hạ Vinh cùng các thành viên đã dành thời gian sang thăm, làm việc tại Việt Nam. Phó Chánh án Thường trực Bùi Ngọc Hòa bày tỏ: Trong bối cảnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã và đang phát triển nhanh chóng, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực; mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Tòa án hai nước cũng ngày càng được củng cố. Việc tăng cường mối quan hệ hợp tác đã và sẽ mang lại những lợi ích cụ thể, thiết thực cho Toà án hai nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của mỗi quốc gia, cũng như thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác truyền thống giữa hai dân tộc.
Tại buổi hội đàm, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa đã khái quát lại mối quan hệ giữa Tòa án hai nước. Theo đó, tháng 6/ 2010, Chánh án TANDTC Việt Nam Trương Hòa Bình đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc và Chánh án TANDTC hai nước đã thống nhất cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, tiến tới ký Thoả thuận hợp tác tư pháp giữa hai Toà án.
Về phía TANDTC Trung Quốc, bà Hạ Vinh chúc mừng TAND Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng trong cải cách tư pháp, nhất là từ năm 2000 đến nay, đồng thời thông báo những nét chính về quá trình cải cách tư pháp ở Trung Quốc. Theo đó, tổ chức bộ máy Tòa án của Trung Quốc cũng theo mô hình 4 cấp gồm: Tòa án cấp cơ sở; Tòa án trung cấp; TAND cấp cao và TANDTC. Trung bình mỗi năm Trung Quốc giải quyết trên 15 triệu vụ án và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Trung Quốc cũng đang tiến hành nghiên cứu để sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án theo hướng đề cao hơn nữa vai trò của Tòa án trong bộ máy Nhà nước. Hệ thống tổ chức Tòa án của Việt Nam và Trung Quốc có nhiều nét tương đồng, nên Trung Quốc sẽ học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam để áp dụng một cách phù hợp vào quá trình cải cách tư pháp.
Quang cảnh buổi hội đàm giữa TANDTC Việt Nam và TANDTC Trung Quốc
Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa tặng quà lưu niệm cho Phó Chánh án TANDTC Trung Quốc Hạ Vinh
Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 4/2011 của Chánh án TANDTC Trung Quốc Vương Thắng Tuấn, Chánh án TANDTC hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác tư pháp. Hằng năm, TANDTC Việt Nam cử các Đoàn đại biểu sang tham dự diễn đàn, hội nghị do TAND Trung Quốc tổ chức để cùng trao đổi các lĩnh vực về giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động thương mại và mậu dịch biên giới, hợp tác đầu tư trong khu vực thương mại tự do... Tiếp theo những kết quả mà hai bên đã đạt được, chuyến thăm Việt Nam lần này của Đoàn đại biểu cấp cao TANDTC Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác lên một bước phát triển mới.
Giới thiệu thành tựu cải cách tư pháp tại Việt Nam, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa nhấn mạnh: Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định trong công cuộc cải cách tư pháp. Thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, cùng với việc xác định Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, Hiến pháp năm 2013 đã xác định nhiệm vụ của TAND là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm.
Thể chế hóa quy định của Hiến pháp, tháng 11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức TAND năm 2014. Theo đó, về thẩm quyền, TANDTC chỉ tập trung vào nhiệm vụ xét xử Giám đốc thẩm, tái thẩm; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; quản lý các Toà án về mặt tổ chức; xây dựng pháp luật theo sự phân công của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác. Về cơ cấu tổ chức, hệ thống TAND được chia thành 4 cấp xét xử bao gồm: TANDTC, TAND cấp cao, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương. TAND được tổ chức theo hướng tinh gọn với Hội đồng Thẩm phán TANDTC từ 13 đến 17 Thẩm phán TANDTC. Ở TAND cấp cao, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngoài các Toà chuyên trách hiện có trong cơ cấu tổ chức của TAND nay thành lập thêm Toà gia đình và người chưa thành niên.
Chế định tuyển chọn và bổ nhiệm Thẩm phán cũng có những thay đổi nhằm tăng cường tính độc lập của Thẩm phán. Thay vì Thẩm phán được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 5 năm, có thể tái bổ nhiệm nhiều lần như trước đây, Luật Tổ chức TAND 2014 quy định nhiệm kỳ đầu tiên của Thẩm phán mới được bổ nhiệm là 5 năm, nhưng các nhiệm kỳ tiếp theo kéo dài lên 10 năm. Cơ cấu tuyển chọn Thẩm phán cũng thay đổi theo hướng tập trung, thống nhất, bảo đảm chất lượng ứng cử viên cao hơn. Điều này thể hiện ở chỗ trước đây có nhiều Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán tại mỗi tỉnh và Hội đồng tuyển chọn tại TANDTC, nay tất cả tập trung vào một đầu mối tại TANDTC. Cơ cấu Hội đồng tuyển chọn thay đổi theo hướng Toà án có tiếng nói mạnh hơn trong Hội đồng. Theo cơ chế mới, Thẩm phán yêu cầu phải thi đỗ kỳ thi Thẩm phán đầu tiên thì mới được bổ nhiệm, và phải tiếp tục thi đỗ các kỳ thi tương ứng để được chuyển ngạch lên cấp cao hơn. Đặc biệt, Thẩm phán TANDTC nay phải được Quốc hội phê chuẩn. Những thay đổi này vừa nhằm mục tiêu bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán, đồng thời bảo đảm chất lượng chuyên môn của đội ngũ Thẩm phán.
Các đại biểu TANDTC hai nước chụp ảnh lưu niệm tại trụ sở TANDTC Việt Nam
Về đào tạo tư pháp, TANDTC Việt Nam đã nâng cấp Trường Cán bộ Toà án lên thành Học viện Toà án, vì vậy chức năng, nhiệm vụ của Trường sẽ được mở rộng hơn rất nhiều. Học viện sẽ có nhiều cấp đào tạo từ đại học luật đến các cấp sau đại học; các chương trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho các chức danh làm việc tại Toà án cũng được mở rộng hơn, chuyên sâu hơn. Mục tiêu của cải cách là nhằm bảo đảm nguồn nhân lực ổn định, lâu dài, chất lượng cao cho hệ thống TAND, đồng thời đáp ứng nhu cầu chung của xã hội. Hiện tại, TANDTC đang tiến hành xây dựng và nghiên cứu hàng loạt đề án nhằm tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp như việc xây dựng và phát triển án lệ, tăng cường tranh tụng tại toà án, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của toà án…
Bên cạnh đó, lãnh đạo TANDTC hai nước đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của mỗi bên về đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán, Thư ký; kinh nghiệm về áp dụng án lệ; tổ chức lực lượng cảnh sát tư pháp... Hiện nay, Trung Quốc và Việt Nam đều có Học viện Tòa án, đây chính là điều kiện để hai bên trao đổi, hợp tác lẫn nhau trong vấn đề đào tạo cán bộ Tòa án, đồng thời mở ra cơ hội mới để Tòa án hai nước hợp tác toàn diện về mọi mặt.
Kết thúc buổi hội đàm, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa chúc chuyến công tác của Đoàn đại biểu TANDTC Trung Quốc tại Việt Nam thành công tốt đẹp. Chúc tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam - Trung Quốc nói chung, Toà án hai nước nói riêng ngày càng phát triển, bền vững.
Chiều cùng ngày, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Việt Nam Trương Hòa Bình sẽ tiếp xã giao Đoàn đại biểu TANDTC Trung Quốc và mở tiệc chiêu đãi Đoàn.