TANDTC triển khai Nghị quyết về Tổ chức phiên tòa trực tuyến

Mai Thoa| 15/12/2021 12:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 15/12, TANDTC đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triền khai Nghị quyết 33/2021/QH15 của Quốc hội về Tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Tới dự có đại diện lãnh đạo Bộ Công an, VKSNDTC, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ TT & TT, Liên đoàn luật sư Việt Nam... và đại diện các cơ quan của Quốc hội.

chanh-an.jpg
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Chánh án TANDTC phát biểu tại hội nghị.

Đảm bảo tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Chánh án TANDTC cho biết: Ngày nay, với sự phát triển rất nhanh của công nghệ thông tin đã mang lại nhiều cơ hội nâng cao hiệu quả hoạt động của quản trị quốc gia và thực thi công lý trên thế giới. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự biến đổi không ngừng của công nghệ số đã và đang tạo điều kiện thuận lợi, làm thay đổi sâu sắc hoạt động của Tòa án.

Thực tiễn quốc tế cho thấy, các nước có nền khoa học công nghệ phát triển (như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Xinh-ga-po…) đã chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tư pháp. Từ cung cấp dịch vụ hành chính tư pháp trực tuyến; tống đạt điện tử; cung cấp, tiếp nhận chứng cứ điện tử, trực tuyến… đến xét xử trực tuyến đều được các quốc gia này thực hiện một cách thường xuyên và dần thay thế hoạt động tố tụng truyền thống. Đây là xu thế toàn cầu.

Bên cạnh đó, thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố phải áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội. Do đó, hoạt động xét xử của Tòa án cũng bị ảnh hưởng; nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định; một số vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch nên không thể trực tiếp tham gia phiên tòa.

Để thích ứng với trạng thái bình thường mới, đòi hỏi chúng ta phải đổi mới phương thức quản trị quốc gia. Ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển xã hội số, kinh tế số là giải pháp sáng suốt hiện nay. Theo đó, Quốc hội, Chính phủ cũng phải tổ chức họp và điều hành một số hoạt động của mình qua phương thức trực tuyến. Tòa án tất yếu áp dụng xét xử trực tuyến nhằm khẩn trương đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn luật định, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định trật tự an toàn xã hội và bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh.

Nghiên cứu pháp luật hiện hành cho thấy, các đạo luật về tố tụng tư pháp đã có một số quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến, tạo cơ sở bước đầu cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Một số Tòa án khi tổ chức phiên tòa hình sự xét xử vụ án xâm hại tình dục, vụ án tham nhũng và một số vụ án khác có nhiều người tham gia tố tụng đã cho Luật sư, bị hại, người làm chứng… tham gia phiên tòa tại phòng khác với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử.

hoi-truong.jpg

Với những lý do nêu trên và trên cơ sở các quan điểm, định hướng của Đảng về đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, TANDTC đã đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 12/11/2021, Quốc hội đã biểu quyết thống nhất ban hành Nghị quyết số 33/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định: Sự ra đời của nghị quyết đóng góp rất quan trọng vào việc: Bảo đảm tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân có liên quan;

Tạo cơ chế thuận lợi để bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa. Giảm thiểu thời gian cho người dân, cơ quan, tổ chức khi tham gia phiên tòa và do đó tiết kiệm chi phí xã hội; Góp phần nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động của Tòa án, bảo đảm từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu thế quốc tế, là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử.

Đã sẵn sàng triển khai phiên tòa trực tuyến

Phát biểu về kế hoạch triển khai nghị quyết, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết: Sau khi Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến được ban hành, thời gian qua   Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động liên quan đến công tác tổ chức thi hành, cụ thể:

Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định số 512a/QĐ-TANDTC ngày 19/11/2021 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến trong đó: Giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc TANDTC, Học viện Tòa án, các Tòa án, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trực, các cơ quan, bộ, ngành có liên quan nhằm đảm bảo triển khai thi hành Nghị quyết kịp thời, thống nhất và hiệu quả. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về việc thi hành Nghị quyết.

anh-du.jpg
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du phát biểu tại hội nghị.

Yêu cầu các đơn vị, Tòa án tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao; tổ chức việc triển khai thực hiện Nghị quyết bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả.

Cùng  với đó, xây dựng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết; rà soát sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Phó Chánh án Nguyễn Văn Du cũng cho biết, tại Hội nghị này, TANDTC cũng tổ chức lễ ký Thông tư liên tịch với VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp về “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến”. Việc ban hành Thông tư liên tịch này, có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác tổ chức thi hành phiên tòa trực tuyến vào ngày 01/01/2022 tới đây.

 TANDTC cũng đã chỉ đạo, chuẩn bị tổ chức 03 phiên tòa mẫu để các Tòa án học tập, tham khảo. Trong đó, 01 phiên tòa mẫu xét xử phúc thẩm vụ án hình sự: Điểm cầu trung tâm tại TAND cấp cao tại Hà Nội được kết nối với điểm cầu thành phần tại TAND tỉnh Lạng Sơn.

Một phiên tòa mẫu xét xử sơ thẩm vụ án hình sự: Điểm cầu trung tâm tại TAND tỉnh Bắc Giang được kết nối với điểm cầu thành phần tại Trại tạm giam công an tỉnh Bắc Giang;

Một phiên tòa mẫu xét xử sơ thẩm vụ án hành chính: Điểm cầu trung tâm tại TAND thành phố Hải phòng được kết nối với điểm cầu thành phần tại trụ sở Ủy ban nhân dân (người bị kiện).

Hội nghị cũng đã tiến hành Lễ ký Thông tư liên tịch với VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp về “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến”.

Tại hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng đã trao tặng Bằng khen đối với các tập thể, cá nhân trong công tác xây dựng Nghị quyết về Tổ chức phiên tòa trực tuyến.

tap-the-.jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trao tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân trong công tác xây dựng Nghị quyết.

Danh sách tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen:

1.Ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XV.

2. Ông Nguyễn Danh Tú, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XV.

3. Ông Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam.

4. Ông Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam VIA.

5. Bà Nguyễn Phương Thuỷ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội.

6. Bà Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

7. Đại tá. PGS.TS. Trần Nguyễn Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp Bộ Công an.

8. Ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tư pháp Văn phòng Quốc hội.

9. Bà Nguyễn Thị Hồng Chương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Quốc hội.

10. Bà Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự Bộ Tư pháp.

11. Bà Phạm Thị Thùy Linh, Trưởng phòng Phòng Pháp luật hình sự Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

12. Trung tá Nguyễn Huy Hùng, Trưởng phòng 2 Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

13. Ông Nguyễn Lương Hoà, Chuyên viên cao cấp Vụ Pháp luật Văn phòng Quốc hội.

14. Ông Nguyễn Bằng Phi, Chuyên viên chính Vụ Tư pháp Văn phòng Quốc hội.

15. Bà Quản Thị Ngọc Thảo, Chuyên viên chính Vụ Tư pháp Văn phòng Quốc hội.

16. Ông Tào Duy Tùng, Chuyên viên chính Vụ Tư pháp Văn phòng Quốc hội

17. Bà Bùi Bích Phương, Chuyên viên Vụ Tư pháp Văn phòng Quốc hội.

18. Bà Phạm Thị Dinh, Chuyên viên Vụ Tư pháp Văn phòng Quốc hội.

19. Bà Chu Thu Hiền, Chuyên viên Ủy ban xây dựng pháp luật và Ủy ban bảo vệ quyền lợi luật sư thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

20. Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC.

21. Phòng Nghiên cứu Pháp luật hình sự, hành chính, gia đình và người chưa thành niên Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TANDTC triển khai Nghị quyết về Tổ chức phiên tòa trực tuyến