Ngày 16/6, tại Hà Nội, TANDTC tổ chức Hội nghị chuyên đề công tác Tòa án. Hội nghị tiến hành tiến hành sơ kết công tác của các Tòa án từ đầu năm 2024 đến nay và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ; các đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC: Nguyễn Văn Du, Nguyễn Văn Tiến, Chánh án TAQS Trung ương Dương Văn Thăng, Phạm Quốc Hưng.
Cùng dự có các đồng chí trong Ban cán sự đảng, Hội đồng Thẩm phán TANDTC; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc TANDTC; Chánh án TAND cấp cao, Chánh án TAND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, với số lượng công việc rất lớn, thời điểm này phù hợp để tổ chức đánh giá lại những công việc đã làm; đồng thời, trong năm 2025 hệ thống Tòa án có nhiều công việc cần triển khai nên công tác chuẩn bị cần dự định ngay từ bây giờ. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị về triển khai Đại hội các cấp và hệ thống Tòa án cũng cần chuẩn bị những nội dung liên quan như về nhân sự, kiểm đếm công việc. Cũng trong năm 2025, TAND tiến hành kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống TAND (13/9/1945 - 13/9/2025).
Liên quan Luật Tổ chức TAND, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết rất nhiều nội dung mới cần triển khai xoay quanh Luật này và có nhiều ảnh hướng rất lớn tới hoạt động và tổ chức của toàn hệ thống. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng trụ sở TAND các cấp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp tiếp tục cần được đẩy nhanh. Đây là những chủ trương lớn của Ban cán sự đảng TANDTC. Trên các tinh thần đó, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, đưa ra những ý kiến có ý nghĩa tham góp tích cực cho hệ thống.
Theo Báo cáo tại hội nghị, để chủ động triển khai các nhiệm vụ công tác năm 2024, ngay từ đầu năm, Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC đã kịp thời ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các TAND. Trên cơ sở đó, các Tòa án đã khẩn trương xây dựng, đề ra chương trình, kế hoạch công tác với các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể và tổ chức thực hiện quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, yêu cầu mà Nghị quyết của Quốc hội và của TAND đề ra.
Cụ thể, 9 tháng qua, các Tòa án đã thụ lý 504.816 vụ việc, đã giải quyết được 316.403 vụ việc, đạt tỷ lệ 62,68%. So với cùng kỳ năm trước, số vụ án đã thụ lý tăng 39.635 vụ (tăng 8,5%); đã giải quyết tăng 28.907 vụ (tăng 10%). Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,82%, đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Nhìn chung, công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Việc tranh tụng tại phiên tòa được chú trọng theo hướng thực chất, hiệu quả.
Về xây dựng pháp luật, TANDTC đã hoàn thiện và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Hồ sơ Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên và Dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng; phối hợp với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7; xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Phá sản sửa đổi; phối hợp bộ ngành có liên quan xây dựng 11 dự án luật.
Việc triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp được các Tòa án quan tâm thực hiện nghiêm túc. Hiện nay, TANDTC đang khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện các Đề án được giao nhằm thực hiện nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng chế định tố tụng tư pháp công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Đối với công tác tổ chức cán bộ: Đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công chức có chức danh tư pháp tiếp tục được kiện toàn, bổ sung về số lượng và nâng cao về chất lượng. Tính đến nay, tổng số biên chế Tòa án nhân dân các cấp có 14.007 người (6.706 Thẩm phán, 02 Thẩm tra viên cao cấp và tương đương, 399 Thẩm tra viên chính và tương đương, 6.501 Thẩm tra viên và tương đương, 81 viên chức và 318 chức danh khác).
Chánh án TANDTC đã trình Chủ tịch nước phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán đối với 414 trường hợp; chưa bổ nhiệm lại Thẩm phán đối với 04 trường hợp. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý tiếp tục được quan tâm; công tác tuyển dụng, điều động, luân chuyển, biệt phái được thực hiện theo đúng quy định. TANDTC đã tổ chức thành công kỳ thi nâng ngạch năm 2023; đồng thời xây dựng và trình Chánh án TANDTC ban hành Kế hoạch thi tuyển chọn, nâng ngạch Thẩm phán năm 2024.
Công tác thi đua khen thưởng tiếp tục được đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các TAND. Hoàn thiện, trình Chánh án ký ban hành Thông tư quy định công tác thi đua, khen thưởng của TAND. Công tác khen thưởng được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm khen đúng đối tượng, thành tích theo quy định.
Công tác tuyên truyền, xây dựng điển hình tiên tiến được chú trọng; chủ động phát hiện, nêu gương và nhân rộng gương người tốt việc tốt, cá nhân điển hình tiên tiến, vinh danh Thẩm phán giỏi, Thẩm phán tiêu biểu, Thẩm phán mẫu mực, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, góp phần động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ, Thẩm phán TAND nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác của các TAND thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót; một số công chức có chức danh tư pháp chưa thận trọng trong nghiên cứu, thu thập, đánh giá chứng cứ, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm công tác, phương pháp làm việc chưa khoa học nên hiệu quả chưa cao.
Từ đầu năm 2024 đến nay, các Tòa án phải triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng một số chỉ tiêu chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Trong thời gian tới, để đảm bảo đạt các chỉ tiêu công tác, TANDTC sẽ tiếp tục chỉ đạo các Tòa án tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực đổi mới, sáng tạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp đột phá, hiệu quả, sát với thực tế nhằm nâng cao hiệu quả các mặt công tác của Tòa án để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc TANDTC và Chánh án TANDTC một số địa phương đã trình bày tham luận; thông qua các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đơn vị, Chánh án các địa phương; đồng thời biểu dương các đơn vị đã đoàn kết, tập trung đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, tính đến thời điểm này, chỉ còn chưa đầy 04 tháng là kết thúc năm công tác 2024; trong khi đó, các mặt công tác còn phải giải quyết còn nhiều. Vì vậy, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và các chỉ tiêu, yêu cầu mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra, Chánh án Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các đơn vị bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị của Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC.
Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án từ nay đến cuối năm 2024 được xác định: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Nghị quyết của Quốc hội. Khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn xét xử do nguyên nhân chủ quan; bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của Tòa án các cấp khi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự Chánh án Tòa án địa phương có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp ủy cùng cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Đa dạng các hình thức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, giải đáp vướng mắc, đối thoại bằng hình thức trực tuyến; chú trọng đào tạo thông qua việc rút kinh nghiệm công tác xét xử; Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; Quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở của các Tòa án, trang bị phòng xét xử trực tuyến đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Chủ động mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là quan hệ song phương với các nước, các đối tác chiến lược, quan trọng và các nước trong khu vực. Thực hiện tốt các dự án hỗ trợ kỹ thuật, tranh thủ nguồn tài trợ để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án.
Tích cực triển khai phong trào thi đua “Vì công lý” bảo đảm thực chất, sáng tạo. Tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào thi đua và thực hiện bình xét, đề nghị khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác. Ban hành Kế hoạch và tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Tòa án nhân dân (13/9/1945-13/9/2025) đảm bảo thiết thực, đúng quy định.