Ngày 17/9, tại TP HCM, TANDTC tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện công tác phát triển án lệ và lấy ý kiến đối với các dự thảo án lệ. Đến dự và chủ trị Hội nghị có đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC.
Tham dự Hội nghị còn các Phó Chánh án, Thẩm phán TANDTC, lãnh đạo TAND cấp cao tại TP HCM, lãnh đạo TAND hai cấp các tỉnh thành phía Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, các luật sư…
Đến dự và trình bày tham luận tại Hội nghị còn có Đoàn công tác của tổ chức JICA do bà Tsukabe Takako, Cố vấn trưởng Dự án JICA làm Trưởng đoàn.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, số án lệ được ban hành trong thời gian qua còn ít, chưa tương xứng với kỳ vọng của TANDTC. Vì vậy, trong thời gian tới, hệ thống Tòa án tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu những bản án, quyết định có thể phát triển thành án lệ; nâng cao chất lượng các bản án, quyết định của Tòa án, tạo nguồn để phát triển án lệ; với kỳ vọng trong 1 năm phải xuất bản được ít nhất từ 2 đến 3 sách về án lệ. Đồng thời, TANDTC cũng yêu cầu các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án nâng cao nhận thức, kiến thức về giá trị pháp lý và ý nghĩa của án lệ trong việc giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc hội nghị
Theo dự thảo Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện công tác phát tiển án lệ, sau khi Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP có hiệu lực thi hành, năm 2016 và 2017, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học - đơn vị thường trực giúp việc cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Chánh án TANDTC trong công tác phát triển án lệ đã tổ chức rà soát gần 6.000 bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, đề xuất lựa chọn các bản án, quyết định làm nguồn để phát triển thành án lệ; đã thực hiện các thủ tục theo quy trình lựa chọn án lệ như tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học; tổ chức họp Hội đồng tư vấn án lệ, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cho ý kiến đối với các bản án, quyết định đề xuất lựa chọn phát triển thành án lệ; dự thảo án lệ trình Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua; triển khai việc công bố án lệ để các Tòa án áp dụng thống nhất trong toàn quốc.
Ngày 06/4/2016, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã lựa chọn, ban hành được 06 án lệ đầu tiên. Cho tới nay, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành được 16 án lệ, trong đó có 01 án lệ về hình sự, 01 án lệ về hành chính và 14 án lệ về dân sự. Ngay sau khi được công bố, các án lệ đã được đăng trên Tạp chí Toà án nhân dân, Trang tin điện tử về án lệ của TANDTC; được gửi cho các Toà án để các Thẩm phán kịp thời nghiên cứu, áp dụng án lệ.
Trong không khí thẳng thắn, cởi mởi, Hội nghị đã nghe gần 20 ý kiến đóng góp của các Thẩm phán, luật sư, nhà khoa học, chuyên gia pháp lý trong và ngoài nước phát biểu về việc xây dựng và áp dụng án lệ.
Theo đó, qua 3 năm thực hiện, án lệ đã từng bước đi vào đời sống pháp lý của đất nước, phát huy hiệu quả và được đón nhận tích cực. Các án lệ được công bố đã phần nào đáp ứng được mong đợi của người dân đặc biệt là giới luật sư, nhà khoa học và những người làm công tác pháp luật. Các ý kiến đều đánh giá cao về các án lệ được công bố, nội dung án lệ đã khắc phục được các khiếm khuyết của pháp luật, tạo tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của Tòa án.
Đến nay, TANDTC đã ban hành được 16 bản án lệ. Thực tiễn xét xử cho thấy những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự như tình tiết, sự kiện pháp lý trong án lệ đã được các Thẩm phán giải quyết theo đúng đường lối xét xử mà án lệ đưa ra.
Quá trình triển khai nhiệm vụ cũng đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc. Theo đại diện Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, một số Tòa án chưa quan tâm đúng mức đến việc rà soát, phát hiện các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để đề xuất phát triển thành án lệ nên còn chậm trễ trong việc gửi báo cáo kết quả rà soát, phát hiện các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để đề xuất phát triển thành án lệ về TANDTC. Trong 3 năm triển khai thực hiện, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học mới nhận được 44 bản án, quyết định được đề xuất phát triển thành án lệ.
Sau khi các án lệ được công bố, nhiều Thẩm phán còn e ngại, lúng túng trong việc áp dụng, viện dẫn án lệ dẫn đến việc viện dẫn án lệ không thống nhất, thậm chí nhiều Thẩm phán không viện dẫn án lệ trong bản án, quyết định của mình mà chỉ xét xử theo đường lối mà án lệ đưa ra. Ngoài ra, có nhiều ý kiến cho rằng quy trình rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất, phát triển thành án lệ được hướng dẫn tại Điều 3 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP còn rườm rà, phức tạp, chưa hiệu quả.
Do đó, hầu hết các đại biểu đều đồng tình với dự thảo Báo cáo sơ kết 3 năm theo hướng sửa đổi Nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC theo như phương hướng đã đề ra tại Báo cáo.
Quang cảnh hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao tinh thần làm việc của các đại biểu tham dự Hội nghị. Nhiều ý kiến, tham luận đóng góp rất thiết thực, mang tính xây dựng cao.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, việc xây dựng và vận dụng án lệ là việc đổi mới nhận thức, chuyển đổi từ tập quán cũ sang tập quán mới trong việc áp pháp luật là công nhận và áp dụng án lệ. Mặc dù công tác xây dựng, áp dụng án lệ còn hạn chế nhưng đây là điều khó tránh khỏi vì đối với chúng ta còn quá mới. Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này được tiến hành trong bối cảnh chưa có thực tiễn để tham khảo mà chủ yếu dựa vào việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn hướng đi phù hợp nhất với tình hình thực tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, các bản án, quyết định của Tòa án được ban hành trước đó không nhằm mục đích để phát triển thành án lệ nên còn thiếu những lập luận, phân tích mang tính khái quát có giá trị áp dụng để giải quyết các vụ việc tương tự; cách thức viết bản án, quyết định còn có những bất cập, chưa phân tích, làm rõ những căn cứ pháp lý để Tòa án ra phán quyết; từ đó làm ảnh hưởng đến việc đề xuất, lựa chọn bản án, quyết định để phát triển thành án lệ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc số lượng các bản án, quyết định được lựa chọn, công bố là án lệ trong thời gian qua chưa nhiều, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xét xử.
Thay mặt lãnh đạo TANDTC, Chánh án Nguyễn Hòa Bình tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu và mong rằng trong thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng và áp dụng án lệ đi vào bài bản. Mỗi năm, phải xuất bản ít nhất 2-3 quyển án lệ. Và trong tương lai, công tác phát triển án lệ trở thành nhu cầu, không chỉ dừng lại 2-3 quyển án lệ hàng năm mà con số sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.