Từ ngày 27-28/9, tại TP HCM, TANDTC phối hợp với Quỹ Hợp tác pháp luật quốc tế Đức (IRZ) tổ chức Hội thảo về áp dụng tập quán trong xét xử các vụ việc dân sự.
Hội thảo về áp dụng tập quán trong xét xử các vụ việc dân sự khai mạc sáng nay (27/9)
Tham dự và chủ trì Hội thảo có ông Chu Xuân Minh, Thẩm phán TANDTC; ông Trần Văn Thư, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC cùng đại diện lãnh đạo TAND các tỉnh phía Nam.
Về phía Đoàn IRZ do bà Angela Schmeink, Giám đốc khu vực châu Á, Trưởng Văn phòng Berlin làm trưởng đoàn cùng sự tham gia của các Thẩm phán Tòa án khu vực Berlin.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thẩm phán Chu Xuân Minh thay mặt TANDTC chào mừng các Thẩm phán Tòa án khu vực Berlin đến Việt Nam và cảm ơn sự phối hợp của Bộ Tư pháp và bảo vệ người tiêu dùng Đức và Viện Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật trong việc tổ chức Hội thảo.
Đây là hoạt động rất có ý nghĩa trong bối cảnh hệ thống TAND đang nỗ lực tiến hành cải cách, hoàn thiện hệ thống tư pháp và pháp luật.
Thẩm phán Chu Xuân Minh cho biết, Nghị quyết số 48 ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến 2010 và định hướng đến 2020 đã xác định một trong những vấn đề trọng tâm của công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam là phải “xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; kết hợp hài hòa bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tính hiện đại của hệ thống pháp luật”. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 48 đã nêu rõ phải “hoàn thiện pháp luật về hợp đồng theo hướng tôn trọng thỏa thuận của các bên giao kết hợp đồng, không trái đạo đức xã hội, không xâm phạm trật tự công cộng, phù hợp với tập quán, thông lệ quốc tế”.
Quang cảnh hội thảo
Hiện nay, tập quán được nhiều quốc gia công nhận là một hình thức pháp luật và được nhà nước bảo đảm thực hiện. Trên thực tế, việc sử dụng tập quán có ý nghĩa tích cực khi nó có khả năng thay thế sự điều chỉnh của pháp luật trong những phạm vi nhất định, trong một số quan hệ xã hội, đồng thời tập quán còn có vai trò bổ sung cho pháp luật trong những điều kiện nhất định.
Khi tập quán được coi như là một nguồn luật thì đó là tập quán pháp.
Tập quán pháp có thể là nguồn của pháp luật nội dung, cũng có thể là nguồn của pháp luật tố tụng. Nội dung của tập quán pháp chứa đựng hoặc là những quy định về xử xự hoặc những quy định về xử lý nhưng có ý nghĩa giống nhau là rút ra được những kết luận, và cuối cùng là những phán quyết.
Tại Việt Nam, việc áp dụng tập quán pháp đã có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài qua các thời kỳ lịch sử. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, cơ sở pháp lý cho công việc công nhận và áp dụng tập quán còn không ít hạn chế. Hơn nữa, việc áp dụng tập quán trong thực tiễn xét xử cũng gặp không ít khó khăn.
Mặc dù, tập quán không phải là một vấn đề mới ở Việt Nam, bên cạnh những ưu điểm, các quy định hiện hành liên quan đến tập quán pháp còn bộc lộ một số hạn chế cơ bản, đó là: thiếu những quy định cần thiết; còn nhiều quy định chưa rõ ràng, và còn có những quy định chưa hợp lý.
Quy định về áp dụng tập quán vào giải quyết vụ việc dân sự đã có từ lâu. Tuy nhiên, chưa có việc tổng kết kinh nghiệm áp dụng tập quán vào xét xử.
Quy định mới của pháp luật về việc Tòa án không được quyền từ chối giải quyết vụ việc dân sự với lý do chưa có luật áp dụng càng đòi hỏi phải tăng cường việc nghiên cứu, hướng dẫn áp dụng tập quán vào xét xử.
Thẩm phán Chu Xuân Minh cho rằng, cùng với kết quả của hội thảo này, cần có chương trình nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn để tiến tới xây dựng một nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán về áp dụng tập quán pháp vào giải quyết vụ việc dân sự trong thời gian tới.
Hội thảo sẽ nghe các chuyên gia pháp lý Việt Nam và Đức trình bày, thảo luận cũng như chia sẻ kinh nghiệm về tập quán trong hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam và tập quán pháp trong tài phán. Đặc biệt là áp dụng tập quán pháp trong công tác xét xử ở Việt Nam – Những khó khăn, bất cập và giải pháp.