TANDTC tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự thảo Đề án đổi mới tổ chức bộ máy TAND

Mạnh Hùng| 31/05/2021 18:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 31/5, TANDTC đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về góp ý dự thảo Đề án đổi mới tổ chức bộ máy TAND tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII của Đảng đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình - Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì Hội nghị.

8a1acfed-798c-4f14-97d4-89669c496edc(1).jpeg
Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự còn có ông Nguyễn Trí Tuệ, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đề án; ông Nguyễn Văn Du, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC; ông Nguyễn Văn Tiến, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC; Lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC và tại điểm cầu trung tâm còn có Chánh án và Trưởng phòng Tổ chức-cán bộ TAND các tỉnh.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, Bộ Chính trị giao Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC xây dựng Đề án tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương VI khoá XII theo yêu cầu tinh gọn, nhưng phải hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là bước đầu tiên để xây dựng lộ trình cải cách tư pháp mới 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 theo tinh thần Nghị quyết 49.

Theo đó sẽ có 2 giai đoạn, từ nay đến 2022 nhằm cải cách nội bộ, sơ bộ, thí điểm. Sau năm 2022, tiến hành xác định lại địa vị pháp lý, hoạt động, nội dung, tố tụng.

Thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị giao, Ban cán sự đảng TANDTC đã thành lập Ban chỉ đạo nghiên cứu đề án, TANDTC là cơ quan chủ trì, thành viên Ban chỉ đạo có sự tham gia của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, tất cả các Ban đảng Trung ương, và các cơ quan liên quan.

Trong thời gian qua, Ban chỉ đạo đã làm việc rất tích cực, hiệu quả và đang trong quá trình hoàn thiện Đề án. Đề án này sẽ được báo cáo Bộ Chính trị vào cuối tháng 7/2021, đây là một cơ hội quý để Toà án có được quyết định quan trọng tiến tới đổi mới toàn diện bộ máy, đồng thời cũng là cơ hội để tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn.

Trong buổi thảo luận đã có hơn 20 ý kiến của Chánh án các tỉnh, thành được đưa ra. Hầu hết các ý kiến đều đồng tình, nhất trí cao với Đề án, và góp ý nhiều nội dung quan trọng về tổ chức Toà án; một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của TAND theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; những yêu cầu mới đặt ra trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của TAND trong thời gian tới.

4c6b5c64-c9ea-4ed0-89a3-10c92a57363e(1).jpeg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình phát biểu tại Hội nghị

Cụ thể, tại điểm cầu TAND TP Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP Hà Nội cho biết, ông hoàn toàn nhất trí với việc xây dựng Đề án đổi mới tổ chức bộ máy TAND tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc xây dựng triển khai và thực hiện Đề án thể hiện sự quyết tâm của Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC trong việc thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Đây là giải pháp đột phá quan trọng để giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án trong bối cảnh hiện nay, góp phần bảo vệ công lý, quyền con người và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước.

Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cũng nhất trí với việc tách nhiệm vụ xem xét, giải quyết các văn bản yêu cầu đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm về lĩnh vực hành chính ra khỏi Vụ I để thành lập Vụ Giám đốc kiểm tra về hành chính (Vụ IV) để đảm bảo tính chuyên sâu…

Đối với phần tổ chức bộ máy của TAND cấp tỉnh, Chánh án Nguyễn Hữu Chính đề nghị xem xét lại một số nội dung như: Có sự chưa thống nhất trong quy định tại mục 1.1. phần II về tổ chức bộ máy của TAND cấp tỉnh; Tại các Tòa chuyên trách không có quy định về số lượng lãnh đạo cấp phó nhưng tại phần bộ máy giúp việc lại quy định cụ thể số lượng lãnh đạo cấp phó. Đề nghị quy định để đảm bảo tính đồng bộ.

Và cần bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ của một số phòng như: Văn phòng cần bổ sung thêm chức năng quản lý trang Thông tin điện tử của TAND tỉnh; tham mưu Chánh án TAND cấp tỉnh giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng (trong đó, thẩm quyền tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được quy định tại theo Quyết định số 345/2016/QĐ-CA ngày 07/4/2016 của Chánh án TANDTC về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh)…

888d34ed-4e07-4681-ae6a-eb46f5f475c7.jpeg
Ông Nguyễn Hữu Chính đóng góp ý kiến từ điểm cầu TAND TP Hà Nội

Đối với phần tổ chức của TAND cấp huyện, Chánh án Nguyễn Hữu Chính cho rằng về cơ bản nhất trí với chủ trương sáp nhập một số TAND cấp huyện dựa trên các tiêu chí: số lượng án, biên chế và địa giới hành chính. Đây là giải pháp cần thiết, giúp giảm tình trạng nơi thừa Thẩm phán, nơi thiếu Thẩm phán, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của TAND cấp huyện.

Tuy nhiên, nếu chỉ tiến hành sáp nhập Tòa án ở một số huyện còn các cơ quan tiến hành tố tụng khác như Cơ quan điều tra, VKS không tiến hành sáp nhập thì có thể dẫn đến một số vướng mắc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử khi Cơ quan điều tra, VKS vẫn thực hiện nhiệm vụ theo địa giới hành chính, còn Tòa án khi xét xử không phụ thuộc địa giới hành chính. Và có thể phải sửa đổi một số Luật như: BLTTHS, BLTTDS, LTTHC…

Bên cạnh đó, trong trường hợp hai đơn vị cấp huyện có địa bàn rộng mà được sáp nhập thì có thể người dân khi nộp đơn, khi tham gia hoạt động tố tụng phải đi lại một quãng đường từ huyện này đến huyện kia rất xa, sẽ tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí đi lại hơn.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Theo Chánh án Nguyễn Hoà Bình, Hội nghị có những ý kiến có tính chất gợi mở, như việc thi hành án hiện nay chưa có đề án thì nên được đưa vào. Các địa phương phải tăng cường nhận đơn qua Internet, khuyến khích người dân gửi đơn thư qua mạng, trả kết quả qua mạng. Nếu trực tiếp phải di chuyển, người dân nên gửi qua bưu điện. Tiến hành thí điểm xét xử một số loại án qua mạng như án hành chính đang thí điểm tại một số đơn vị. Tiến tới xét xử tất cả các loại án (trừ án hình sự) sau khi xây dựng Tòa án điện tử.

Bên cạnh đó, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cũng đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, đưa ra các đề xuất mới mang tính đột phá, góp phần hoàn thiện Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của TAND bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua về tổ chức, hoạt động của bộ máy TAND, góp phần xây dựng một nền tư pháp “trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, đáp ứng những đòi hỏi của quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TANDTC tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự thảo Đề án đổi mới tổ chức bộ máy TAND