Ngày 22/4, Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan có liên quan tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ban Cán sự đảng TANDTC kết nối Hội nghị trực tuyến với điểm cầu trung tâm Hội trường Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu trung tâm có đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.
Dự tại điểm cầu TANDTC (43 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội) có các đồng chí Phó Chánh án TANDTC: Nguyễn Trí Tuệ, Phạm Quốc Hưng; Các đồng chí thành viên Hội đồng Thẩm phán, Ban Thường vụ Đảng ủy, Công đoàn TANDTC; Trợ lý, Thư ký Chánh án TANDTC, cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc TANDTC.
Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, bởi Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị mang tầm chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đó, Hội nghị có mục đích tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nghiêm túc Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đến các Ban, Bộ, Ngành liên quan ở Trung ương và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nhằm triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Hội nghị nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cũng như trong vùng đồng bằng sông Cửu Long để sớm đưa Nghị quyết quan trọng này vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với đó, Hội nghị cũng thể hiện tinh thần nghiêm túc, ý chí và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong việc đổi mới xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, một vùng có ý nghĩa chiến lược, không chỉ đối với các vùng mà còn đối với cả nước.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương báo cáo những nội dung chủ yếu Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tham luận của các đại biểu đại diện các Bộ, ngành, địa phương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban dân tộc, Bộ Quốc phòng, các tỉnh, thành phố trong vùng: Thành phố Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp...).
Theo thông tin từ Ban Kinh tế Trung ương, sau 18 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và 9 năm thực hiện Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI cho thấy Vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có bước phát triển khá toàn diện nhưng cũng bộc lộ những khó khăn, hạn chế và thách thức mới.
Để thúc đẩy sự phát triển của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Chính trị đã đề ra những quan điểm, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp mới có tính đột phá cho phát triển của Vùng thời gian tới, thể hiện ở những điểm căn bản đó là: Phát triển Vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành Vùng phát triển hiện đại, sinh thái, văn minh và bền vững.