Vừa qua, đồng chí Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án TANDTC cùng Đoàn đại biểu TANDTC đã tham dự Hội nghị Chánh án các nước Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 18, được tổ chức trực tuyến do Tòa án tối cao Hồng Kông đăng cai.
Hội nghị Chánh án các nước Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 18 diễn ra trong 2 ngày từ 16-17/11/2022. Đồng chí Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án TANDTC Việt Nam đã có bài phát biểu nhận được sự đánh giá cao của đại biểu tham dự hội nghị.
Hội nghị Chánh án các nước châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức định kỳ hai năm một lần, bắt đầu từ năm 1985 tại Malaysia, là diễn đàn quan trọng để Chánh án, Thẩm phán và các quan chức cấp cao trong lĩnh vực tư pháp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án.
Hội nghị lần này có sự tham dự của gần 25 đoàn đại biểu, gồm Chánh án, Thẩm phán TATC các nước.
Hội nghị có bốn phiên làm việc tương ứng với bốn chủ đề: Đối mặt với chỉ trích từ bên ngoài và tương tác với người dân; Quản lý án trong bối cảnh đương đại; Nâng cao vị thế tòa án gia đình; Đào tạo tư pháp.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chánh án Andrew Cheung (Đặc khu Hành chính Hong Kong (CHND Trung Hoa) cho biết, những nguồn thông tin là các quan điểm của mỗi đại biểu có ý nghĩa quan trọng, đồng thời giúp chúng ta thay đổi trong đạo đức tư pháp.
Theo Chánh án Andrew Cheung, với thời điểm hiện nay, mạng xã hội có tác động rất lớn, mặc dù nền tảng đó đưa và cung cấp thông tin nhanh hơn nhưng lại làm Tòa án dễ dàng chịu những chỉ trích từ bên ngoài, cũng như từ phía dư luận.
Chánh án Andrew Cheung cho rằng, việc để các Thẩm phán có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm của mình, cũng như học hỏi kinh nghiệm từ Thẩm phán đến từ các quốc gia khác sẽ đem lại hiệu quả lớn hơn rất nhiều. Sự quan trọng của việc hợp tác không chỉ đơn thuần dừng lại ở các chủ đề, nội dung liên quan đến Tòa án mà rất nhiều khía cạnh khác trong lĩnh vực này.
Với chủ đề “Đối mặt với chỉ trích từ bên ngoài và tương tác với người dân”, Hội nghị đã nghe Chánh án Raymond Mnyamezeli Mlungisi Zondo (Nam Phi); Thẩm phán Dhananjaya Y Chandrachud (Ấn Độ) trình bày. Bên cạnh đó, các đại biểu đã thảo luận về tăng cường lòng tin của dân chúng – Tòa án nên làm gì để tiếp cận người dân.
Tại phiên thảo luận hai, với nội dung “Quản lý án ở các tòa án phúc thẩm” và “Tăng cường thực thi công lý thông qua công nghệ và đổi mới”, Hội nghị được nghe các diễn giả đến từ các nước CHND Trung Hoa, Malaysia, CHDCND Lào, Hoa Kỳ, Bangladesh, Nepal… trình bày.
Phát biểu tại phiên làm việc thứ ba với nội dung “Nâng cao vị thế Tòa gia đình và người chưa thành niên và những bước đi tiếp theo để tăng cường củng cố hệ thống tư pháp bảo vệ người chưa thành niên tại Việt Nam”, Phó Chánh án TANDTC Việt Nam Phạm Quốc Hưng cho biết, bảo vệ và đảm bảo các điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện luôn là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia. Và ở hầu hết các quốc gia đều xác định bảo vệ trẻ em là một trong những ưu tiên hàng đầu và việc điều chỉnh các thủ tục tư pháp thân thiện là nhiệm vụ quan trọng.
Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là trong hoạt động tố tụng tư pháp góp phần thúc đẩy các biện pháp bảo vệ trẻ em, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhất là Công ước quốc tế quyền trẻ em.
Trong tiến trình cải cách tư pháp, năm 2016, Việt Nam đã thành lập “Tòa gia đình và người chưa thành niên”. Có thể nói, việc ra đời của Tòa gia đình và người chưa thành niên là dấu ấn quan trọng, chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em, xây dựng một hệ thống tư pháp trẻ em toàn diện mà Tòa gia đình và người chưa thành niên là trung tâm, với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Theo Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng, nhà nước Việt Nam luôn chăm lo và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có các quy định về tư pháp người chưa thành niên. Tuy vậy, qua tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật, TAND cũng nhận ra những bất cập, hạn chế, đặc biệt là Việt Nam hiện chưa có một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên, mà các quy định liên quan tới vấn đề này còn nằm ở nhiều đạo luật khác nhau, nên tính đồng bộ chưa cao, chưa thuận lợi cho quá trình áp dụng.
Nhu cầu nghiên cứu hình thành một đạo luật như vậy để có chính sách bảo vệ và hỗ trợ tốt nhất đối với người chưa thành niên, thực thi một quy trình tố tụng thân thiện để tránh tạo ra những tổn thương tiếp theo, tránh mặc cảm, mở rộng đường hoàn lương sau sai phạm cho các em là một đòi hỏi tất yếu đặt ra.
Tham gia các sự kiện của Hội nghị Chánh án các nước châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 18, Đoàn đại biểu TANDTC Việt Nam đã có nhiều hoạt động sôi nổi, góp phần quan trọng vào sự thành công của Hội nghị.