TANDTC phối hợp JICA tổ chức tọa đàm về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

Văn Vũ| 26/09/2016 15:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 26/9, TANDTC phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Tọa đàm nhằm tăng cường năng lực giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ.

Đến dự và chủ trì buổi tọa đàm có bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TANDTC, ông Sakai Naoki, Thẩm phán, Chuyên gia pháp lý Văn phòng dự án JICA cùng đại diện TAND các tỉnh thành phía Nam, Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ và luật sư của Việt Nam và Nhật Bản.

Phát biểu khai mạc, Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền khẳng định, sở hữu trí tuệ là sản phẩm tinh thần được hình thành từ chất xám của con người. Ngày nay, sở hữu trí tuệ càng có vai trò quan trọng đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc Quốc hội ban hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã đánh dấu bước phát triển mới, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

TANDTC phối hợp JICA tổ chức tọa đàm về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền chủ trì buổi Tọa đàm

Có thể nói rằng, hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành đã tạo hành lang pháp lý an toàn, khuyến khích các hoạt động sáng tạo, bảo hộ thành quả của lao động sáng tạo kết tinh tại các tài sản trí tuệ. Các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ đã đi vào cuộc sống và phát huy vai trò của nó. Các hoạt động thực thi của cơ quan có thẩm quyền, hoạt động tự bảo vệ quyền của các chủ thể đã có bước tiến bộ đáng kể, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn diễn ra đối với hầu hết các đối tượng được bảo hộ. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhận thức, hiểu biết trong công chúng, người có quyền và nghĩa vụ còn có những mặt hạn chế, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật không nghiêm. Mặt khác, bản thân Luật sở hữu trí tuệ cũng còn một số tồn tại, hạn chế, một số quy định chưa tương thích với pháp luật quốc tế và bộc lộ những hạn chế, bất cập từ thực tiễn thực thi trong những năm qua.

Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền cho biết, Giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ lại rất phức tạp vì về mặt bản chất, sở hữu trí tuệ là những kết tinh của giá trị tinh thần, phi vật thể, không thể cân đo, đong đếm theo phương pháp định tính được. Việc giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ của Tòa án còn có một số khó khăn, hạn chế nhất định.

Với mục đích tăng cường năng lực giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ cho đội ngũ Thẩm phán và cán bộ tòa án, TANDTC phối hợp với JICA tổ chức Tọa đàm nhằm cập nhật kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ từ các đại biểu, đặc biệt là từ các chuyên gia Nhật Bản. 

Thay mặt Lãnh đạo TANDTC, Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền cảm ơn JICA đã tài trợ tổ chức Tọa đàm này, cũng như đã và đang hợp tác chặt chẽ với TANDTC trong việc tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, Thẩm phán của hệ thống TAND; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác có hiệu quả của JICA trong thời gian tới.

Để buổi Tọa đàm diễn ra thành công, Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền đề nghị các đại biểu tham dự tích cực tham gia trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến.

TANDTC phối hợp JICA tổ chức tọa đàm về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

Các đại biểu tham gia ý kiến tại buổi Tọa đàm

Trong không khí thân mật, thẳng thắn, đóng góp ý kiến trên tinh thần xây dựng và cầu thị, các đại biểu đã nghe nhiều tham luận đánh giá, phân tích về thực tiễn cũng như cơ sở pháp lý trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam cũng như những kinh nghiệm giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ của Nhật Bản.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng, qua nghiên cứu thực tiễn xét xử các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án những năm vừa qua đã cho thấy một số hạn chế, bất cập trong thủ tục giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Trong bài tham luận của mình, sau khi phân tích cơ sở pháp lý, ông Tiến đã đưa ra nhiều vụ án trong thực tiễn xét xử của một số Tòa án còn “vướng”. Theo ông, một trong những nguyên nhân “vướng” này là hiện nay còn nhiều Thư ký, Thẩm tra viên, Thẩm phán của các Tòa án không được đào tạo chuyên sâu về pháp luật sở hữu trí tuệ. Từ đó, ông đưa ra 5 kiến nghị, trong đó có việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, Thẩm phán theo hướng chuyên sâu về sở hữu trí tuệ.

Đồng quan điểm, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục sỡ hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cho rằng, Việc giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ đòi hỏi Thẩm phán một mặt phải có kiến thức chuyên sâu về SHCN và mặt khác phải nắm vững quy trình xử lý đơn cũng như nguyên tắc đánh giá các điều kiện bảo hộ. Việc đánh giá các điều kiện bảo hộ của các đối tượng SHCN không đơn thuần như việc tính toán bằng công thức trong khoa học tự nhiên mà cần có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm nhất định, kể cả hiểu rõ thực tế thẩm định hiện đang áp dụng (áp dụng tương tự như tiền lệ).

TANDTC phối hợp JICA tổ chức tọa đàm về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục sỡ hữu trí tuệ - Bộ KH&CN trình bày tham luận

Bên cạnh đó, đối với các vụ việc tranh chấp trong thực thi quyền SHTT, cơ sở để kết luận có hay không có hành vi xâm phạm quyền SHTT cũng phải dựa vào kết quả đánh giá sự tương tự giữa đối tượng bị nghi ngờ xâm phạm và đối tượng được bảo hộ. Công việc này cũng tương tự như việc đánh giá các điều kiện bảo hộ của các đối tượng SHCN trong quá trình xác lập quyền. Ngoài ra, đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần do hành vi xâm phạm quyền SHTT gây ra, việc xác định giá trị thiệt hại thực tế và mức bồi thường thiệt hại cũng không hề dễ dàng và thường là vấn đề tranh luận gay gắt tại Tòa án.

Sau khi nêu và phân tích, đánh giá về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ từ góc nhìn thực tiễn, ông Lâm đưa ra một một số kiến nghị, trong đó, cần sớm thành lập Tòa chuyên trách về SHTT, tập trung các Thẩm phán được đào tạo về SHTT để thụ lý các vụ việc về SHTT, hạn chế việc luân chuyển Thẩm phán có năng lực chuyên môn về SHTT. Trong trường hợp việc lập Tòa chuyên trách về SHTT là chưa khả thi trong trung hạn thì cũng nên có Thẩm phán chuyên trách tại các Tòa án.

Phát biểu với tư cánh là người trực tiếp xét xử, Thẩm phán Phan Gia Quý, Chánh tòa Tòa Kinh tế TAND Tp Hồ chí Minh cho biết, Trong thực tế xét xử đã phát sinh nhiều vấn đề “độ vênh” giữa BLDS, BLTTDS và Luật SHTT nhất là các vấn đề về: Chi phí luật sư; Về buộc người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện biện pháp bảo đảm khi có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Về giới hạn mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Sau khi phân tích trên cơ sở thực tiễn giải quyết tranh chấp, Thẩm phán Phan Gia Quý kiến nghị cần sửa đổi Điều 205, Điều 207 và Điều 208 Luật SHTT 2005 cho phù hợp với BLTTDS 2015; Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ được quy định tại khoản 4 Điều 26, khoản 2 Điều 30 nên giao thẩm quyền giải quyết cho TAND cấp huyện giải quyết; Cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp với Tòa án có thẩm quyền trong việc giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ...

Tại buổi Tọa đàm các đại biểu cũng đã lắng nghe ý kiến đóng góp, thảo luận của đại diện TAND các tỉnh thành phía Nam, của luật sư Việt Nam. Đặc biệt là ý kiến đóng góp của các luật sư Nhật Bản về những kinh nghiệm đối với thẩm quyền, cơ chế giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Nhật Bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TANDTC phối hợp JICA tổ chức tọa đàm về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ