TANDTC họp Ban soạn thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)

Trần Minh Giang| 26/02/2015 10:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 25/2, TANDTC tổ chức cuộc họp Ban soạn thảo Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) để xin ý kiến các thành viên Ban soạn thảo và các chuyên gia, nhà khoa học nhằm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật gửi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra.

TANDTC họp Ban soạn thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)

Đồng chí Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi họp

Đồng chí Trương Hòa Bình, Chánh án TANDTC, Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi); đồng chí Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án Thường trực TANDTC, Phó Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật chủ trì buổi họp.

Sửa đổi, bổ sung nhiều vấn đề mới trong Dự thảo Luật

Phát biểu khai mạc buổi họp, đồng chí Trương Hòa Bình cho biết: Tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập và ý kiến của lãnh đạo TAND cấp tỉnh, các Thẩm phán TANDTC, các nhà khoa học, các Bộ, ngành liên quan, Thường trực Tổ biên tập đã chỉnh lý lại Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), dự thảo Tờ trình Quốc hội, xây dựng dự thảo Thuyết minh, Báo cáo đánh giá tác động và trình Thường trực Ban soạn thảo duyệt gửi hồ sơ dự án Luật xin ý kiến Chính phủ và các Bộ, ngành. Đồng chí Trương Hòa Bình mong muốn các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, các nhà khoa học, các Bộ, ngành hữu quan bổ sung các ý kiến để Ban soạn thảo Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện.

Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) gồm 21 Chương, 316 Điều. So với Luật Tố tụng hành chính hiện hành thì Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) tăng thêm 51 Điều, trong đó giữ nguyên 131 Điều; sửa đổi, bổ sung 134 Điều của Luật Tố tụng hành chính hiện hành và bổ sung 51 Điều mới. Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các khái niệm quyết định hành chính, hành vi hành chính để làm rõ và phù hợp với quy đinh của các luật có liên quan; khắc phục tồn tại, bất cập hiện nay trong thực tiễn xét xử của các Toà án. Dự thảo Luật cũng bổ sung các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014 như: nguyên tắc tranh tụng; áp dụng án lệ; bảo đảm Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong xét xử; xét xử theo thủ tục rút gọn; bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; xử lý các văn bản hành chính có liên quan và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý các văn bản pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình giải quyết vụ án hành chính…

Đối với thẩm quyền của Tòa án, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền của Tòa án từng cấp để phù hợp với quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014; bổ sung thẩm quyền của Toà án cấp huyện theo hướng khiếu kiện hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện thì không thuộc thẩm quyền của Toà án cấp này mà thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong việc giải quyết khiếu kiện. Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định để làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của người tiến hành tố tụng; việc thay đổi người tiến hành tố tụng; các quyền và nghĩa vụ của đương sự để bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; khởi kiện, thụ lý vụ án; quá trình xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hành chính; thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC…

Tiếp thu hoàn thiện Dự án Luật trình Quốc hội vào tháng 3/2015

Tại buổi họp, các ý kiến phát biểu đều đánh giá cao nội dung của Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) và cho rằng đã cơ bản bám sát những quy định của Hiến pháp năm 2013 và những luật có liên quan. Tuy nhiên, các ý kiến cũng nêu lên một số vấn đề về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND. Loại ý kiến thứ nhất: đề nghị giữ như quy định hiện hành, nhưng cần bổ sung quy định việc loại trừ cả quyết định xử lý hành chính của TAND để bảo đảm tính khả thi. Loại ý kiến thứ hai: đề nghị cần mở rộng hơn nữa thẩm quyền của Toà án đối với khiếu kiện hành chính, cụ thể là Toà án có thẩm quyền giải quyết cả khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức, kể cả các quyết định kỷ luật đối với cán bộ, công chức (mà không chỉ giới hạn quyết định kỷ luật buộc thôi việc như hiện nay).

TANDTC họp Ban soạn thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)

Toàn cảnh buổi họp

Về phân định thẩm quyền của TAND cấp huyện và TAND cấp tỉnh, loại ý kiến thứ nhất đề nghị đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp huyện thì nên giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong việc giải quyết vụ án. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về thẩm quyền của TAND cấp huyện để bảo đảm phù hợp với định hướng cải cách tư pháp theo hướng tăng thẩm quyền cho TAND cấp huyện.

Về địa vị pháp lý của Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính, loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ như quy định hiện hành về địa vị pháp lý của Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính. Loại ý kiến thứ hai cho rằng trong tố tụng hành chính, Viện kiểm sát tham gia để kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng hành chính kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án. Viện kiểm sát không tham gia vào việc giải quyết vụ án như trong tố tụng hình sự. Vì vậy, Viện kiểm sát không phải là cơ quan tiến hành tố tụng, Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên không phải là người tiến hành tố tụng trong tố tụng hành chính.

Về thủ tục rút gọn, đa số các ý kiến đề nghị bản án, quyết định sơ thẩm trong trường hợp được giải quyết theo thủ tục rút gọn vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và việc xét xử phúc thẩm đối với vụ án đã xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn sẽ được tiến hành theo thủ tục chung để bảo đảm phù hợp nguyên tắc đã được quy định trong Hiến pháp là "Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm”.

Về lệ phí giám đốc thẩm, tái thẩm, các ý kiến cho rằng việc xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là nhiệm vụ, quyền hạn của người có quyền kháng nghị nhằm khắc phục những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án của Tòa án. Nếu quy định đương sự đề nghị xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải nộp lệ phí sẽ hạn chế quyền của đương sự.

Bên cạnh đó, vẫn còn có những ý kiến khác nhau về thẩm quyền của Hội đồng xét xử sơ thẩm, về thủ tục phúc thẩm lần 2, về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giảm đốc thẩm, về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính… Các ý kiến đều cho rằng cần phải bảo vệ tối đa quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013.

Kết luận buổi họp, đồng chí Trương Hòa Bình, Chánh án TANDTC, Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) cảm ơn các thành viên Ban soạn thảo, các nhà khoa học đã góp ý với tinh thần xây dựng, trách nhiệm, sát với thực tế và giải thích những vấn đề còn có các quan điểm khác nhau để có cách hiểu chung thống nhất. Đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu, bổ sung, chỉnh lý để Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để đưa ra xin ý kiến Quốc hội vào tháng 3/2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TANDTC họp Ban soạn thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)