TANDCC tại Đà Nẵng tăng cường tổ chức xét xử trực tuyến

Anh Vũ| 24/08/2022 22:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau khi Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội được ban hành, xác định chủ trương của Quốc hội về việc xây dựng Tòa án điện tử, đẩy mạnh xét xử trực tuyến trong tương lai là đúng đắn, được nhân dân, cơ quan chính quyền rất đồng tình, ủng hộ.  Cùng với đó điều kiện phương tiện, kỹ thuật chưa đồng bộ, song TANDCC tại Đà Nẵng đã chủ động khắc phục khó khăn, đẩy mạnh công tác xét xử các phiên Toà trực tuyến.

anh-1-1-.jpg
Thẩm phán Nguyễn Văn Bường, Chánh án TANDCC tại Đà Nẵng làm chủ tọa 02 phiên toà rút kinh nghiệm bằng hình thức xét xử trực tuyến.

Nhờ công tác chuẩn bị chu đáo nên các phiên tòa trực tuyến diễn ra đảm bảo tại các điểm cầu với đầy đủ hình ảnh, âm thanh và các bị cáo, đương sự tham gia đầy đủ các trình tự, thủ tục tố tụng bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai giúp cho việc tranh tụng được đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Đến nay, TANDCC tại Đà Nẵng đã tổ chức được 75 phiên tòa trực tuyến. Trong đó, nhiều vụ án hành chính, cầu truyền hình, cầu trực tuyến được kết nối đến tận văn phòng TAND cấp tỉnh, các cấp chính quyền địa phương. Các phiên tòa trực tuyến bước đầu mang lại hiệu quả cao, đảm bảo các quy định về tố tụng, tiết kiệm được chi phí, tiền bạc, vật chất, thời gian, công sức cho đương sự, chính quyền và Tòa án.

anh-2-1-.jpg
Kiểm sát viên cao cấp Phạm Văn Cần, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng giữ quyền công tố tại phiên toà.

Chánh án TANDCC tại Đà Nẵng Nguyễn Văn Bường cho rằng, Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội cũng như chủ trương của TANDTC về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến có một ý nghĩa đặc biệt to lớn, không chỉ về chính trị mà cả về kinh tế, xã hội. Các chủ trương này xuất phát từ thực tiễn và đã trở về phục vụ thực tiễn, được nhân dân đồng tình ủng hộ bởi lẽ phục vụ cho nhân dân một cách tốt nhất. Vì thế chủ trương này đã trở thành một giá trị pháp luật và giá trị của cuộc sống. Do đó chúng tôi có đủ cơ sở và niềm tin để tin tưởng rằng Tòa án điện tử sẽ hình thành trong tương lai.

Tiếp nối thành công từ các phiên toà trực tuyến, ngày 22/8, TANDCC tại Đà Nẵng đã tổ chức xét xử phúc thẩm 2 phiên toà rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến. Thẩm phán Nguyễn Văn Bường, Chánh án TANDCC tại Đà Nẵng làm chủ tọa phiên tòa. Kiểm sát viên cao cấp Phạm Văn Cần, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng giữ quyền công tố tại phiên toà.

anh-3.jpg
Phiên họp nhận xét 02 phiên toà rút kinh nghiệm bằng hình thức xét xử trực tuyến.

Ngoài các đầu cầu liên quan tới vụ án tại TAND tỉnh Quảng Bình và TAND tỉnh Gia Lai, các phiên tòa cũng được kết nối tới các điểm cầu của 12 TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực miền Trung – Tây Nguyên, nhằm đẩy mạnh triển khai, rút kinh nghiệm trong triển khai hình thức xét xử trực tuyến.

Phiên xét xử phúc thẩm trực tuyến đầu tiên là vụ án hình sự bị cáo Nguyễn Chí Thanh (trú tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) bị TAND tỉnh Quảng Bình tuyên phạt 12 năm tù vì tội Giết người. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo thành khẩn khai báo và đã bồi thường đầy đủ cho bị hại, nên HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Chí Thanh 11 năm tù.

Phiên xét xử phúc thẩm trực tuyến thứ hai về “Khiếu kiện các quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai về thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất”, người khởi kiện là ông Kpă Tơl (trú tại huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) kiện UBND huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Tại phiên tòa, HĐXX đã làm rõ tính hợp pháp và có căn cứ của quyết định hành chính bị kiện và các quyết định hành chính có liên quan. Qua tranh tụng, xét thấy các yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện là không có căn cứ nên HĐXX đã tuyên y án sơ thẩm mà TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên.

Ông Phạm Văn Cần, Kiểm sát viên cao cấp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng giữ quyền công tố tại phiên toà đánh giá cao công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức phiên tòa trực tuyến. Trong hoạt động tố tụng tại phiên tòa xét xử phúc thẩm theo hình thức trực tuyến, quyền và lợi ích của người tham gia tố tụng đều được đảm bảo. Chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt, các bên đều nghe rõ, đối đáp được đầy đủ, đúng theo quy định tố tụng.

anh3.jpg
Vượt khó để tổ chức thực hiện thành công các phiên tòa trực tuyến là nỗ lực của cả hệ thống TANDCC tại Đà Nẵng

Sau khi kết thúc phiên toà, tại điểm cầu Trung tâm TANDCC tại Đà Nẵng và các điểm cầu thành phần ở 12 TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã tổ chức họp nhận xét 2 phiên toà rút kinh nghiệm bằng hình thức xét xử trực tuyến.

Các ý kiến tham gia tại phiên họp đều đánh giá cao công tác chuẩn bị phiên toà tại điểm cầu trung tâm cũng như các điểm cầu thành phần; Việc tiến hành phiên toà bảo đảm được các nguyên tắc tố tụng cơ bản: tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền bình đẳng trước pháp luật, bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; nhất trí với việc đánh giá chứng cứ, quan điểm của Kiểm sát viên tham gia xét xử tại phiên tòa. Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình tại phiên tòa theo đúng tinh thần cải cách tư pháp.

Từ thực tiễn tổ chức phiên tòa, cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ tư pháp đã rút ra nhiều kinh nghiệm, đóng góp lớn vào việc hoàn thiện quy trình xét xử trực tuyến ở các Toà án trong khu vực nói riêng và cả nước nói chung. Trong thời gian tới, TANDCC tại Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xét xử theo hình thức trực tuyến, coi đây là trọng tâm, thường xuyên và tiếp tục đầu tư nguồn lực để đồng bộ hệ thống trực tuyến trên toàn quốc. Từ nay đến cuối tháng 9, TANDCC tại Đà Nẵng đặt mục tiêu sẽ xét xử trên 100 vụ án theo hình thức trực tuyến.

Trao đổi về những nội dung liên quan đến việc Toà án triển khai tổ chức các phiên toà trực tuyến với phóng viên Báo Công lý, Thẩm phán Nguyễn Văn Bường, Chánh án TANDCC tại Đà Nẵng, người giữ vai trò chủ toạ phiên toà xét xử các vụ án nêu trên nhấn mạnh: “Qua một số phiên tòa chúng tôi đã tiến hành xét xử, một số kinh nghiệm được rút ra là các đồng chí lãnh đạo TANDCC tại Đà Nẵng, các đồng chí Thẩm phán cần có sự quyết tâm và quyết đoán trong việc truyền tải chủ trương đúng đắn này vào đời sống xã hội; Chính quyền địa phương cần phối hợp với chúng tôi để đưa cổng thông tin truyền tải đường truyền đến tận nơi các đồng chí làm việc để các đồng chí không cần đi lại, vất vả và mất thời gian từ đó đem lại hiệu quả hơn; Đồng thời chứng minh cho người dân thấy rằng lợi ích của người dân đang được đáp ứng để người dân ủng hộ như thế mới tạo nền tảng vững chắc cho chúng ta xây dựng được tòa án điện tử trong tương lai”.

Vượt khó để tổ chức thực hiện thành công các phiên tòa trực tuyến là nỗ lực của cả hệ thống TANDCC tại Đà Nẵng để thúc đẩy quá trình giải quyết các vụ án đúng hạn luật định, đặc biệt là trong hoàn cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm, đồng lòng của tập thể lãnh đạo, cán bộ đơn vị TANDCC tại Đà Nẵng và sự phối hợp của các cơ quan ban ngành, trong thời gian tới TANDCC tại Đà nẵng sẽ hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Qua đó vừa góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến; vừa góp phần thúc đẩy quá trình “chuyển đổi số”, xây dựng “Tòa án điện tử” của hệ thống TAND trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TANDCC tại Đà Nẵng tăng cường tổ chức xét xử trực tuyến