Nhân kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống TAND (13/9/1945 - 13/9/2020), đồng chí Đinh Ngọc Huân, Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã có cuộc trò chuyện với PV Báo Công lý về một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử.
PV: Thưa Chánh án, được biết, trước đây TAND tỉnh Vĩnh Phúc là một đơn vị vốn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã được biết đến là một đơn vị vững mạnh về mọi mặt, xin Chánh án chia sẻ đôi chút về hệ thống TAND của tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay?
Đồng chí Đinh Ngọc Huân, Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Phúc
Chánh án Đinh Ngọc Huân: Cùng với việc tái lập tỉnh, TAND tỉnh Vĩnh Phúc được tách ra từ TAND tỉnh Vĩnh Phú vào năm 1997, được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1997 trên cơ sở quyết định thành lập số 1177/QĐ-QLTA ngày 30/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Những ngày đầu tái lập tỉnh, cũng giống như các cơ quan, ban ngành khác của tỉnh, TAND tỉnh Vĩnh Phúc phải đương đầu với rất nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất, phương tiện làm việc.
Đến nay, cơ cấu tổ chức của TAND tỉnh Vĩnh Phúc gồm: Ủy ban Thẩm phán, các Tòa chuyên trách (Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Gia đình và người chưa thành niên); bộ máy giúp việc gồm có: Văn phòng, Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án; Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng; TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc gồm: TAND tỉnh và Tòa án nhân dân 9 huyện, thành phố (TAND TP Vĩnh Yên, TP Phúc Yên, Bình Xuyên, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Dương, Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch) với biên chế hiện có 153 người, gồm: TAND tỉnh 42 người, TAND cấp huyện là 111 người. Trong đó, có 71 Thẩm phán (2 Thẩm phán cao cấp, 27 Thẩm phán trung cấp, 42 Thẩm phán sơ cấp); 5 Thư ký viên chính; 54 Thư ký; 2 Thẩm tra viên chính; 8 Thẩm tra viên và 13 chức danh khác.
Về trình độ lý luận chính trị: 38 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 10 đồng chí có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Về trình độ chuyên môn: Có 47 đồng chí có trình độ Thạc sỹ; 106 đồng chí có trình độ đại học. Điều kiện, phương tiện và trang thiết bị phục vụ cho công tác của cán bộ, Thẩm phán trong cơ quan ngày càng được củng cố.
Trải qua 23 năm hình thành và phát triển, TAND tỉnh Vĩnh Phúc không ngừng lớn mạnh, luôn bám sát các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần đắc lực trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế và ổn định. trật tự xã hội của tỉnh nhà.
PV: Với tinh thần cải cách tư pháp, năm 2020 hệ thống TAND tiến tục đẩy mạnh thực hiện 14 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử. Vậy trong thời gian qua, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện triển khai các giải pháp đó như thế nào, có những thuận lợi, khó khăn gì và kết quả đạt được ra sao thưa Chánh án?
Chánh án Đinh Ngọc Huân: Với tinh thần cải cách tư pháp, năm 2020 hệ thống TAND nói chung và TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 14 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử.
Đó là: Tăng cường công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; Đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án; Công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử TAND; Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự; Tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ án; Tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử; Nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án; Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án; Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện làm việc cho các Tòa án; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án; Làm tốt công tác thi đua khen thưởng.
Chánh án Đinh Ngọc Huân đã có cuộc trò chuyện với PV Báo Công lý về một số giải pháp
nâng cao chất lượng công tác xét xử và những kết quả đơn vị đạt được trong thời gian qua
Quá trình triển khai thực hiện các giải pháp nêu trên, TAND tỉnh Vĩnh Phúc luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của TANDTC, của Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng với sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị.
Những năm qua, TAND tỉnh Vĩnh Phúc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao trên các mặt công tác. Bên cạnh những thuận lợi, đơn vị cũng đứng trước những khó khăn, thách thức là: Tình hình tội phạm và các tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại...đang ngày càng tăng và tính chất ngày càng phức tạp. Trong khi đó, chỉ tiêu biên chế giảm, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác chuyên môn đã được cải thiện song vẫn còn thiếu và nhiều khó khăn.
Nhiệm vụ đặt ra đối với TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc là hết sức nặng nề. Song cán bộ và người lao động TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Kết quả thực hiện 14 giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử trong thời gian qua cho thấy TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tích đáng khích lệ.
Cụ thể: Trong 5 năm qua, TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã giải quyết, xét xử được 23.889/24.789 vụ, việc các loại, đạt tỷ lệ 96% (tăng 835 vụ, việc so với giai đoạn trước). Trong đó: Án hình sự: Đã giải quyết, xét xử được 5.142/5.227 vụ, việc đạt tỷ lệ 98,4%. Án dân sự: Đã giải quyết, xét xử 4.371/4.866 vụ, việc, đạt tỷ lệ 89,9%. Án hôn nhân và gia đình: Đã giải quyết, xét xử 12.407/12.574 vụ, việc đạt tỷ lệ 98%. Án kinh doanh thương mại: Đã giải quyết, xét xử 702/815 vụ đạt tỷ lệ 86,2%. Án hành chính: Đã giải quyết, xét xử 252/289 vụ, đạt tỷ lệ 87,2%. Án lao động: Đã giải quyết, xét xử 32/34 vụ, đạt tỷ lệ 94,2%. Quyết định ADBPXLHC: Đã giải quyết 983/984 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,9%.
Công tác kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật: Đã đọc và kiểm tra được 13.722 vụ án các loại. Làm tốt công tác Thi hành án hình sự.
Trong quá trình thực hiện 14 giải pháp nêu trên, TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ án; nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự, đối thoại trong vụ án hành chính; công khai bản án, quyết định của Tòa án trên cổng thông tin điện tử; tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp.
Kịp thời triển khai mô hình phòng xét xử mới và trang phục xét xử mới đối với Thẩm phán. Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký của TAND hai cấp đã tích cực tham gia học tập các Hội nghị tập huấn nghiệp vụ trực tuyến do TAND tối cao tổ chức định kỳ hàng tháng; tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của đơn vị như: Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc các quy định về quy trình, thủ tục thực hiện các hoạt động hành chính từ pháp tại Tòa án theo hướng một cửa công khai, minh bạch và đơn giản hóa tối đa các thủ tục mà người dân cần thực hiện khi tiếp cận và có yêu cầu được Tòa án giải quyết nhanh chóng, hiệu quả.
PV: Trong số 14 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử đó, ông tâm đắc với giải pháp nào nhất thưa Chánh án?
Chánh án Đinh Ngọc Huân: Trong 14 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử đó, tôi tâm đắc với giải pháp thứ (9) là: Nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án.
Bản thân tôi cho rằng: Để nâng cao chất lượng công tác xét xử thì vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký trong đó cần đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ Thẩm phán, cán bộ; đề cao kỷ cương, kỷ luật, tăng cường kiểm tra giám sát việc thực thi công vụ và xử lý trách nhiệm đối với các Thẩm phán có hành vi vi phạm...
Hơn nữa, đồng chí Chánh án TANDTC đã từng khẳng định: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng cũng như công tác chuyên môn. Do đó, phải thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác cán bộ gắn với công tác tổ chức và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phục vụ mục tiêu nâng cao vai trò và sức chiến đấu của Đảng để làm tốt công tác chuyên môn.
PV: Đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng xét xử, ông đã đưa tinh thần cải cách tư pháp đó vào các phiên tòa như thế nào, hiệu quả của nó ra sao thưa Chánh án?
Chánh án Đinh Ngọc Huân: Xác định đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng xét xử, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã quán triệt và triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về tố tụng tư pháp; đồng thời chỉ đạo các TAND cấp huyện của tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức các phiên tòa bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng.
Quán triệt các Thẩm phán thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, bảo đảm để các bên thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ tố tụng của họ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là nghĩa vụ chứng minh, xác định sự thật khách quan của vụ án, các vấn đề pháp lý tranh chấp cần giải quyết trong vụ án.
Quá trình hỏi và tranh luận tại phiên tòa phải bảo đảm thực sự khách quan, minh bạch và công bằng, không được thiên vị và định kiến. Qua đó, tổ chức các phiên tòa hiện nay đã có nhiều sự đổi mới theo tinh thần cải cách tư pháp.
Cụ thể: TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã việc bố trí phòng xử án theo mô hình mới, vị trí ngồi của những người tiến hành tố tụng, người tham gia đã được thay đổi. HĐXX giữ vị trí là “trọng tài” xem xét quyết định, phân định trên cơ sở hoạt động tranh tụng của bên buộc tội và bên gỡ tội; nguyên đơn và bị đơn. Luật sư chính thức được ngồi ngang hàng với đại diện VKSND trong các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Đây không chỉ là sự thay đội và về hình thức phiên tòa, mà còn là sự thể hiện tinh thần đổi mới, cải cách tư pháp từ mô hình tố tụng xét hỏi sang mô hình tranh tụng, coi tranh tụng là khâu đột phá.
Cùng với đổi mới mô hình tổ chức phiên tòa, việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm cũng được coi là giải pháp đột phá trong công tác đổi mới phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp.
Năm 2018 là năm đầu tiên hệ thống TAND tỉnh thực hiện chỉ đạo của TANDTC về tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Các đơn vị trong ngành thường xuyên quan tâm xem xét, lựa chọn các vụ án điển hình để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm. Trong đó, việc điều hành tranh tụng phải tôn trọng và lắng nghe ý kiến của đại diện VKS, người bào chữa, lời khai của bị cáo, nguyên đơn, bị đơn và người tham gia tố tụng khác.
Khi nghị án phải đảm bảo đúng pháp luật, phán quyết của HĐXX phải được quyết định theo đa số và phải căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai, dân chủ tại phiên tòa. Để các phiên tòa rút kinh nghiệm ngày càng đi vào thực chất, có hiệu quả, TAND tỉnh đã đưa hoạt động này thành một trong những tiêu chí thi đua của các Thẩm phán.
Theo đó, mỗi Thẩm phán phải chủ tọa ít nhất một phiên tòa rút kinh nghiệm. Đồng thời, TAND tỉnh đã triển khai giải pháp đổi mới phiên tòa rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến tại TAND hai cấp trong tỉnh.
Đến nay, TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã lắp đặt và vận hành hệ thống camera truyền hình trực tuyến phiên tòa. Phiên tòa rút kinh nghiệm không chỉ tổ chức trong phạm vi nội bộ “khép kín” từng đơn vị mà được tổ chức công khai thông qua hệ thống camera trực tuyến, có sự giám sát của tất cả cán bộ có chức danh tư pháp trong TAND hai cấp và các thành phần tham dự.
Việc khai thác triệt để các tiện ích, công năng của hệ thống truyền hình trực tuyến vừa tiết kiệm kinh phí, vừa khắc phục được các hạn chế, khó khăn của hình thức tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm trước đây như: Thời gian đi lại, chờ đợi; tốn kém chi phí tổ chức phục vụ...
PV: Đặc biệt, 2020 là năm kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống TAND (13/9/1945-13/9/2020). Vậy TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã có những hoạt động thiết thực nào để chào mừng ngày truyền thống của ngành thưa Chánh án?
Chánh án Đinh Ngọc Huân: TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành các kế hoạch phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống TAND.
Cụ thể: Đầu năm 2020, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã phát động phong trào thi đua năm 2020 tới toàn thể cán bộ, công chức và người lao động trong TAND hai cấp với khẩu hiệu thi đua “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo thi đua lập thành tích - mừng 75 năm Ngày truyền thống Tòa án nhân dân”.
Tháng 7 năm 2020, TAND tỉnh Vĩnh Phúc phát động đợt thi đua đặc biệt với khẩu hiệu “Cán bộ, công chức, người lao động TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Tòa án nhân dân”.
Ban hành kế hoạch tổ chức Hội thao TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc và phát động Cuộc thi sáng tác thơ, truyện ngắn và ký sự về TAND do TANDTC tổ chức đến cán bộ, công chức và người lao động TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên, thực hiện sự chỉ đạo của TANDTC về việc dừng một số hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống TAND do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên việc tổ chức hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống TAND của TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc sẽ được tổ chức theo hướng thiết thực, ý nghĩa, tránh làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ việc tại Tòa án.
PV: Xin cảm ơn Chánh án!