Ban lãnh đạo TAND tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đảm bảo giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng hạn và đúng quy định của pháp luật.
Trong những năm qua, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền của Tòa án nhân dân luôn được TAND tỉnh Sóc Trăng chú trọng giải quyết.
Năm 2024, TAND tỉnh Sóc Trăng tiếp nhận 163 đơn, giải quyết 163 đơn. Trong đó, đơn thuộc thẩm quyền giải quyết 57 đơn, không thuộc thẩm quyền 106 đơn.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2025, TAND tỉnh Sóc trăng đã tiếp nhận 73 đơn, giải quyết 73 đơn. Trong đó, đơn thuộc thẩm quyền là 14 đơn, đơn không thuộc thẩm quyền là 59 đơn. Đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng đều đã được lãnh đạo TAND tỉnh Sóc Trăng quan tâm, chỉ đạo thường xuyên; cán bộ được phân công làm công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác giải quyết đơn, nên việc giải quyết đối với loại đơn này luôn đạt tỷ lệ cao.
Việc khiếu nại của công dân đều được giải quyết kịp thời có căn cứ và đúng thời hạn quy định của pháp luật. Các quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án đều được người dân đồng tình, tuy nhiên cũng có trường hợp khiếu nại lên TAND cấp cao và có 01 trường hợp được TAND cấp cao chấp nhận khiếu nại, hủy quyết định giải quyết khiếu nại.
Lãnh đạo TAND tỉnh Sóc Trăng xác định, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác xây dựng đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; tạo mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, xây dựng lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước nói chung và các cơ quan tư pháp nói riêng.
Bên cạnh đó, luôn phát huy và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu Tòa án nhân dân trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Để thực hiện hiệu quả chủ trương, mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đề ra, TAND tỉnh đã quán triệt các văn bản, quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo đến cán bộ, công chức và người lao động thuộc TAND hai cấp trong tỉnh; lồng ghép quán triệt thường xuyên tại các cuộc họp, hội nghị về nội dung chủ đạo của Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”, Chương trình hành động số 41-CTr/TU, ngày 16/12/2014 của Tỉnh ủy Sóc Trăng “về thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị”; Chỉ thị số 03/2022/CT-CA ngày 06/12/2022 của Chánh án TANDTC về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong TAND và các quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Tiếp công dân, các đạo luật về tố tụng và các quy định của pháp luật có liên quan.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Phó Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục quán triệt các văn bản của Trung ương về việc giải quyết khiếu nại tố cáo, tiếp nhận để cán bộ nhận thức được tầm quan trọng và trách nhiệm của người đứng đầu.
Qua đó, lãnh đạo TAND tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra công tác cán bộ trong việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, xử lý nghiêm các trường hợp giải quyết không đúng quy định. Nhằm nâng cao chất lượng giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, lãnh đạo TAND tỉnh Sóc Trăng sẽ thường xuyên quan tâm, chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của TAND hai cấp trong tỉnh.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bố trí phòng tiếp công dân và niêm yết đầy đủ nội quy tiếp công dân, lịch tiếp công dân của lãnh đạo và cán bộ tiếp công dân; niêm yết công khai các thủ tục hành chính tư pháp để người dân dễ dàng thực hiện được quyền và nghĩa vụ của mình khi có công việc tại Tòa án.
Bảo đảm việc thụ lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải đúng thẩm quyền, trình tự, thời hạn theo quy định của pháp luật và Quy chế của TAND. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết án, giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn khéo léo lồng ghép tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo để từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện và chấp hành pháp luật.
Thông qua việc tiếp công dân thường xuyên, định kỳ, công chức tiếp công dân tuyên truyền các quy định của pháp luật về tiếp dân, khiếu nại, tố cáo cho người dân.
Kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác tiếp dân và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo; lựa chọn những công chức có phẩm chất đạo đức tốt, nghiệp vụ tốt, có khả năng hướng dẫn, giải thích, thuyết phục để người dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật.
Phối hợp tổ chức được các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công chức.
Đồng thời, lãnh đạo đơn vị tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện các quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục, biểu mẫu áp dụng trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng; ban hành mẫu sổ tiếp công dân; sổ thụ lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo để việc áp dụng được thống nhất.
“Cán bộ Tòa án ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo như: số hóa các hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo trước khi đưa vào lưu trữ; có phần mềm quản lý công tác tiếp công dân; có hệ thống liên thông dữ liệu khiếu nại, tố cáo giữa các cấp Tòa án và cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại, tố cáo; Triển khai thực hiện chế độ bồi dưỡng cho người làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo theo quy định.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”, ông Nguyễn Hoàng Lâm, Phó Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.