Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng tòa án điện tử là mục tiêu, nhiệm vụ được TAND tỉnh Bình Thuận quyết tâm thực hiện. Việc này sẽ nâng cao chất lượng giải quyết vụ án nhanh gọn, chính xác, không có tình trạng phải sửa án do lỗi chủ quan, không xảy ra tiêu cực trong xét xử án...
Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến được thực hiện theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến và Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP. TAND tỉnh Bình Thuận xem đây là nhiệm vụ, giải pháp đồng thời là nhu cầu, xu hướng tất yếu, đáp ứng yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động xét xử.
Trước khi các phiên xử trực tuyến diễn ra, TAND các cấp đã phối hợp với một số ngành chức năng triển khai lắp đặt thiết bị, kiểm tra đường truyền tín hiệu. Vì vậy, trong thời gian các phiên tòa trực tuyến diễn ra, hạ tầng kỹ thuật, âm thanh, hình ảnh tốt. Đảm bảo cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án, do tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm…
Số liệu từ sơ kết 9 tháng của TAND tỉnh Bình Thuận (từ tháng 10/2022 – tháng 6/2023) cho thấy, việc triển khai xây dựng tòa án điện tử đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Theo đó, TAND hai cấp tỉnh đã giải quyết 5.347/9.647 vụ, việc đã thụ lý các loại, đạt tỷ lệ 55,43%, tăng 599 vụ so với cùng kỳ.
Tổng số vụ việc dân sự, hành chính đã hòa giải, đối thoại thành theo luật tố tụng của toàn tỉnh là 2.536/4.401 vụ việc đã giải quyết, tỉ lệ 57,6%; Trong đó, có 08/10 đơn vị TAND cấp huyện đã triển khai tổ chức phiên tòa trực tuyến, với tổng số phiên tòa là 89 phiên tòa. Toàn tỉnh công khai bản án, quyết định của tòa án và các án lệ trên Cổng thông tin điện tử TAND tối cao là 1.138/1.370 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đạt tỷ lệ 83,07 %.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, phiên tòa trực tuyến được coi là bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án, giúp hạn chế tập trung đông người tại một phòng xử án; Đồng thời, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, giảm thiểu chi phí, thời gian tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng, cũng như các chi phí xã hội khác của người dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là một giải pháp mới. Do đó, TAND hai cấp tỉnh Bình Thuận khó tránh khỏi sẽ có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đòi hỏi cần xây dựng các quy định để đảm bảo cho việc xét xử trực tuyến tuân thủ các nguyên tắc căn cốt của pháp luật tố tụng, xử lý các vấn đề cụ thể trong quá trình tổ chức hình thức xét xử này. Hiện tại, TAND hai cấp tỉnh Bình Thuận đang gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí nhiều nơi chưa đảm bảo để thực hiện.
Trong thời gian tới, TAND hai cấp tỉnh Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh công tác xét xử bằng hình thức trực tuyến; tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý chuyên môn, nghiệp vụ; nghiêm túc thực hiện công bố đầy đủ, kịp thời các bản án, quyết định đủ điều kiện của tòa án trên Cổng thông tin điện tử TAND; tăng cường công tác đề xuất các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để đề nghị phát triển thành Án lệ.
Bên cạnh đó, TAND hai cấp tỉnh Bình Thuận tiếp tục đề nghị TANDTC tăng cường biên chế, cơ sở vật chất, kinh phí để thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp; Từng bước xây dựng và thực hiện mô hình “tòa án điện tử” theo chỉ đạo của TANDTC. TAND tỉnh Bình Thuận xác định đây là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng để thực hiện tốt công tác chuyên môn cũng như công tác thi đua trong năm 2023 và những năm tiếp theo.