Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND tỉnh Bình Dương và 6 TAND các thành phố, thị xã, huyện trên địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ chính thức hoạt động thí điểm từ ngày 1/11/2018.
Đó là thông tin ông Trần Thanh Hoàng, Chánh án TAND tỉnh Bình Dương, công bố tại Hội nghị triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Bình Dương tổ chức ngày 30/10/2018. Đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án TANDTC tham dự và có những phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Chánh án Trần Thanh Hoàng cho biết, thực hiện Quyết định số 184/QĐ-TANDTC ngày 4/10/2018 về tiếp tục mở rộng thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND, ngày 10/10/2018, TAND tỉnh Bình Dương lập Kế hoạch số 958/KH-TA nhằm triển khai thực hiện thí điểm tại TAND hai cấp của tỉnh.
Mục đích thí điểm đổi mới tăng cường hòa giải đối thoại nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác này tại TAND, góp phần giảm áp lực số lượng vụ việc Tòa án phải giải quyết thông qua mở phiên tòa; giảm số lượng vụ việc cơ quan Thi hành án dân sự phải tổ chức cưỡng chế thi hành; tiết kiệm chi phí, thời gian công sức của đương sự, các cơ quan tư pháp, Nhà nước và toàn xã hội.
Việc hòa giải, đối thoại bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, đúng pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp dân sự, hành chính. Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hoạt động hòa giải, chia sẻ kinh nghiệm trong hòa giải…
Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Ngày 15/10/2018, Tỉnh ủy Bình Dương đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường công tác hòa giải, đối thoại tại TAND. Sau quá trình chuẩn bị, lãnh đạo TAND tỉnh Bình Dương đã tham mưu lãnh đạo thành lập 7 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại 7 đơn vị gồm: TAND tỉnh, TAND Tp. Thủ Dầu Một, TAND các thị xã Dĩ An, Thuận An; Bến Cát, Tân Uyên và TAND huyện Dầu Tiếng. Thời gian hoạt động bắt đầu từ ngày 1/11/2018, thời hạn thí điểm trong 6 tháng.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, Trưởng ban chỉ đạo biểu dương sự đóng góp của Tòa án hai cấp về những nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ông Nam nhận định: Các vụ kiện dân sự, hành chính có xu hướng tăng, phức tạp. Việc tìm ra các giải pháp đột phá là cấp thiết, trong đó nâng cao công tác hòa giải là mang lại hiệu quả cao. “Việc thí điểm đổi mới tại Bình Dương là nội dung quan trọng để triển khai có hiệu quả cải cách tư pháp. Tôi cam kết đồng hành, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện tốt đẹp nhất để thực hiện thắng lợi, xin cảm ơn lãnh đạo TANDTC đã quan tâm hỗ trợ”.
Phó Chánh án tặng hoa các đại biểu Ban lãnh đạo Trung tâm hòa giải, đối thoại.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang bày tỏ sự vui mừng, cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương. Phó Chánh án Lê Hồng Quang đề nghị tỉnh tiếp tục tích cực hưởng ứng việc tổ chức đối thoại, hỗ trợ kinh phí; Yêu cầu Tòa án hai cấp chủ động, tích cực sâu sát đảm bảo hoạt động của trung tâm, kịp thời khắc phục những khó khăn vững mắc. Phó Chánh án lưu ý các thành viên áp dụng các kỹ năng hòa giải, với nền tảng kinh nghiệm, thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn…
Các thành viên trong Ban chỉ đạo nhận hoa của lãnh đạo tỉnh Bình Dương
Ông Trần Thanh Hoàng, Chánh án TAND tỉnh Bình Dương tiếp thu chỉ đạo sâu sắc của lãnh đạo TANDTC và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương. “Việc mở rộng thí điểm tại Bình Dương là thuận lợi cũng là thách thức, tôi nhận nhiệm vụ và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi”. Chánh án Trần Thanh Hoàng bày tỏ và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo, sự phối hợp tốt của các ban ngành để việc thí điểm tổ chức thành công tốt đẹp.