TAND tỉnh Bình Định tổ chức triển khai thực hiện Hiến pháp mới

Văn Vũ| 06/03/2014 11:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà TAND hai cấp tỉnh Bình Định đề ra trong phương hướng nhiệm vụ năm 2014 là tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.

Đây là nhiệm vụ rất quan trọng và nặng nề, đòi hỏi có nhiều giải pháp đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện. Xung quanh vấn đề này, PV Báo Công lý có cuộc trao đổi với Thẩm phán Đặng Công Lý, Chánh án TAND tỉnh Bình Định.

TAND tỉnh Bình Định tổ chức triển khai thực hiện Hiến pháp mới

Chánh án TAND tỉnh Bình Định Đặng Công Lý

PV: Thưa ông, trong phương hướng nhiệm vụ của năm 2014, TAND hai cấp tỉnh Bình Định đề ra là quán triệt và xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Ông có thể nói rõ về cơ sở để xây dựng nhiệm vụ này?

Chánh án Đặng Công Lý: Năm 2014 là năm Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực pháp luật. Nhiều chế định pháp luật mới được Hiến pháp quy định. Đặc biệt, TAND được Hiến pháp xác định là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Điều đó cho thấy vị trí, vai trò của Tòa án trong hệ thống chính trị được nâng tầm theo tinh thần Hiến định mới “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. TAND hai cấp tỉnh Bình Định xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2014 là tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Có thể nói, đây là năm mà hệ thống TAND phải triển khai và thực hiện nhiều nhiệm vụ rất quan trọng và nặng nề.

Ngoài ra, TAND hai cấp tỉnh Bình Định còn phải tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, đặc biệt là nghị quyết về đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng, thực hiện cải cách tư pháp, gắn với thực hiện các yêu cầu cải cách tư pháp. Trong đó đặc biệt chú trọng việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Kết luận số 79 của Bộ Chính trị, gắn việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành với việc thực hiện các yêu cầu của cải cách tư pháp.

PV: Thưa ông, để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, TAND hai cấp tỉnh Bình Định đã đề ra giải pháp gì?

Chánh án Đặng Công Lý: Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, TAND hai cấp tỉnh Bình Định triển khai đồng bộ các giải pháp như: Xác định việc đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa là khâu đột phá, tập trung làm tốt công tác hòa giải trong công tác giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại; nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn ngành.

Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp nhằm đảm bảo công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án, phải thật sự gần dân, để người dân tìm đến Tòa án là tìm đến công lý. Nói cách khác, đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử theo hướng đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, hạn chế tới mức thấp nhất các bản án, quyết định bị huỷ sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán, đảm bảo các quyết định của Tòa án phải đúng pháp luật, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu và phát hành bản án, quyết định của Tòa án đúng theo quy định của pháp luật tố tụng về thời hạn.

PV: Hiện nay, khi nói đến thời hạn tố tụng thì hầu hết lượng án “vướng” về thời hạn tố tụng đều tập trung ở án dân sự. Thưa ông, TAND hai cấp tỉnh Bình Định có giải pháp nào để hạn chế vướng mắc này?

Chánh án Đặng Công Lý: Trong giải quyết án dân sự, công tác hòa giải là một trong những “chìa khóa” giúp cho tỷ lệ giải quyết án đạt hiệu quả, nhanh chóng và được các bên đồng thuận cao khi thi hành. Năm qua, TAND hai cấp tỉnh Bình Định đã hòa giải thành 1.237 vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại trong tổng số 4.423 vụ, chiếm tỷ lệ 28%. Đây là con số chưa đạt như mong muốn của lãnh đạo TAND tỉnh. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, công tác hòa giải trong những năm qua đã có sự chuyển biến tích cực.

Công tác hòa giải các loại vụ án dân sự tại Tòa án có vai trò quan trọng trong việc xây dựng tình làng, nghĩa xóm, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân.

Do đó, công tác hòa giải luôn được lãnh đạo Tòa án quan tâm chú trọng, đặc biệt là công tác xây dựng, củng cố và kiện toàn đội ngũ Thẩm phán về các kỹ năng, bằng kiến thức, kinh nghiệm sống, bằng lòng tận tâm với công việc đã chủ động, tích cực, kiên trì tiến hành hoà giải thành nhiều vụ án dân sự, góp phần đem lại sự yên vui, giữ được tình làng nghĩa xóm trong gia đình và cộng đồng dân cư. Đây cũng là một trong những giải pháp cơ bản mà tôi đã đề cập ở trên.

Ngoài ra, TAND hai cấp tỉnh Bình Định còn đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết bài toán án tồn đọng nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương giao phó.

PV: Xin cảm ơn ông

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND tỉnh Bình Định tổ chức triển khai thực hiện Hiến pháp mới