Từ năm 2010 đến nay, TAND hai cấp tỉnh An Giang tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh An Giang và hai tỉnh Takeo, Kandal (Campuchia) để làm tốt công tác xét xử các tội phạm xuyên quốc gia.
Nhiều vụ án được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, góp phần giữ vững an ninh, chính trị trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới.
Làm tốt công tác xét xử các tội phạm xuyên quốc gia
Tỉnh An Giang thuộc khu vực Tây Nam Bộ, diện tích tự nhiên 3.536,7km2, dân số 2.160.000 người với bốn dân tộc là Kinh, Khơ-Me, Hoa và Chăm cùng sinh sống. Tỉnh An Giang có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, có đường biên giới chung giáp hai tỉnh Takeo và tỉnh Kandal (Vương quốc Campuchia) với chiều dài 96km, đi qua 5 huyện thị và 18 xã, thị trấn; có 2 cửa khẩu Quốc tế tại thị trấn Tịnh Biên và xã Vĩnh Xương; ngoài ra còn có nhiều cửa khẩu quy mô nhỏ. Với truyền thống đoàn kết giữa hai dân tộc trong đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt sau khi hai nước trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia ASEAN, nhân dân và chính quyền tỉnh An Giang, tỉnh Takeo và tỉnh Kandal đã tăng cường quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng.
TAND tỉnh An Giang xét xử vụ án hình sự trọng điểm
Do đặc điểm địa lý, giao thông đường bộ, đường thủy thuận lợi giữa 3 tỉnh, nên tình hình tội phạm nói chung và tội phạm xuyên quốc gia nói riêng như: Giết người; mua bán người; mua bán, vận chuyển các chất ma túy; tổ chức đánh bạc; cho vay nặng lãi; buôn lậu thuốc lá ngoại; buôn lậu vàng, điện tử, linh kiện xe ôtô, quần áo, mỹ phẩm... ở khu vực biên giới diễn ra rất phức tạp. Trước tình hình phức tạp đó, chính quyền và cơ quan chức năng các cấp của ba tỉnh An Giang, Takeo, Kandal đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường công tác phối hợp điều tra, truy tố, xét xử các phần tử phạm tội; kịp thời thông báo, chuyển giao cho nhau các đối tượng phạm tội, chứng cứ, tang vật phạm pháp trong vụ án. Định kỳ hoặc trong trường hợp cần thiết, các cơ quan bảo vệ pháp luật giữa ba tỉnh gặp gỡ trao đổi đề ra các biện pháp nhằm ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với hành vi phạm tội, giải quyết những phức tạp nảy sinh do tội phạm gây ra. Việc hợp tác điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự dựa trên các quy định của mỗi nước và luật pháp quốc tế cũng như các thỏa thuận mà Việt Nam và Campuchia ký kết. Các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử cũng luôn chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân khu vực biên giới phát huy truyền thống hữu nghị, đoàn kết; tôn trọng luật pháp quốc tế, pháp luật của nước mình và quy chế biên giới đã được ký kết. Đối với công dân sinh sống ở khu vực biên giới có những hành vi vi phạm quy chế biên giới, thì hai bên trao đổi thông tin cho nhau để phối hợp giải quyết. Về hợp tác tương trợ tư pháp trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm giữa các cơ quan chức năng của tỉnh An Giang và hai tỉnh Takeo, Kandal cũng từng bước được triển khai.
Thực hiện Thông cáo chung năm 2010, 2012, 2014 của Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào, Tòa án tỉnh An Giang, tỉnh Takeo và tỉnh Kandal chủ động tổ chức các đoàn công tác để học hỏi kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống và xét xử các tội phạm xuyên quốc gia. Do có sự hợp tác thường xuyên, nên từ năm 2010 đến nay, TAND hai cấp tỉnh An Giang đã làm tốt công tác xét xử các vụ án nói chung, xét xử các tội phạm xuyên quốc gia nói riêng; nhiều vụ án cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, tổ chức đánh bạc, cho vay nặng lãi, nhiều băng nhóm tội phạm giết người, mua bán người sang Campuchia (đặc biệc là mua bán phụ nữ, trẻ em) được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, qua đó giải cứu được nhiều nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị mua bán qua biên giới.
Những khó khăn, bất cập
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác đấu tranh, phòng, chống và xét xử các loại tội phạm xuyên quốc gia, TAND tỉnh An Giang thấy rằng còn có khó khăn, vướng mắc, đó là hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động điều tra, truy tố và xét xử; mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong hoạt động phòng chống tội phạm chưa đồng bộ; trình độ ngoại ngữ của đội ngũ làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm còn hạn chế. Việc triệu tập và tống đạt các loại giấy tờ, tài liệu tư pháp đối với người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng mang quốc tịch Campuchia hiện còn gặp nhiều vướng mắc; công tác thi hành án dân sự trong vụ án hình sự cũng gặp những bất cập. Thực tế hiện nay, đa số các vụ phạm tội mua bán người, thì nạn nhân bị bán sang Campuchia vì mục đích mại dâm; còn những đối tượng mua, bán chủ yếu là người Việt Nam sinh sống, hành nghề chứa mại dâm tại nước ngoài, móc nối với các đối tượng phạm tội trong nước để thực hiện.
Mặt khác, đặc thù của huyện Tịnh Biên và huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đều là vùng có nhiều núi, đông đồng bào dân tộc Khơ me sinh sống, một bộ phận công dân hai nước ở tuyến biên giới kết hôn không đúng pháp luật, nhân dân dọc tuyến biên giới dễ bị lợi dụng, lôi kéo vào con đường phạm tội nên là môi trường thuận lợi cho loại tội phạm xuyên quốc gia hoạt động. Tình hình xuất nhập cảnh trái phép ra nước ngoài của người dân còn phổ biến, nguy cơ buôn bán phụ nữ, trẻ em bằng con đường này là rất cao, nhưng do địa hình tuyến biên giới dài, nhiều cửa khẩu và đường tiểu ngạch nên gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm của từng địa phương có chung đường biên giới. Nhiều nạn nhân sau khi tự giải thoát về Việt Nam, vì nhiều lý do đã thay đổi chỗ ở, sợ bị trả thù nên không tố giác kịp thời, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố và xét xử. Công tác phối hợp giữa Việt Nam và Campuchia trong giải cứu nạn nhân từng bước được nâng lên, nhưng vẫn còn có nạn nhân chưa được giải cứu, đang phải sống lang bạt tại Campuchia.
Nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác đấu tranh, phòng, chống và xét xử các loại tội phạm xuyên quốc gia, ông Phan Huỳnh Sơn, Chánh án TAND tỉnh An Giang mong muốn TANDTC Việt Nam và Tòa án tối cao Campuchia sớm có th"ỏa thuận hợp tác song phương về hoạt động tương trợ tư pháp; cần có hướng dẫn về ủy thác tư pháp trong việc triệu tập và tống đạt các loại giấy tờ, tài liệu liên quan hoạt động tố tụng giữa các Tòa án địa phương hai nước. Đồng thời, Chánh án TANDTC Việt Nam, Campuchia và Lào cần tiếp tục chỉ đạo, định hướng quan hệ hợp tác đấu tranh phòng, chống và xét xử các tội phạm xuyên quốc gia cũng như tạo điều kiện để Tòa án các tỉnh có chung đường biên giới ba nước trao đổi đoàn, học hỏi kinh nghiệm trong công tác xét xử.