TAND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa): Nhiều năm liền nhận được Bằng khen, Cờ thi đua của TANDTC và Chính phủ

Văn Vũ| 12/03/2014 08:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ của thị xã Ninh Hòa thì ở khu vực đồng bằng ven biển, tranh chấp dân sự diễn ra ngày càng nhiều, tình hình tội phạm phức tạp nên lượng án các loại ngày càng tăng.

Trung bình mỗi Thẩm phán của đơn vị phải giải quyết khoảng 15 vụ án/trên tháng. Số lượng Thẩm phán thiếu, có thời điểm năm 2009, đơn vị chỉ còn hai Thẩm phán vì hai Thẩm phán đi học, năm 2010, 2011 có bổ sung thêm hai Thẩm phán nhưng cũng không đáp ứng với nhu cầu nhiệm vụ. Hiện nay, đơn vị có 8 Thẩm phán nhưng tăng cường cho Tòa án khác hai Thẩm phán, trong số 6 Thẩm phán còn lại thì có 3 Thẩm phán mới bổ nhiệm, chưa có nhiều kinh nghiệm.

TAND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa): Nhiều năm liền nhận được Bằng khen, Cờ thi đua của TANDTC và Chính phủ

Phó Chánh án TANDTC Tưởng Duy Lượng trao danh hiệu Thẩm phán mẫu mực cho Thẩm phán Lê Thị Toàn

Tuy gặp rất nhiều khó khăn về địa bàn công tác, về biên chế cán bộ và áp lực công việc do số lượng án nhiều nhưng đơn vị lại nhận được sự quan tâm ủng hộ của cấp ủy và chính quyền địa phương, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TAND tỉnh Khánh Hòa, sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan tiến hành tố tụng và sự nỗ lực cố gắng không ngừng của CBCC trong đơn vị nên đã vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đơn vị. Trong 5 năm qua, đơn vị đã giải quyết 3.687 vụ án các loại, án đã giải quyết đạt chất lượng, tỷ lệ án hủy thấp đặc biệt năm 2009 không có án hủy, năm 2010 bị hủy 01 vụ, năm 2011 bị hủy 0,5 vụ.

Trong 5 năm qua, ngoài vai trò Chánh án, Thẩm phán Lê Thị Toàn đã giải quyết 1.076 vụ án các loại, không có án cải sửa hay hủy nghiêm trọng do lỗi chủ quan của Thẩm phán. 

Để đạt được kết quả trên, Thẩm phán Lê Thị Toàn cho rằng, phải hết sức chú trọng khâu giải quyết đơn khởi kiện. Cụ thể, phải nghiên cứu kỹ đơn, xác định chính xác các yêu cầu của đương sự, quan hệ tranh chấp, thời hiệu khởi kiện, thẩm quyền giải quyết cũng như các tài liệu cần thiết. Vì vậy, việc giải quyết án sau khi thụ lý mới nhanh chóng và đúng pháp luật.

Đối với việc giải quyết án hình sự, sau khi được phân công xét xử, Thẩm phán kiểm tra kỹ tài liệu, nghiên cứu các yếu tố cấu thành tội phạm, nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, thủ tục tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm phát hiện lỗi vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Bên cạnh xem xét kỹ chứng cứ buộc tội, trước khi xét xử phải chuẩn bị kỹ kế hoạch xét hỏi. Tại phiên tòa, phương pháp thẩm vấn đúng trọng tâm, có chiều sâu, giải thích và luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, đặc biệt quyền tranh tụng tại phiên tòa sẽ giúp cho HĐXX nắm được sự thật khách quan và có sự đánh giá chứng cứ đúng đắn, toàn diện hơn. Nhờ vậy, trong các vụ án hình sự đã xét xử, không có vụ nào sai sót về thủ tục tố tụng, về đánh giá chứng cứ để dẫn đến bản án bị hủy.

Chánh án Lê Thị Toàn cho biết, nhiều năm liền đơn vị luôn nhận được Bằng khen, Cờ thi đua của TANDTC và Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa): Nhiều năm liền nhận được Bằng khen, Cờ thi đua của TANDTC và Chính phủ