Năm 2022, TAND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) là một trong những đơn vị có tỷ lệ hòa giải thành cao nhất của TAND hai cấp TP Đà Nẵng. Chánh án TAND quận Liên Chiểu Nguyễn Tấn Anh đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc triển khai thi hành Luật hòa giải, đối thoại (Luật HGĐT) của đơn vị.
Phóng viên: Xin Chánh án cho biết, năm 2022 việc thực hiện Luật HGĐT của TAND quận Liên Chiểu đạt kết quả cụ thể như thế nào?
Chánh án Nguyễn Tấn Anh: Sự ra đời của Luật HGĐT tại tòa án có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, đánh dấu bước tiến mới về Cải cách tư pháp (CCTP). Ngay từ khi Luật HGĐT tại tòa án có hiệu lực, TAND quận Liên Chiểu xác định việc tổ chức thực hiện có hiệu quả là nhiệm vụ chính trị quan trọng bên cạnh những nhiệm vụ giải quyết xét xử các vụ án, vụ việc theo quy định. Năm 2022 là năm thứ 2 đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả Luật HGĐT tại tòa án.
Đến nay, TAND quận Liên Chiểu được bổ nhiệm 3 hòa giải viên (HGV). Các HGV được tuyển chọn đều có đủ các điều kiện theo quy định và đã tham gia các đợt tập huấn của TANDTC tổ chức, nắm bắt được khá đầy đủ các quy định của pháp luật. Đồng thời, họ là những người có kinh nghiệm, là HGV trong thời gian thực hiện thí điểm nên có cách tiếp cận công việc nhanh chóng, thuận lợi.
Trong năm 2022, việc thực hiện Luật HGĐT tại tòa án của đơn vị đã đạt được những kết quả nổi bật. Cụ thể, từ ngày 01/10/2021 đến ngày 30/9/2022, tiếp nhận tổng cộng 1404 đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, trong đó có 685 đơn đồng ý lựa chọn HGĐT và lựa chọn HGV. Trong 685 đơn chuyển sang HGĐT đã giải quyết 622 đơn, còn lại 63 đơn chưa giải quyết, tỷ lệ giải quyết đạt 91%. Trong đó, Hòa giải thành 488 đơn, (qua hòa giải có 314 trường hợp rút đơn, hòa giải thành 174 đơn), đạt tỷ lệ 78,4% số đơn đã giải quyết. TAND quận Liên Chiểu là một trong những đơn vị có tỷ lệ hòa giải thành cao nhất.
Năm 2022, TAND TAND Q.Liên Chiểu vinh dự nhận Huân chương lao động hạng ba.
Phóng viên: Để đạt được những kết quả trên, đơn vị đã triển khai, thực hiện Luật HGĐT tại tòa án như thế nào thưa chánh án?
Chánh án Nguyễn Tấn Anh: Để đạt những kết quả nêu trên, quá trình triển khai, thực hiện Luật HGĐT tại tòa án, đơn vị có một số kinh nghiệm xin chia sẻ như sau.
Thứ nhất, công tác HGĐT tại TAND quận Liên Chiểu từ khi bắt đầu thí điểm cho đến khi được thành lập đến nay đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của TAND TP Đà Nẵng và các cấp chính quyền địa phương; việc thực hiện trách nhiệm hỗ trợ về mặt chuyên môn của các Thẩm phán TAND quận Liên Chiểu. Lãnh đạo TAND TP Đà Nẵng, TAND quận Liên Chiểu luôn theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo hoạt động HGĐT, kịp thời hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ để khắc phục khó khăn, vướng mắc nảy sinh.
TAND quận Liên Chiểu thực hiện chế độ báo cáo tình hình thực hiện Luật và các khó khăn vướng mắc với TAND TP Đà Nẵng để được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời.
Thứ hai, các HGV tại TAND quận Liên Chiểu là những người có tâm huyết, sáng tạo, linh hoạt, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng nỗ lực để công tác HGĐT đạt kết quả tốt nhất. Các HGV, đối thoại viên tích cực nghiên cứu, áp dụng những kỹ năng, quy trình HGĐT đã được tập huấn, vận dụng kiến thức, kinh nghiệm và uy tín của mình để xử lý vấn đề, từ đó đạt hiệu quả cao trong công việc. Vì vậy ngay sau khi Luật HGĐT tại tòa án có hiệu lực, công tác HGĐT được triển khai thực hiện tại TAND quận Liên Chiểu ổn định về tiến trình hoạt động.
Thứ ba, tại bộ phận Văn phòng bố trí một cán bộ trực tiếp có kinh nghiệm theo dõi tiếp nhận đơn, trực tiếp giải thích các quy định của pháp luật khi đương sự đến nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại bộ phận nhận đơn.
Đối với đơn khởi kiện, đơn yêu cầu được đương sự nộp trực tiếp, cán bộ nhận đơn sẽ giải thích các quy định của pháp luật về quyền của đương sự được lựa chọn việc hòa giải tại tòa án và quyền lựa chọn HGV, các lợi ích khi lựa chọn hòa giải tại tòa án. Đồng thời, cán bộ nhận đơn gửi cho đương sự Thông báo về việc lựa chọn hòa giải (hoặc đối thoại) và lựa chọn HGV. Kèm theo Thông báo này là Danh sách HGV để người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn. Việc lựa chọn sẽ được người khởi kiện, người yêu cầu thực hiện bằng Biên bản ghi nhận ý kiến của người khởi kiện, người yêu cầu về việc lựa chọn hòa giải (đối thoại), lựa chọn HGV.
Đối với người khởi kiện, người yêu cầu nộp đơn thông qua đường bưu điện. Sau khi có thông báo việc lựa chọn hòa giải (đối thoại), lựa chọn HGV, cán bộ tòa án sẽ trực tiếp đi gửi cho đương sự (đối với các đương sự cư trú tại Đà Nẵng) hoặc gửi qua đường bưu điện (đối với các đương sự cư trú ngoài Đà Nẵng).
Việc theo dõi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu chuyển HGĐT, từ chối HGĐT cũng như sổ Quyết định công nhận kết quả HGĐT thành, Quyết định không công nhận kết quả HGĐT thành được TAND quận Liên Chiểu phân công cán bộ theo dõi, lập sổ riêng, tạo các mẫu thống kê trên excel để kịp thời cập nhật đầy đủ thông tin, số liệu khi có yêu cầu báo cáo của lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo cấp trên và của cơ quan khác có thẩm quyền.
Thứ tư, trong quá trình hòa giải tại tòa án, các HGV vận dụng tốt các kỹ năng hòa giải, điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với diễn biến vụ, việc để mọi người dân, kể cả người không am hiểu về luật pháp vẫn có thể dễ dàng tiếp cận, tạo ra môi trường để các bên lắng nghe nhau, hiểu hoàn cảnh và nguyện vọng thực sự của nhau. Chủ động khuyến khích các bên cùng đề xuất các giải pháp và lựa chọn giải pháp phù hợp nhất mà hai bên có thể chấp nhận, giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các vụ án. Trước mỗi phiên hòa giải, cần giải thích rõ cho đương sự về việc Quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực thi hành như bản án, quyết định của tòa án và các bên không phải mất án phí, lệ phí.
Không gian, bố trí phòng hòa giải và môi trường hòa giải phải cần được bố trí thân thiện, tạo sự gần gũi, bình đẳng. Ngôn ngữ và cách xưng hô được chú trọng để phù hợp với đặc điểm của các bên và loại vụ việc đang giải quyết. HGV nên tạo không gian HGĐT cởi mở trao đổi, tìm tiếng nói chung để giải quyết vụ việc.
Thứ năm, các cán bộ công chức của TAND quận luôn tích cực hỗ trợ các HGV trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Hỗ trợ các HGV trong việc soạn thảo văn bản, lập hồ sơ, thống kê. Đối với các vụ án khó, phức tạp, các HGV, đối thoại viên phối hợp với Thẩm phán phụ trách hòa giải để nghiên cứu cụ thể hồ sơ vụ việc, xác định vấn đề mấu chốt của tranh chấp để tập trung tháo gỡ, đưa ra phương án hòa giải tối ưu nhất.
Phóng viên: Trong quá trình thực hiện Luật HGĐT tại tòa án đơn vị có gặp hạn chế, khó khăn gì? Giải pháp để khắc phục hạn chế này trong thời gian đến là gì, thưa Chánh án?.
Chánh án Nguyễn Tấn Anh: Một số hạn chế, khó khăn của đơn vị khi thực hiện Luật HGĐT có thể nói đến như: Số đơn chuyển HGĐT chưa cao so với tổng số đơn khởi kiện, yêu cầu mà tòa án tiếp nhận, tỷ lệ hòa giải thành chủ yếu là vụ việc hôn nhân gia đình; các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại số đơn chuyển HGĐT chưa cao do các đương sự có luật sư, người bảo vệ quyền lợi tư vấn ngay từ khi nộp đơn khởi kiện đã nộp kèm đơn yêu cầu không HGĐT.
Các HGV đa số là những người lớn tuổi, việc ứng dụng các công nghệ thông tin trong công việc bị hạn chế; vì vậy, cán bộ công chức của tòa án quận ngoài nhiệm vụ chính của mình cũng phải dành nhiều thời gian để hỗ trợ, phối hợp, giúp đỡ HGV trong công việc.
Để khắc phục hạn chế trên trong thời gian tới TAND quận Liên Chiểu sẽ làm tốt hơn công tác tuyên truyền về thực hiện HGĐT tại tòa án; tuyên truyền, giải thích trực tiếp với đương sự, người được ủy quyền của đương sự về các phương thức được ghi nhận theo Chỉ thị của Chánh án TANDTC; đồng thời cũng đề nghị các cơ quan liên quan, các luật sư phối hợp, động viên đương sự tích cực lựa chọn phương thức hòa giải theo Luật HGĐT tại tòa án để kết quả trong thời gian đến đạt tốt hơn. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các HGV trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn Chánh án về những chia sẻ này.