Nằm trên địa bàn huyện miền núi còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, nhưng TAND huyện Pác Nặm (tỉnh Bắc Kạn) đã có nhiều thành tích đáng ghi nhận nhờ việc đẩy mạnh thực hiện 14 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xét xử theo tinh thần Nghị quyết số 27- NQ/TW.
Nâng cao chất lượng công tác xét xử
Trao đổi với PV, Thẩm phán Phạm Tiến Đại - Chánh án TAND huyện Pác Nặm cho biết, năm 2020 ông được điều động về làm Chánh án của TAND huyện Pác Nặm. Ngay khi nhận nhiệm vụ, ông cùng tập thể lãnh đạo TAND huyện Pác Nặm xác định, nhiệm vụ trọng tâm là phải tập trung giải quyết ngay, dứt điểm toàn bộ các vụ án hình sự, kinh tế, hành chính có nguy cơ gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự, trị an của địa phương.
Cùng với đó, đơn vị cũng đặc biệt chú trọng đến các vấn đề tăng cường đoàn kết nội bộ, coi đoàn kết là sức mạnh, là cơ sở để hoàn thành mọi nhiệm vụ. Công tác cán bộ được xác định là vấn đề sống còn của đơn vị. Việc lựa chọn cán bộ phải chọn đúng người, giao đúng việc, đánh giá cán bộ phải dựa trên năng lực công tác. Trong đó, việc quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ luôn gắn liền với đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách.
Đối với TAND huyện Pác Nặm thì việc nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Hàng tháng, TAND huyện Pác Nặm đều tổ chức tập huấn một ngày nhằm trao đổi, rút kinh nghiệm và giải đáp các vướng mắc trong quá trình xét xử từng vụ án. Các Hội nghị trực tuyến tập huấn, trao đổi chuyên môn, giải đáp nghiệp vụ cho Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký toà được duy trì đều đặn, góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử của đơn vị.
Ngoài các vấn đề nêu trên, lãnh đạo TAND huyện Pác Nặm cũng chú trọng tới hàng loạt các giải pháp khác như chỉ đạo quyết liệt công tác hòa giải, nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát động các phong trào thi đua… nhằm tạo động lực cho TAND huyện Pác Nặm hoàn thành nhiệm vụ mà TANDTC, TAND tỉnh Bắc Kạn giao cho.
Từ việc áp dụng đồng bộ các giải pháp, kết quả xét xử của TAND huyện Pác Nặm đã có sự thay đổi rõ rệt cả về số lượng và chất lượng…
Đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp
Với tinh thần cải cách tư pháp theo nghị quyết số 27- NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Ban cán sự đảng và lãnh đạo TAND huyện Pác Nặm luôn xác định việc quán triệt, đẩy mạnh tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt 14 giải pháp mà TANDTC đã đề ra là nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án. Công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần của cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án, công khai bản án, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải, tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử… đều được thực hiện nghiêm túc, là cơ sở để TAND huyện Pác Nặm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong số 14 giải pháp về nâng cao chất lượng công tác xét xử, Chánh án Phạm Tiến Đại tâm đắc nhất là giải pháp về nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự. Bởi lẽ, xuất phát từ đặc điểm tình hình địa phương khi phần đông người dân huyện Pác Nặm chủ yếu là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp. Đời sống văn hóa của một bộ phận người dân miền núi còn có những đặc thù riêng, theo kiểu “trăm cái lý không bằng tý cái tình”. Trong nhiều vụ án dân sự, TAND huyện Pác Nặm phải dựa vào uy tín của già làng, trưởng bản để hòa giải tranh chấp trong nhân dân.
Thực hiện cải cách tư pháp Ban cán sự đảng và lãnh đạo TAND huyện Pác Nặm đã quán triệt, chỉ đạo các Thẩm phán thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, bảo đảm để các bên đương sự thực hiện đúng và đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ tố tụng theo quy định của pháp luật. Đặc biệt là nghĩa vụ chứng minh, xác định sự thật khách quan của vụ án, các vấn đề pháp lý tranh chấp cần giải quyết trong vụ án. Tại các phiên tòa, quá trình tranh tụng tại phiên tòa bảo đảm thực sự khách quan, minh bạch và công bằng, mọi chứng cứ được xem xét một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ. Bên cạnh đó, lãnh đạo TAND huyện Pác Nặm đã yêu cầu các Thẩm phán cần nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, thực hiện đầy đủ thẩm quyền tố tụng của mình trong việc yêu cầu điều tra bổ sung; thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội; kiến nghị để khắc phục các sai sót của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hay kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước khắc phục những hạn chế, thiếu sót là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban cán sự đảng và lãnh đạo TAND huyện Pác Nặm, cũng như sự nghiêm túc thực hiện của các Thẩm phán, những năm gần đây, chất lượng xét xử của TAND huyện Pác Nặm được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ án bị sửa, hủy do nguyên nhân chủ quan năm sau giảm hơn năm trước, không để xảy ra án oan hoặc bỏ lọt tội phạm.