Trong cuộc sống, mỗi con người sẽ chọn cho mình một con đường nhưng dù có hoạt động trong lĩnh vực nào thì mục đích chung cũng đều hướng tới phục vụ xã hội để ngày một tốt hơn.
Mỗi công việc đều để lại trong mỗi con người những ấn tượng sâu sắc cũng như kỷ niệm khó quên. Đối với những người Thẩm phán làm nhiệm vụ thực thi pháp luật cũng vậy, sau những phiên tòa là những nỗi niềm trăn trở.
TAND huyện Ngọc Hồi là đơn vị ở trên địa bàn gần Cửa khẩu Bờ Y giáp ranh hai nước Việt – Lào nên tình hình ANTT trên địa bàn khá phức tạp, số lượng án qua các năm ngày càng tăng đòi hỏi mỗi Thẩm phán phải nỗ lực phấn đấu hết mình để hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Văn Pho (Phó Chánh án TAND huyện Ngọc Hồi) được bổ nhiệm Thẩm phán từ năm 2002, làm việc ở TAND huyện Ngọc Hồi đến nay đã 12 năm. Tâm sự với chúng tôi, ông Pho cho biết, là Thẩm phán xét xử qua rất nhiều vụ việc, cũng có nhiều cảm xúc khác nhau bi, hài và có cả những phiên tòa thấm đẫm nước mắt thế nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì với cương vị là một người giữ cán cân công lý bản thân cũng phải biết kềm chế cảm xúc cũng như gạt bỏ cái riêng.
Ông Nguyễn Văn Pho, Phó Chánh án TAND huyện Ngọc Hồi
Để có thể giải quyết vụ việc một cách thấu tình đạt lý và hoàn thành nhiệm vụ, mặc dù điều kiện và hoàn cảnh nơi công tác còn khó khăn, song, ông đã không ngừng phấn đấu và đạt kết quả như mong muốn. Người ta thường ví, ở trong điều kiện khó khăn sẽ làm con người trở nên gan lỳ nhưng qua thời gian dễ bị “chai sần” cảm xúc. Vậy nhưng, với ông Nguyễn Văn Pho lại khác hoàn toàn. Ông thuộc tuýp người chân chất nhưng lãng mạn, cứng rắn nhưng rất tình cảm, ấy là ở đời thực. Còn trong công việc ông luôn là người có một cái đầu lạnh và một trái tim ấm áp để giải quyết mọi vấn đề. Trong công việc, ông cho biết, chất lượng công việc luôn được đặt lên hàng đầu nhưng cũng phải có sự linh động.
Những vụ việc mới nghe qua có nhiều yếu tố bi, hài như vụ án hai gia đình trên địa bàn huyện mới đây dắt nhau ra tòa nhờ xét xử tìm sự công bằng mà tài sản chỉ là 3 bi nắp giếng với tổng tài sản chưa đến 500.000 ngàn đồng và yêu cầu bồi thường chỉ vẻn vẹn 900.000 ngàn đồng.
Vụ việc nghe qua khá nhỏ nhặt nhưng tính chất thì quá phức tạp do hiềm khích đôi bên. Đáng ra hai bên gia đình có thể giải quyết êm thấm với nhau bằng cách hòa giải nhưng sự xung đột ngày một càng lớn. Là Thẩm phán xét xử vụ án có một không hai này, ông Pho cũng chỉ biết làm sao để có thể mang lại kết quả tốt nhất. Cái cốt lõi, Thẩm phán ngồi xử không chỉ để tuyên một bản án mà phân tích thấu tình đạt lý cho cả hai phía đúng, sai mà giữ tình nghĩa hàng xóm, láng giềng nhưng phù hợp với quy định của pháp luật.
Cũng như Phó Chánh án Nguyễn Văn Pho, trong thời gian 10 năm làm Thẩm phán, ông Nguyễn Bá Khen đã trải qua rất nhiều vụ việc, thậm chí là xét xử những vụ án thấm đẫm nước mắt chen lẫn nỗi buồn day dứt, mặc dù bị cáo có tội và phải chịu hình phạt từ pháp luật là đúng nhưng phía sau phiên tòa ấy là một hoàn cảnh vô cùng đau đớn và xót xa.
Thẩm phán Khen kể, vào khoảng tháng 4/2016, TAND huyện Ngọc Hồi đưa ra xét xử vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiên giao thông đường bộ”. Bị cáo là Triệu Việt Vương trú tại thôn Tà Pook, xã Đăk Nông, Ngọc Hồi, Kon Tum và bị hại chính là vợ Vương. Vương vi phạm pháp luật do chở vợ con đi chúc Tết và có quá chén, nồng độ cồn quá cao dẫn đến tai nạn gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Theo ông Khen thì bị cáo Vương vừa đáng trách vừa đáng thương. Hai vợ chồng anh Vương quê ở tận một tỉnh miền bắc xa xôi dắt díu nhau vào Kon Tum sinh sống nhưng phải ở thuê trong một chòi rẫy của người địa phương để đi làm thuê làm mướn kiếm kế sinh nhai. Khi sự việc xảy ra trong gia đình lại quá nghèo, vợ mất, Vương lâm vào vòng lao lý, đứa con trai cũng chỉ 5 tuổi, hoàn cảnh gia đình thì quá khó khăn.
Phiên tòa xét xử bị cáo Vương bao trùm một nỗi xót xa cho tất cả những ai chứng kiến. Và đây cũng là một phiên tòa đặc biệt khi tất cả các thành viên trong Hội đồng xét xử đều đồng ý góp tiền cho bị cáo và con có tiền để ăn bữa cơm và tiền lộ phí cho cha con bị cáo Vương trước phiên xét xử. Mặc dù số tiền đó không lớn nhưng đó là những tình cảm của người Thẩm phán giữa đời thường. Kết thúc phiên tòa, Vương đã cảm ơn Hội đồng xét xử và nói một câu mà cả hội đồng đều ngân ngấn nước mắt: “Cảm ơn chủ tọa, cảm ơn Hội đồng xét xử đã cho cha con chúng tôi số tiền để hai cha con có tiền để ăn cơm trưa ạ”.
Thẩm phán Khen chia sẻ: mỗi vụ án là mỗi câu chuyện có những trăn trở khó khăn riêng. Là người mang trên mình sứ mệnh vì sự công bằng cho xã hội, hơn bao giờ hết mỗi Thẩm phán luôn ý thức điều này. Có những vụ việc giải quyết không thể cứng rắn duy chỉ đứng trên cái lý để giải quyết và ngược lại. Ở đâu, làm gì thì trước hết mình phải luôn tôn trọng người khác, kể cả họ là những người có tội, đối xử với nhau bằng cái tình, chúng tôi tin rằng cái lý sẽ được thuyết phục và giải quyết một cách thấu đáo, tâm phục khẩu phục.