Tòa án địa phương

TAND huyện Kế Sách: Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua

Tâm Phúc 04/02/2024 - 12:07

Năm 2023, với sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, công chức và người lao động trong đơn vị, TAND huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng), đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và vượt chỉ tiêu nhiều mặt công tác, vinh dự được tặng Cờ thi đua TAND.

Giải quyết 96,6% vụ việc thụ lý

Năm 2023, TAND huyện Kế Sách đã thụ lý 1.443 vụ, giải quyết 1.394 vụ, đạt tỷ lệ 96,6%. So năm 2022, thụ lý tăng 285 vụ, giải quyết tăng 275 vụ. Trong đó: án hình sự thụ lý 62 vụ, giải quyết 62 vụ, đạt tỷ lệ 100% (vượt 10%); án dân sự thụ lý 1.308 vụ, giải quyết 1.259 vụ việc, đạt 96,24% (vượt 11,24%)...

Trong tổng số 1.394 các loại vụ việc đã giải quyết, có 1.300 vụ việc được sự đồng thuận của các bên tham gia tố tụng và VKSND, không có kháng cáo, kháng nghị, chiếm tỷ lệ 93,25%, so cùng kỳ giảm 0,58%. Trong đó, có 288 vụ hòa giải đối thoại thành trong tổng số 547 vụ việc được chuyển sang hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, chiếm tỷ lệ 52,65%; Tỷ lệ hòa giải đối thoại thành theo luật tố tụng chiếm tỷ lệ 51,72%, vượt 21,72% so với chỉ tiêu được giao (30%). Tỷ lệ hòa giải thành chung là 52,07%.

anh-8.jpg
Một buổi họp triển khai công tác của TAND huyện Kế Sách.

Thẩm phán Thạch Viết Tâm - Chánh án TAND huyện Kế Sách cho biết, trong công tác xét xử các vụ án hình sự, đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan khác trong quá trình giải quyết; bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm cũng như vi phạm thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.

Việc xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo, áp dụng hình phạt khác không phải là hình phạt tù phải bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật. Trong năm có 1 vụ án tham nhũng đã được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.

Đối với các vụ án dân sự, không có án quá thời hạn chuẩn bị xét xử, án tạm đình chỉ đúng quy định của pháp luật. Chất lượng xét xử các vụ việc dân sự ngày càng tăng cao. Trong năm không phát sinh án tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án. Các vụ án phát sinh tại đơn vị đa phần có liên quan đến đất đai như tranh chấp thừa kế, quyền sử dụng đất, lấn ranh, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê, thế chấp,… và một số vụ án liên quan đến hợp đồng góp hụi, vay tài sản, tín dụng….

Trong năm 2023, TAND huyện Kế Sách đã thực hiện rất tốt công tác hòa giải, đối thoại. Đã chuyển thụ lý theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là 547 vụ, tỷ lệ chuyển hòa giải đối thoại đạt 71,22%, đã giải quyết hòa giải thành 288 vụ, đạt 52,65%. TAND huyện Kế Sách là một trong những TAND cấp huyện có tỷ lệ hòa giải thành cao nhất của TAND hai cấp tỉnh Sóc Trăng.

“Công tác hòa giải, đối thoại luôn được TAND huyện Kế Sách đặc biệt quan tâm, chú trọng. TAND huyện đã bố trí 2 phòng làm việc cho 4 hòa giải viên và trang bị thiết bị phục vụ công tác hòa giải, đối thoại; đồng thời, đơn vị cũng bố trí hòa giải viên trực hàng ngày tại phòng tiếp công dân để tăng cường phổ biến, tuyên truyền trực tiếp cho nhân dân, đương sự về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án”, Chánh án Thạch Viết Tâm cho hay.

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu

Vui mừng chia sẻ với PV, Thẩm phán Thạch Viết Tâm cho hay, xuyên suốt quá trình công tác và nỗ lực của bản thân, vừa qua, cá nhân ông đã vinh dự được Chánh án TANDTC tặng danh hiệu Thẩm phán Giỏi.

Tính từ ngày 1/12/2017 đến ngày 30/4/2023, Thẩm phán Thạch Viết Tâm đã giải quyết, xét xử 679 vụ, việc, không có án quá hạn luật định; đã thực hiện 9 phiên tòa rút kinh nghiệm; đã công bố 210 bản án, quyết định trên Cổng TTĐT TANDTC.

Thẩm phán Thạch Viết Tâm cho biết, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cũng như xét xử, bản thân phải không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn; tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật; đặc biệt là đề cao trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời có nhiều sáng kiến, giải pháp để áp dụng vào công tác, trong đó nổi bật là sáng kiến: “Thay đổi phương pháp lãnh đạo - Yếu tố của thành công”.

tam.jpg
Thẩm phán Thạch Viết Tâm, Chánh án TAND huyện Kế Sách.

Sáng kiến này được Thẩm phán Thạch Viết Tâm áp dụng nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ năm công tác, nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án và các công việc khác...

Theo Thẩm phán Thạch Viết Tâm, trước hết, lãnh đạo đơn vị phải gương mẫu trong tất cả các lĩnh vực; phải tạo môi trường làm việc thân thiện, thoải mái, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, tạo không khí thi đua sôi nổi trong đơn vị; việc phân công trách nhiệm trong ban lãnh đạo phải cụ thể, rõ người, rõ việc.

Công tác tổ chức, sắp xếp công việc phải khoa học, hợp lý; phân công án cho đồng đều, đúng khả năng, sở trường của từng người, để bảo đảm tính công bằng. Đồng thời, Chánh án phải theo dõi từng loại án của các Thẩm phán được phân công, đảm bảo vừa có án khó, vừa có án dễ, đảm bảo các Thẩm phán thụ lý, giải quyết đều từng loại vụ việc công bằng.

Để vụ việc được giải quyết nhanh, ngay sau khi ra thông báo thụ lý vụ án (đối với nhưng vụ án không phức tạp), Chánh án phải yêu cầu Thẩm phán thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; đối với những vụ tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, hướng dẫn đương sự làm đơn yêu cầu thẩm định, định giá tài sản kèm theo đơn khởi kiện hoặc yêu cầu người khởi kiện làm đơn yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ… Động tác này giúp Tòa án rút ngắn được thời gian giải quyết vụ án.

Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức cuộc họp để nghe các Thẩm phán báo cáo tiến độ giải quyết vụ án, những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý, để cùng tập thể đưa ra ý kiến đóng góp hướng xử lý. Sau khi có hướng xong, đề nghị Thẩm phán xác định, cam kết là các công việc này sẽ thực hiện trong bao lâu để đưa vụ án ra xét xử. Trong quá trình Thẩm phán thực hiện công việc, ban lãnh đạo phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, tuyệt đối không để cho Thẩm phán hứa mà không thực hiện.

Trong quá trình thụ lý vụ án, Thẩm phản phải quyết kịp thời những phản ánh, khiếu nại, thắc mắc của cá nhân, tập thể; phối hợp chặt chẽ với Hội thẩm nhân dân; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin điện tử vào công tác vì hiện nay đa số các đơn vị đều được trang bị đầy đủ các trang thiết bị điện tử.

“Ngoài chú trọng công tác chuyên môn, cán bộ Tòa án phải “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Tự bản thân mỗi cán bộ, công chức và người lao động phải tận tụy, giúp đỡ, luôn lắng nghe, học hỏi nhân dân, đặt quyền lợi chính đáng và mục tiêu phục vụ nhân dân lên trên hết; không quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân”, Thẩm phán Thạch Viết Tâm nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND huyện Kế Sách: Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua