Tòa án địa phương

TAND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh): Thực hiện tốt Quy chế phối hợp để nâng cao chất lượng giải quyết án

Bá Mạnh 03/04/2023 12:53

“Qua việc ký kết Quy chế phối hợp đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị, tạo sự thống nhất, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các loại án cũng như đảm bảo tiến độ giải quyết các vụ án dân sự đúng hạn luật định”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chánh án TAND huyện Hương Khê cho biết.

Trao đổi với PV Báo Công lý, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chánh án TAND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, những năm qua trên địa bàn huyện Hương Khê các tranh chấp dân sự, đặc biệt là tranh chấp đất lâm nghiệp do lịch sử để lại vẫn còn diễn biến phức tạp, đơn thư khiếu kiện trên địa bàn vẫn còn phát sinh nhiều; thị trường bất động sản, tín dụng ngân hàng thời gian qua có nhiều biến động tiềm ẩn phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp.

Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phối hợp với UBND huyện, các phòng, ban, ngành, đơn vị liên quan và UBND cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là trong công tác giải quyết các vụ án dân sự, hành chính. Trên cơ sở Quy chế phối hợp số 01/QCPH/BCSĐUBND-BCSĐTAND ngày 26/12/2018 của Ban cán sự đảng UBND tỉnh và Ban cán sự đảng TAND tỉnh, TAND huyện Hương Khê đã chủ động phối hợp với UBND huyện Hương Khê xây dựng và thông qua Quy chế phối hợp (QCPH) số 215/QCPH/UBND-TAND ngày 16/12/2019 trong việc giải quyết án dân sự, hành chính.

chanh_an_nguyen_thanh_tung_tand_huyen_huong_khe.jpg
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chánh án TAND huyện Hương Khê

Ngay sau khi QCPH được ban hành, lãnh đạo các cơ quan đã quán triệt, tổ chức thực hiện, chỉ đạo các Thẩm phán, Thư ký; các phòng, ban, ngành liên quan và UBND cấp xã trong quá trình phối hợp giải quyết vụ việc của Tòa án phải thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng và quy chế đã ký kết.

“Qua việc ký kết QCPH đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị, tạo sự thống nhất, phối hợp hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị. Trên thực tế, QCPH tạo ra sự kết nối gắn liền với trách nhiệm của các cơ quan hữu quan”, Chánh án Nguyễn Thanh Tùng cho biết.

Qua 3 năm thực hiện Quy chế phối hợp, từ 01/01/2020 đến 31/12/2022, TAND huyện Hương Khê đã thụ lý, giải quyết tổng số 600/620 vụ việc các loại. Trong đó, thụ lý, giải quyết 457/473 vụ việc dân sự, hành chính (theo thủ tục tố tụng là 347/363 vụ việc; theo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án là 110/110 vụ việc).

Trong đó, có 62 vụ việc dân sự, TAND huyện Hương Khê cần thực hiện công tác phối hợp với UBND huyện, các phòng, ban, ngành có liên quan và UBND cấp xã trên địa bàn huyện.

“Tòa án đã ban hành các quyết định thu thập tài liệu, chứng cứ hoặc văn bản đề nghị phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ; xác định đưa UBND huyện, UBND các xã, thị trấn vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan… Qua công tác phối hợp đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả công tác của Tòa án và của UBND huyện cũng như các xã trong giải quyết các vụ việc khiếu kiện của nhân dân nhất là các tranh chấp đất đai. Được Thường trực Huyện ủy, Thường trực HĐND huyện và lãnh đạo ngành cấp trên ghi nhận, đánh giá cao”, Chánh án Nguyễn Thanh Tùng thông tin.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế trong quá trình thực hiện QCPH đó là việc chậm cử người tham gia tố tụng, cung cấp tài liệu chứng cứ, trả lời các nội dung liên quan vụ án, kết quả định giá tài sản... đã làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng giải quyết án dân sự.

Ngoài nguyên nhân khách quan như công tác quản lý nhà nước về đất đai, lưu trữ hồ sơ lâm nghiệp do lịch sử để lại qua các thời kỳ còn nhiều bất cập, nhiều tài liệu chồng chéo, mâu thuẫn với nhau hoặc không còn lưu giữ; cán bộ có sự luân chuyển, thay đổi vị trí công tác nên không nắm rõ được vụ việc tại địa phương; công tác chuyên môn của các phòng, ngành, đơn vị, UBND cấp xã ngày càng nhiều, áp lực nên khó khăn trong sắp xếp bố trí công việc phối hợp... thì nguyên nhân chủ quan đó là một số cán bộ, cơ quan, phòng, ngành, đơn vị , UBND cấp xã vẫn chưa nhận thức đúng, đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật tố tụng và QCPH đã ký kết, do đó vẫn chưa chủ động trong công tác phối hợp.

“Qua đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện QCPH, trong thời gian tới lãnh đạo TAND huyện và UBND huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức các phòng, ban, ngành, đơn vị liên quan, UBND cấp xã và TAND huyện để nắm bắt đầy đủ, nâng cao trách nhiệm, tổ chức thực hiện nghiêm túc QCPH. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng, nội dung phối hợp, phù hợp với tình hình và chức năng, nhiệm vụ của UBND huyện, các phòng, ngành liên quan với TAND huyện trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương”, Chánh án Nguyễn Thanh Tùng cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh): Thực hiện tốt Quy chế phối hợp để nâng cao chất lượng giải quyết án