Huyện Đức Hòa là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Long An, giáp với TP. Hồ Chí Minh và nhiều khu công nghiệp nên có nhiều dân nhập cư, dẫn đến tình hình an ninh trật tự, các tệ nạn xã hội và các tranh chấp phát sinh nhiều.
Nhưng, với nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức TAND huyện Đức Hòa đã lập được những thành tích xuất sắc.
Với 8 Thẩm phán nhưng trong năm 2014, TAND huyện Đức Hòa thụ lý 2.152 vụ án các loại, giải quyết 2.138 vụ, đạt tỷ lệ 99,34. Trung bình mỗi Thẩm phán phải giải quyết 22,27 vụ/tháng, cao gấp 5 lần so với định mức quy định chung là 4 vụ/tháng/Thẩm phán. Riêng Chánh án TAND huyện Đức Hòa Trần Thị Kim Thảnh đã giải quyết 325 vụ/năm.
Để đạt được kết quả trên, theo Chánh án Trần Thị Kim Thảnh, đơn vị đã quan tâm đến việc đổi mới thủ tục xét hỏi và tranh luận tại các phiên tòa theo tinh thần của Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Mặt khác, do dự báo tình hình từ đầu năm là lượng án sẽ tăng cao, Chi bộ đã có Nghị quyết về việc tăng cường và nâng cao chất lượng giải quyết các loại án, đề ra kế hoạch thực hiện cho cả năm và từng tháng. Toàn đơn vị đã tiến hành cải tiến lề lối làm việc một cách khoa học, từ khâu nhận đơn khởi kiện cho đến hòa giải, xét xử. Đơn vị có sự nhất trí cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, giải quyết công tác chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị; ra quyết định phân công trách nhiệm cụ thể đối với Chánh án và các Phó Chánh án; xây dựng và công khai quy chế ứng xử, quy chế làm việc, chi tiêu nội bộ và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm công vụ của CBCC; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm của CBCC.
Chánh án TAND huyện Đức Hòa Trần Thị Kim Thảnh
Đặc biệt, hàng tuần vào các ngày thứ 2, 4, 6 từ 7 giờ 30 đến 8 giờ, lãnh đạo đơn vị tổ chức họp toàn bộ CBCC, người lao động để thông tin những văn bản hướng dẫn đường lối giải quyết các loại án, thông báo những bản án có sai sót hoặc các bản án bị hủy, bị sửa để rút kinh nghiệm, đồng thời kiểm tra, nhắc nhở, động viên tinh thần CBCC cố gắng phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đối với các vụ án phức tạp, lãnh đạo tổ chức họp các Thẩm phán để trao đổi, bàn bạc những vấn đề vướng mắc trong quá trình giải quyết án hoặc báo cáo, xin ý kiến của Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh.
Ngoài ra, công tác đổi mới thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của Tòa án cũng được xác định là khâu đột phá. Đơn vị đã thành lập Tổ Hành chính - tư pháp với nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Chánh án về công tác tiếp nhận đơn khởi kiện, hồ sơ vụ án được xem xét, tiếp nhận nhanh để xử lý theo đúng thời gian quy định; thực hiện việc phát hành án văn, văn bản hành chính khác, lưu trữ án văn và hồ sơ, công tác thi hành án hình sự, báo cáo thống kê. Đơn vị cũng thiết lập hệ thống quản lý công tác chuyên môn trên mạng vi tính nội bộ nhằm giúp lãnh đạo đơn vị nắm được lượng án giải quyết của từng Thẩm phán, vụ việc sắp hết hạn giải quyết, xét xử, tránh tình trạng để án quá hạn luật định, vi phạm tố tụng…
Công tác hòa giải trong các vụ án dân sự được quan tâm nên tỷ lệ hòa giải thành trong năm chiếm tỷ lệ 42,51% (909 vụ/2.138vụ). Trong quá trình hòa giải, Thẩm phán phải thể hiện thái độ vui vẻ, tạo tâm lý công bằng cộng thêm việc kiên trì thuyết phục các đương sự, đòi hỏi Thẩm phán không chỉ là người có kiến thức pháp luật mà còn phải là người có tinh thần trách nhiệm cao. Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong khối nội chính và các ngành liên quan trong huyện cũng góp phần giải quyết nhanh các loại án.