Để giảm bớt áp lực số lượng án ngày càng tăng, các vụ án tranh chấp có tính chất ngày càng phức tạp, TAND huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) luôn ưu tiên giải quyết các “mâu thuẫn” bằng công tác hòa giải, đối thoại. Nhờ đó, những mâu thuẫn, tranh chấp kịp thời được giải quyết, góp phần giảm thiểu các vụ việc khiếu nại vượt cấp, kéo dài.
Hòa giải, đối thoại là một thiết chế quan trọng không thể thiếu trong hệ thống pháp lý của ngành Tòa án, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp, đảm bảo tính công bằng, hiệu quả, minh bạch trong quá trình xét xử. Hòa giải, đối thoại tại Tòa giúp thúc đẩy sự đồng tình và thấu hiểu giữa các bên, là bước đầu quan trọng để tìm kiếm các giải pháp thỏa đáng, hợp tình, hợp lý trong tranh chấp giữa các đương sự.
Nhận thấy tầm quan trọng của công tác hòa giải, đối thoại, đặc biệt, trước khi Luật Hòa giải có hiệu lực, vào năm 2017, ngay sau khi chuyển công tác về TAND huyện Buôn Đôn, đồng chí Nguyễn Sỹ Thành, Chánh án TAND huyện Buôn Đôn đã xây dựng kế hoạch công tác, phát động phong trào thi đua cho tập thể cán bộ, công chức trong đơn vị. Trong đó ý tưởng nâng cao tỉ lệ án hòa giải của ông nhận được sự đồng thuận của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, bước đầu đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực.
Đi vào thực tiễn, hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã mang lại nhiều lợi ích. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử, giúp tiết kiệm được chi phí, thời gian, công sức của đương sự và Nhà nước. Nhờ làm tốt công tác hòa giải, những năm gần đây, số vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại… phải đưa ra xét xử tại TAND huyện Buôn Đôn giảm đáng kể, hạn chế được những tranh chấp căng thẳng giữa các đương sự.
Đồng chí Nguyễn Sỹ Thành cho biết, để làm tốt công tác hòa giải, đối với các vụ án dân sự có tranh chấp, Thẩm phán phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm rõ nội dung vụ án, thu thập thông tin, xác định địa vị pháp lý của người tham gia tố tụng, xác định quan hệ pháp luật cần giải quyết và tìm hiểu nguồn gốc sâu xa dẫn đến tranh chấp, từ đó chủ động lập kế hoạch hòa giải phù hợp đối với từng vụ án cụ thể.
Đối với những vụ án tranh chấp về đất đai có tính chất phức tạp hơn, Thẩm phán sẽ trực tiếp xác minh, xem xét ngoài thực địa, hướng các đương sự tự nguyện thỏa thuận với nhau.
“Quá trình điều tra, xác minh và hòa giải cần phối hợp với chính quyền địa phương. Đặc biệt là phối hợp với những người có uy tín trong cộng đồng như người có uy tín, các già làng, cha đạo…”, đồng chí Nguyễn Sỹ Thành nói.
Bởi theo Chánh án TAND huyện Buôn Đôn, người có uy tín, các già làng, cha đạo là những người gần gũi, nhận được sự tin tưởng trong cộng đồng. Họ có thể sử dụng sự ảnh hưởng của mình để thúc đẩy hòa bình và giải hòa cộng đồng. Họ có thể khuyến khích các bên tranh chấp tham gia vào quá trình hòa giải. Họ đóng vai trò là người “cầm cân nảy mực” đưa ra giải pháp mà các bên có thể chấp nhận một cách công bằng, vô tư và khách quan.
Bên cạnh đó, với những trường hợp tranh chấp có tính chất phức tạp hoặc liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, các Thẩm phán sẽ mời một số người có kinh nghiệm như Hội thẩm nhân dân hoặc cán bộ cảnh sát cùng phối hợp với Tòa án để tiến hành hòa giải, đối thoại.
Kết quả, từ năm 2018, TAND huyện Buôn Đôn thụ lý trung bình 400 vụ/việc, tỉ lệ hòa giải thành đạt từ 90% trở lên. Với mục tiêu tăng cường hơn nữa chất lượng hòa giải, đối thoại, đáp ứng nhu cầu công việc, TAND huyện Buôn Đôn chính thức bổ nhiệm 3 hòa giải viên. Đây đều là những người có uy tín, có trình độ, am hiểu pháp luật và kinh nghiệm hòa giải ở cơ sở.
Theo đồng chí Nguyễn Sỹ Thành, để nâng cao hiệu quả trong công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án, thời gian tới, TAND huyện Buôn Đôn sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật giúp người dân hiểu rõ và sâu sắc hơn về ý nghĩa của việc hòa giải, đối thoại; tăng cường vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đồng thời phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhằm tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; đào tạo, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên cũng như bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Qua quá trình thực hiện, lãnh đạo TAND huyện Buôn Đôn nhận thấy, để đạt được kết quả trên, ban lãnh đạo TAND huyện đã tập trung quan tâm thực hiện công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện đảm bảo cho hoạt động của các giải hòa viên. Hầu hết các giải hòa viên đều rất tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm cao.
Được biết, một trong những tấm gương sáng, đi đầu trong công tác hòa giải, đối thoại tại TAND huyện Buôn Đôn là Chánh án Nguyễn Sỹ Thành. Ông đã tham gia hòa giải, đối thoại nhiều vụ việc về tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính… Ông cũng là người thực hiện hòa giải thành đạt tỉ lệ cao, luôn đạt trên 90%, có năm không phải đưa ra xét xử vụ án nào.
Chánh án TAND huyện Buôn Đôn dành tâm huyết, là người có nhiều kinh nghiệm, sáng kiến, trong quá trình giải quyết các vụ án. Ông luôn đặt công tác hòa giải, đối thoại lên hàng đầu, là giải pháp ưu tiên, tối ưu để giải quyết các vụ việc.