TAND hai cấp tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác trong bối cảnh an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh tiếp tục được giữ vững và ổn định nhưng tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường.
Tuy vậy, hệ thống TAND hai cấp tỉnh đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm công tác đề ra.
Năm 2013, hệ thống Tòa án hai cấp tỉnh Quảng Ninh đã giải quyết được 4.881 vụ, việc các loại trong tổng số 4.991 vụ, việc đã thụ lý (đạt tỷ lệ 97,8%); số vụ án còn lại mới thụ lý và còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. So với năm 2012, số vụ việc đã thụ lý tăng 512 vụ; đã giải quyết tăng 559 vụ. Mặc dù số lượng các loại vụ việc tăng, với tính chất ngày càng phức tạp, phát sinh một số hành vi phạm tội và tranh chấp mới, nhưng với việc chủ động nắm bắt tình hình, đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu và tổ chức thực hiện quyết liệt, như: chú trọng làm tốt công tác trao đổi nghiệp vụ và rút kinh nghiệm công tác xét xử; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nghiệp vụ tập trung vào việc khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác; tăng cường tranh tụng tại phiên tòa và cải cách thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của Tòa án; phát động các phong trào thi đua gắn với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn... đã dẫn đến kết quả công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án trong thời gian qua tiếp tục có sự chuyển biến tích cực.
Cụ thể, TAND hai cấp tỉnh Quảng Ninh đã khắc phục triệt để tình trạng các vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Rà soát và phối hợp với VKS và Cơ quan thi hành án để có biện pháp xử lý ngay đối với các trường hợp án tuyên không rõ ràng trở thành nền nếp trong toàn hệ thống. Chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án tiếp tục được đảm bảo và nâng lên; tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa giảm 1,075% so với cùng kỳ năm trước. Việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; năm 2013 không có trường hợp nào kết án oan người không có tội. Hệ thống Tòa án hai cấp đã tổ chức 211 phiên tòa xét xử lưu động tại địa phương nơi xảy ra vụ án, tăng hơn cùng kỳ năm trước 134 vụ. Việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo, nhất là các bị cáo phạm tội về tham nhũng được giám sát chặt chẽ, đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật (tỷ lệ án treo chiếm 17,86% trên tổng số bị cáo bị xét xử); đã khắc phục về cơ bản việc trả hồ sơ điều tra bổ sung không có căn cứ (trả hồ sơ điều tra bổ sung được VKS chấp nhận đối với 54/60 vụ với tổng số 251/277 bị cáo, 6 vụ còn lại hai ngành chưa thống nhất về quan điểm áp dụng pháp luật). Việc giải quyết các vụ việc dân sự và vụ án hành chính đã bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, số lượng hoà giải thành trong giải quyết các vụ việc dân sự đạt 1790 vụ đạt tỷ lệ cao (62,45%), đối thoại thành trong giải quyết vụ án hành chính 36/86 vụ chiếm hơn 40% tổng số án hành chính phải giải quyết, cao hơn rất nhiều so với năm 2012.
Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc của TAND tỉnh Quảng Ninh được UBND tỉnh tặng Bằng khen
Không những thế, Tòa án hai cấp tỉnh Quảng Ninh thường xuyên tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức, tăng cường thực hiện kỷ luật công vụ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của TAND hai cấp tỉnh Quảng Ninh cũng còn một số hạn chế: Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán tuy có giảm nhưng chưa được như mong muốn, nhất là trong giải quyết các vụ án dân sự và hành chính. Việc tổ chức thực hiện các giải pháp được nêu trong Nghị quyết 01/NQ-BCS của Ban cán sự đảng TANDTC, Chỉ thị 01/2013/CT-CA ngày 5/2/2013 của Chánh án TANDTC còn nhiều thiếu sót, như: Việc đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa tuy đã đi vào thực chất, công khai nhưng chưa đạt tới các mục tiêu mà Nghị quyết 49 đặt ra.
Trao đổi với PV, ông Ngô Đức, Chánh án TAND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng bản án như: Do quy định pháp luật về đất đai, nhà ở, hôn nhân và gia đình, dân sự, kinh doanh thương mại…có nhiều thay đổi, chưa chặt chẽ; nhiều quy định của Luật tố tụng hành chính, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLTTDS chưa được hướng dẫn kịp thời; một số vụ án dân sự do một trong các bên đương sự xuất trình bổ sung thêm chứng cứ mới tại Tòa án cấp phúc thẩm, làm thay đổi các tình tiết của vụ án dẫn đến việc hủy, sửa án. Cá biệt có trường hợp đương sự lạm dụng pháp luật tố tụng, cố tình không cung cấp chứng cứ ở cấp sơ thẩm, đến giai đoạn xét xử phúc thẩm mới xuất trình, dẫn đến cấp phúc thẩm phải hủy hoặc sửa án sơ thẩm vì không thể bổ sung khắc phục được.
Bên cạnh đó, pháp luật về các tổ chức giám định chưa được hoàn thiện; một số cơ quan, tổ chức chưa phối hợp chặt chẽ với Toà án, thậm chí chưa làm hết trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, giám định, tham gia định giá tài sản, thực hiện uỷ thác tư pháp kết quả còn rất hạn chế, nhất là đối với nước ngoài... làm cho quá trình giải quyết vụ án gặp nhiều khó khăn, ông Ngô Đức nhấn mạnh.